PV: Các nhà kinh tế dường như vẫn chưa thống nhất với nhau giải pháp kiềm chế lạm phát, như ông Joseph Stiglitz thì nói nâng lãi suất lên không giải quyết được lạm phát vì nó đâu có giúp tăng lương thực; còn ông Lawrence Summers thì đòi Fed nâng lãi suất lên cao hơn lạm phát để có lãi suất thực dương mới mong đè nén lạm phát được. Vì sao có sự khác biệt này? Ông theo trường phái nào?
– GS.TS. Trần Ngọc Thơ: Thế giới đang bước vào kỷ nguyên với bối cảnh vĩ mô, địa kinh tế chính trị mới, bất thường, làm cho những hạn chế nguồn cung có khả năng là động lực của lạm phát. Hạn chế nguồn cung đang thúc đẩy lạm phát gia tăng trong hơn một năm qua và có thể còn kéo dài. Đây là một sự thay đổi sâu sắc so với sự thống trị kéo dài hàng thập kỷ của các yếu tố thúc đẩy nhu cầu. Bối cảnh mới đã thay đổi cơ bản cách chúng ta suy nghĩ về môi trường vĩ mô và các tác động của thị trường.
Một thế giới mới được định hình bởi những hạn chế nguồn cung dai dẳng sẽ dẫn đến nhiều biến động vĩ mô khó lường, so với cách nghĩ phổ biến trước đây là cú sốc nguồn cung thường là “tạm thời”. Chính sách tiền tệ vì vậy không thể ổn định cả lạm phát và tăng trưởng: phải lựa chọn giữa chúng. Các ngân hàng trung ương phải chấp nhận lạm phát cao hơn hoặc phá hủy nhu cầu để kiềm chế lạm phát. Với mối quan hệ lịch sử giữa thất nghiệp và lạm phát, nếu Ngân hàng trung ương Mỹ bằng mọi giá giữ lạm phát mục tiêu 2% trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, có thể đẩy tỷ lệ thất nghiệp Mỹ lên gần hai con số.
Khi lạm phát được thúc đẩy bởi nhu cầu, ổn định lạm phát cũng là ổn định tăng trưởng, không có sự đánh đổi. Giờ đây, lạm phát sẽ phát sinh ngay cả khi các nền kinh tế không tăng trưởng nóng.
Theo tôi, cả Stiglitz và Summers đều nhận thấy vấn đề này. Điều mà hai ông không đồng tình nằm ở dữ liệu dẫn dắt các quyết định. Summers thừa nhận những hạn chế nguồn cung, đặc biệt liên quan đến Covid-19, xung đột Ukraine và chủ nghĩa chống toàn cầu hóa đã đẩy giá lên cao hơn. Nhưng thủ phạm thực sự là phía cầu. Summers đã đưa ra nhiều dữ liệu khá thuyết phục cho thấy lạm phát cao ở Mỹ hiện nay vẫn là do tổng cầu quá nóng, chủ yếu đến từ các chương trình mở rộng tài khóa, tiền tệ quá mức của chính phủ trong thập niên qua. Vì vậy, không có gì lạ khi ông đề nghị tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát. Có khả năng các dữ liệu cho Stiglitz cái nhìn ngược lại, rằng những hạn chế nguồn cung đang là động lực của lạm phát nên ông mới nói nâng lãi suất không giúp tăng thêm lương thực.
Đối với tôi, trường phái hay nói chính xác hơn là lập luận được ủng hộ bởi dữ liệu của Summers có vẻ thuyết phục hơn.
PV: Giả thử Việt Nam sẽ phải đối diện bài toán lạm phát, các bài học trong quá khứ kể cả trong nước lẫn ở các nước khác có thể giúp gì trong việc chọn con đường chống lạm phát?
– Điều thú vị là, để ủng hộ cho lập luận nâng lãi suất, Summers có đề cập đến Việt Nam, bằng dẫn chứng chính sách tài khóa siêu mở rộng trong thời gian bốn năm đã làm lạm phát tăng từ 1% lên 6% (ông không nói rõ thời gian nào, nhưng có lẽ vào thời điểm năm 2008?). Tôi hoàn toàn ủng hộ ông về luận điểm này. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thậm chí ngay cả khi vì sự cần thiết phải triển khai các gói kích thích kinh tế hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, chúng ta vẫn phải luôn tăng cường kỷ luật tài khóa và tiền tệ để ổn định lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Có thể sắp tới đây chúng ta sẽ chứng kiến các biến động kinh tế vĩ mô lớn hơn đối với cả tăng trưởng và lạm phát. Để giảm thiểu biến động tăng trưởng, chúng ta cần tập sống chung với lạm phát thường xuyên do cú sốc nguồn cung. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử. Không có bài học kinh nghiệm lịch sử nào đúng với bối cảnh mới hiện tại, dù gì, tuyệt đối không bao giờ chúng ta để cho kỳ vọng lạm phát bị mất neo.
PV: Với Việt Nam, rủi ro lạm phát không đến từ giá cả nội địa tăng do thiếu hàng hóa, cũng không phải từ các gói giải cứu phát tiền cho dân, mà chủ yếu đến từ rủi ro nhập khẩu lạm phát. Thế Việt Nam nên làm gì? Giải quyết vấn nạn nhập khẩu lạm phát bằng cách nào?
– Nếu lạm phát thật sự do yếu tố nhập khẩu, chúng ta cũng không nên quá lạm dụng các biện pháp hành chính, giảm thuế, kiểm soát giá hay điều chỉnh tỷ giá, vì chúng làm thị trường bị méo mó quá mức, có khi lợi bất cập hại. Cú sốc nguồn cung toàn cầu cũng là cơ hội để các doanh nghiệp và người dân điều chỉnh chiến lược kinh doanh và hành vi tiêu dùng của mình hơn là dùng đến các biện pháp can thiệp hành chính.
Ngoài ra, những luận điểm của Summers giúp chúng ta có cái nhìn đúng đắn hơn về nhập khẩu lạm phát. Cần phải có những dữ liệu đáng tin cậy hơn để khẳng định rủi ro lạm phát hiện nay không, hay ít đến từ giá cả nội địa tăng do thiếu hàng hóa, hay là do yếu tố tiền tệ. Ngược lại nhiều năm về trước, nhiều người cũng từng nói về rủi ro nhập khẩu lạm phát. Nhưng cuối cùng, thủ phạm chính vẫn là kích thích tổng cầu quá mức đấy thôi./.
Theo TBKTSG