Niềm tin là hệ thống tri thức, nhận thức, quan điểm về tự nhiên, xã hội, con người được chủ thể trực tiếp trải nghiệm, xác nhận tính đúng đắn, chân thực của chúng, tự mình mong muốn thực hiện chúng trong cuộc sống, thành điểm tựa tinh thần của mỗi người.
Niềm tin được hình thành trong giao tiếp, trong quan hệ xã hội, trong cuộc đấu tranh với những quan điểm trái ngược và chống lại niềm tin đó.
Niềm tin của nhân dân với Đảng là cội nguồn sức mạnh làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm tới việc giữ vững niềm tin chính trị của nhân dân. Thật vậy:
Niềm tin chính trị của nhân dân - yếu tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, niềm tin là một hình thái của ý thức xã hội thuộc về kiến trúc thượng tầng, ra đời trên cơ sở hạ tầng tương ứng. Trong xã hội có giai cấp, niềm tin của con người không thể không có quan hệ với chính trị. Nói cách khác, dù nhận biết được hay không nhận biết được, dù ít hay nhiều, niềm tin trong xã hội có giai cấp đều liên quan đến chính trị, xuất phát từ chính trị, do chính trị chi phối.
Niềm tin chính trị của nhân dân là sự tin tưởng, kỳ vọng vào đảng phái chính trị nhất định, cụ thể là vào chủ trương, đường lối của đảng chính trị, truyền thống và những giá trị của đảng chính trị cũng như uy tín của lãnh tụ đảng đó. Niềm tin đó từ phía quần chúng nhân dân được hình thành qua đời sống chính trị của đất nước, qua hoạt động thực tiễn của chính đảng trong nỗ lực để bảo đảm rằng niềm tin đó sẽ được đền đáp. Vì thế, niềm tin chính trị được hình thành phải trải qua sự thử thách lâu dài, mà những kết quả thực tế trong hoạt động chính trị sẽ là sự bảo đảm cho uy tín chính trị của đảng, để khẳng định rằng niềm tin chính trị của quần chúng nhân dân dành cho đảng có vững chắc hay không.
Những yếu tố cơ bản của niềm tin chính trị của nhân dân gồm có:
Thứ nhất, sự hiểu biết về chính trị của quần chúng nhân dân ngày càng tăng lên. Đây là điều kiện cần. Điều này chính là sự giải thích cho quyết định của quần chúng nhân dân rằng, nên đi theo đảng chính trị nào và chủ trương, đường lối của đảng đó có lợi hay không có lợi cho mình. Chính trị là một vấn đề phức tạp, có thể tương đối xa lạ với đa số quần chúng nhân dân, bởi vậy họ chỉ nhận biết về chính trị từ những điều giản dị, gần gũi với cuộc sống hằng ngày của mình, qua những cá nhân mà mình biết.
Tuy nhiên, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định rằng, cách mạng là ngày hội của những người bị áp bức, lực lượng chính của cuộc cách mạng vô sản chính là đông đảo quần chúng nhân dân bị áp bức, vì thế đảng cộng sản phải trang bị cho họ những hiểu biết nhất định về chính trị nói chung, về chủ trương, chính sách của mình nói riêng, để từ đó bước đầu hình thành niềm tin chính trị của nhân dân, tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn; từ sức mạnh tinh thần đó mà biến thành sức mạnh vật chất - các phong trào hành động chính trị dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Điều này được V.I.Lênin nhấn mạnh: “Nhiệm vụ thứ nhất của bất cứ một chính đảng nào có trọng trách đối với tương lai là thuyết phục cho đa số nhân dân thấy được sự đúng đắn của cương lĩnh và sách lược của mình”2.
Thứ hai, những kinh nghiệm chính trị của nhân dân trong thực tiễn cách mạng ngày càng trở nên phong phú. Đây là điều kiện đủ. Khi sự hiểu biết về chính trị của quần chúng nhân dân là điều kiện cần của niềm tin chính trị, thì kinh nghiệm chính trị của họ chính là điều kiện đủ, quyết định họ sẽ kiên định đi theo sự lãnh đạo của đảng; đồng thời, thể hiện đảng đã thành công trong việc cuốn hút họ theo đường lối của mình. Những trải nghiệm chính trị, những bài học kinh nghiệm “xương máu” được quần chúng nhân dân đúc rút từ thực tiễn cách mạng dưới sự lãnh đạo của đảng khiến cho nhận thức chính trị của họ càng thêm sâu sắc, từ đó niềm tin chính trị vào chính đảng càng thêm sâu nặng. Lúc này, niềm tin chính trị không chỉ là kết quả từ nỗ lực của đảng chính trị, mà còn có sự đóng góp to lớn của quần chúng nhân dân, khi họ tham gia một cách tích cực, tự giác vào phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản với lý tưởng chính trị rõ ràng. Điều này được V.I. Lê-nin chỉ rõ, qua thực tiễn cách mạng vô sản Nga: “Khi đụng đến một phong trào bao gồm hàng triệu quần chúng nhân dân, thì chỉ những lời nói thôi không đủ; quần chúng nhân dân phải có kinh nghiệm của bản thân họ để họ tự kiểm nghiệm những chỉ thị và tin vào kinh nghiệm của bản thân”3.
Qua thực tiễn cách mạng dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, sự hiểu biết chính trị của quần chúng nhân dân được nâng lên; đồng thời, kinh nghiệm chính trị của họ cũng dần được tích lũy, thông qua việc tham dự tích cực, kiên quyết vào các phong trào rộng lớn trên các lĩnh vực của sự nghiệp cách mạng. Qua đó, quần chúng nhân dân hiểu được vị trí, vai trò, sức mạnh của mình trong cuộc cách mạng theo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và thu được những kinh nghiệm thực tế để từng bước trưởng thành dần dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản.
Thứ ba, thực tiễn lãnh đạo chính trị thuyết phục của đảng cộng sản. Đây là điều kiện quyết định, thể hiện năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng, thông qua tính đúng đắn của các chủ trương, đường lối lãnh đạo cách mạng của đảng đem lại những thành công nhất định trên các lĩnh vực, qua đó thu hút càng nhiều quần chúng nhân dân đi theo đảng. Bên cạnh đó, những hy sinh, phấn đấu vì độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân của đội ngũ đảng viên và lãnh tụ của đảng; sự hòa quyện bởi nhân cách cá nhân người đảng viên với uy tín chính trị của đảng đã thực sự thuyết phục và củng cố niềm tin chính trị của nhân dân với đảng.
Điều này rất quan trọng từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, thể hiện qua sự đúc kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong câu nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Chính những hy sinh, phấn đấu của đội ngũ đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam đã góp phần quan trọng nâng cao uy tín chính trị của Đảng trong nhân dân. Điều đó làm nên những thành tựu to lớn của sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Thứ tư, sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp cách mạng. Đây là điều kiện bảo đảm cho tính bền vững của niềm tin chính trị của nhân dân. Niềm tin chính trị của nhân dân được hình thành bởi quá trình hoạt động có chủ đích của Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là vì hạnh phúc của nhân dân; nhưng đồng thời, nhân dân cũng tích cực tham gia vào quá trình đó để theo đuổi lý tưởng của mình, hiện thực hóa lý tưởng đó, nên chính nhân dân đã góp phần xây dựng niềm tin chính trị của mình, bao hàm những mong muốn, yêu cầu thông qua thực tiễn chính trị đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Điều đó thể hiện rõ bản chất cuộc cách mạng vô sản, với Đảng là người tổ chức, lãnh đạo nhân dân; nhân dân là người trực tiếp xây dựng xã hội của mình, cho mình. Do đó, niềm tin chính trị là kết quả của sự cộng hưởng nỗ lực từ Đảng và quần chúng nhân dân cùng chung mục tiêu xây dựng và hiện thực hóa niềm tin chính trị về một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hạnh phúc và luôn giữ gìn và phát triển niềm tin đó qua mọi giai đoạn cách mạng.
Quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta cho thấy, cơ chế hình thành niềm tin của nhân dân với Đảng là việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin thông qua năng lực lãnh đạo của Đảng, với việc phát huy tính chủ động, tích cực chính trị của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. (còn tiếp)./.
Minh Châu