Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến tháng 11-2020, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 63% điều kiện kinh doanh, 68% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Việc triển khai cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” đã tăng tính công khai, minh bạch; giúp giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận lợi; giảm tình trạng chậm muộn, nhũng nhiễu... Đi cùng với đó, việc xây dựng thể chế, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cũng được thực hiện đồng bộ, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội…
Hơn thế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trở thành yêu cầu tự thân của mỗi bộ, ngành, địa phương; lan tỏa thành phong trào thi đua giữa các đơn vị cũng như chính cộng đồng doanh nghiệp, nhóm trực tiếp thụ hưởng kết quả của cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã nhìn nhận, đánh giá, thông qua Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hằng năm.
Sản xuất hàng may mặc tại Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Vit Garment, Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh). Ảnh: Hà Nội mới
Tuy nhiên, có một thực tế cũng được chỉ ra, đó là đà cải cách đang chậm lại và sẽ ngày càng khó khăn hơn. Nguyên nhân không phải do các bộ, ngành, địa phương thiếu quyết tâm, mà phần lớn vì dư địa cải cách không còn nhiều, trong khi đòi hỏi cải cách lại ngày một cao hơn; và sự cạnh tranh về môi trường đầu tư, kinh doanh không còn thu hẹp giữa các ngành, địa phương mà được nâng lên tầm quốc gia, khu vực.
Nói cách khác, vấn đề đặt ra là làm thế nào để giữ được đà cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo ra động lực cho phát triển kinh tế - xã hội?
Yêu cầu đầu tiên vẫn là hoàn thiện thể chế và tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Thực tế, vẫn còn thủ tục chồng chéo, gây ra cách hiểu khác nhau; vẫn còn sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế trong tiếp cận cơ hội kinh doanh; vẫn còn rủi ro pháp lý khiến doanh nghiệp e ngại đầu tư…
Bên cạnh số doanh nghiệp ra đời tăng cao thì số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể cũng không ít. Vì thế, cùng với sự chủ động rà soát của từng bộ, ngành, cần có sự tham vấn cộng đồng doanh nghiệp, xem quy định nào gây vướng mắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh để tiếp tục tìm cách cắt giảm, đơn giản hóa hay đề xuất, sửa đổi, hoàn thiện các luật liên quan.
Trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, rõ ràng không thể thiếu quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương. Điều đó phải được cụ thể hóa bằng kế hoạch, phương án của đơn vị, bằng trách nhiệm cụ thể của mỗi cán bộ, công chức, người đứng đầu đơn vị. Kết quả cũng phải được cụ thể hóa bằng số thủ tục cắt giảm, đơn giản hóa; bằng thời gian giải quyết và tỷ lệ giải quyết thủ tục đúng giờ; bằng việc cải thiện các chỉ số đo lường năng lực cạnh tranh, phục vụ doanh nghiệp, người dân; bằng các giải pháp tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp ứng phó với dịch Covid-19 và phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Trong khi dư địa cải cách không còn nhiều, sự quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương sẽ phải cao hơn gấp bội. Có như vậy, đà cải cách mới liên tục được duy trì; môi trường kinh doanh mới liên tục cải thiện theo hướng thuận lợi hơn, bình đẳng hơn, là hệ sinh thái để thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp thực sự phát triển bền vững./.
Theo Hà Nội mới