Thời gian qua, nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, Chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ về đất đai, tín dụng, khoa học công nghệ và nhiều chính sách ưu đãi khác đối với các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau đã ban hành Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 13/7/2022 về quy định mức chi hỗ trợ đào tạo đối với thành viên, người lao động kinh tế tập thể và hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn đến năm 2025 và đạt nhiều kết quả tích cực.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhận định, sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có nên còn nhiều khó khăn, hạn chế, chưa thật sự khởi sắc. Tính đến năm 2024, Cà Mau có 1.237 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác trên các lĩnh vực; trong đó, có 936 tổ hợp tác, 299 hợp tác xã và 2 liên hiệp hợp tác xã. Tuy nhiên, số lượng hợp tác xã không hoạt động chiếm hơn 20%.
Tuy nhiên, cũng chỉ vài hợp tác xã bắt đầu hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, còn lại đa số chưa như kỳ vọng. Bản thân các hợp tác xã chưa tận dụng chính sách ưu đãi do vẫn còn yếu kém cả về cơ sở vật chất và năng lực quản lý. Hoạt động của hợp tác xã thiếu gắn bó với nhau, với cộng đồng doanh nghiệp; chưa có sự liên kết hệ thống chặt chẽ cả về kinh tế-xã hội và tổ chức.
Nhận diện hạn chế, điểm nghẽn của khu vực kinh tế này, Tiến sĩ Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn chỉ ra, tuy số lượng hợp tác xã của Cà Mau đứng thứ 3 trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhưng lại xếp cuối cùng về số thành viên trung bình của mỗi hợp tác xã. Hiện mới chỉ có khoảng 37% hợp tác xã có trụ sở làm việc, thấp nhất trong khu vực. Hầu hết hợp tác xã được khảo sát đều chưa có tiêu chí rõ ràng để tự đánh giá, xếp loại…
Phần lớn các hợp tác xã trên địa bàn hoạt động ở xã và ấp. Từ đó, chỉ có khoảng 24% hợp tác xã có xuất được hóa đơn VAT khấu trừ (VAT cho doanh nghiệp) và 16,2% thuế VAT trực tiếp. Còn lại, hơn 59,7% hợp tác xã chưa bao giờ xuất hóa đơn VAT - ông Trần Minh Hải dẫn chứng.
Trong bối cảnh thời cơ, thách thức đan xen như hiện nay đòi hỏi khu vực này phải thay đổi cách thức hoạt động để phù hợp với yêu cầu và tận dụng được những cơ hội phát triển trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Muốn vậy, ngoài tính năng động sáng tạo, khu vực kinh tế tập thể còn phải kịp thời nắm bắt thông tin, tiếp cận khoa học, công nghệ tiên tiến để áp dụng vào sản xuất, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh, kinh tế tập thể phải được xác định là thành phần kinh tế quan trọng. Đây không chỉ là yêu cầu mà còn là xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cũng như trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay… Nhận thức và tư duy này cần phải thấm nhuần trong toàn hệ thống chính trị, từ đó mới tạo được sự lan tỏa trong nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo, các cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu cấp ủy chính quyền và cơ quan đơn vị chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy và UBND tỉnh trong triển khai. Từ đó, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét trong đảng viên và quần chúng nhân dân về bản chất, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
“Đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể phải là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là cơ sở; phải xem đây là nhiệm vụ quan trọng và triển khai thường xuyên. Đồng thời, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội phải phối hợp chặt chẽ trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, để khu vực kinh tế này không chỉ lớn mạnh về số lượng mà quan trọng nhất là chất lượng”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải nêu.
Đồng thời, Bí thư tỉnh ủy lưu ý UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các huyện thành phố dựa vào đặc thù, thế mạnh của mình chọn mỗi huyện, thành phố từ 2 - 3 mô hình hợp tác có hiệu quả, nhiều dịch vụ và phải hình thành được chuỗi sản xuất, để hỗ trợ cho các thành viên hợp tác xã. Trong xây dựng mô hình phải bám chặt các quy định và giữ nguyên bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể theo định hướng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa…
Đề án phát triển kinh tế tập thể tỉnh Cà Mau giai đoạn 2024 - 2030 do Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở ban, ngành tỉnh, địa phương thu thập thông tin của 167 hợp tác xã còn hoạt động trên địa bàn. Từ đó xây dựng nội dung dựa trên hiện trạng thực tế của địa phương, thẩm định của nhóm chuyên gia và ý kiến góp ý của các cơ quan chức năng…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhận định, Đề án đã đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện về thực trạng, tiềm năng thế mạnh của tỉnh trong việc phát triển kinh tế tập thể. Để triển khai thành công Đề án, UBND tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu phát triển kinh tế tập thể nói chung, kinh tế tập thể và hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng gắn với thị trường, với thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP… hiệu quả và bền vững; thu hút nhiều nông dân, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp cá nhân và các tổ chức cùng tham gia.
Nguồn TTXVN