368 tỷ USD trong giai đoạn 2022 - 2040 là số vốn cần để xây dựng các giải pháp chống chịu, thích ứng biến đổi khí hậu và cắt giảm khí thải carbon hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB).
Còn theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, khoảng 144 tỷ USD cần huy động thêm trong giai đoạn 2021 – 2050, tương ứng với 2% GDP để đạt được mục tiêu net-zero vào năm 2050. Dù thấp hơn nhiều ước tính của WB nhưng con số này vẫn là thách thức lớn, khó đáp ứng đủ thông qua nguồn lực đầu tư công, đòi hỏi cần có những giải pháp huy động vốn tư nhân và nước ngoài vào các lĩnh vực phát triển bền vững.
Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, tài chính xanh ở Việt Nam vẫn vướng phải rất nhiều thách thức, trong đó đặc biệt phải kể đến việc chưa có khung pháp lý cũng như chính sách mang tính tổng thể, nhất quán, bao gồm quy định về phân loại xanh hay danh mục dự án được cấp tín dụng xanh.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa ban hành cơ chế ưu đãi cho các hoạt động cấp tài chính xanh, có thể kể đến như ưu đãi thuế, phí, hạn mức tín dụng, ưu đãi hưởng lãi suất thấp hơn khi vay vốn thực hiện các dự án phát triển bền vững.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bá Sơn, Phó giám đốc Ban kinh doanh vốn và tiền tệ, Ngân hàng BIDV, cho biết, một trong những thách thức nổi cộm nhất hiện nay là quy định về phân loại xanh chưa được ban hành.
Phân loại xanh là chính sách mang tính nền tảng rất quan trọng nhằm xác định ngành nào, doanh nghiệp nào, dự án nào thực sự mang tính bền vững, tạo ra tác động tích cực tới môi trường và xã hội. Nói cách khác, công cụ này đóng vai trò định hướng cho dòng vốn phát triển bền vững cũng như là cơ sở để ban hành những cơ chế ưu đãi, thí điểm cho các dự án xanh.
Còn theo ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, một chính sách đóng vai trò quan trọng không kém là cơ chế khuyến khích cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh và nhà đầu tư sản phẩm tài chính xanh. Cơ chế này cần đủ hấp dẫn để huy động hiệu quả các nguồn lực cùng chung tay thúc đẩy phát triển bền vững.
Doanh nghiệp cũng cần phải chủ động
Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và đầu tư, cơ quan này đang gấp rút soạn thảo các khuôn khổ chính sách, hành lang pháp lý liên quan đến tăng trưởng xanh, bao gồm phân loại xanh, hệ thống các ngành nghề kinh tế xanh và một số cơ chế thí điểm, cơ chế ưu đãi.
Tuy nhiên, chính sách chỉ có thể tạo ra môi trường thông thoáng và cởi mở, còn việc huy động vốn vay phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững không thể thiếu sự nỗ lực từ phía cộng đồng doanh nghiệp.
Điều này cũng được ông Lực liệt kê là một trong những điểm yếu khiến thị trường tài chính xanh của Việt Nam chưa phát triển. Theo đó, doanh nghiệp, bao gồm nhiều công ty niêm yết chưa có sự chủ động tích hợp ESG vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và vẫn hạn chế trong công bố báo cáo phát triển bền vững.
Từ góc độ một ngân hàng có cung cấp các giải pháp tín dụng xanh, ông Sơn lưu ý, doanh nghiệp cần phải xây dựng chiến lược chuyển đổi xanh một cách tổng thể, bao gồm kế hoạch phát hành trái phiếu xanh, có thể tìm kiếm sự hỗ trợ, tư vấn từ các tổ chức uy tín trong và ngoài nước.
Trên cơ sở đó, doanh nghiệp có thể lựa chọn sản phẩm tài chính phù hợp với từng giai đoạn, lộ trình thực hiện.
Còn theo bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), điều tiên quyết doanh nghiệp cần làm là nâng cao nhận thức về ESG, đặc biệt là yếu tố quản trị, tuân thủ các chuẩn mực kế toán, cân nhắc những tác động môi trường, xã hội ngay từ khi chuẩn bị dự án và tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật.
Đối với các tổ chức tín dụng, ông Lực đề xuất xây dựng quy trình thẩm định dành riêng cho tín dụng xanh, cung cấp sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp với từng lĩnh vực khác nhau, đồng thời đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng về phát triển bền vững cho đội ngũ cán bộ.
Theo The Leader