Ngày 20/4, tại Hà Nội, Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn "Phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam".
Diễn đàn được tổ chức nhằm kiến nghị các giải pháp liên quan tới chính sách phát triển năng lượng bền vững và hướng đi cho ngành năng lượng tái tạo trong thời điểm Việt Nam có cơ hội tiếp cận nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dồi dào.
Năng lượng tái tạo là trụ cột
Tại Diễn đàn, PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, Cách mạng Công nghiệp 4.0 và sự bùng nổ về công nghệ thông tin đã tạo ra những cơ hội mới về sản xuất phi tập trung, số hóa chuỗi giá trị, cá nhân hóa sản phẩm, làm tăng năng suất, mở rộng thị trường, tạo ra cơ hội cho đẩy mạnh sản xuất xanh và thị trường xanh.
Sự sắp xếp lại cuộc chơi và cạnh tranh trên thế giới, nhiều quốc gia được đặt cùng một vạch xuất phát điểm tạo ra cơ hội cho Việt Nam đi nhanh hơn. Bên cạnh đó, cơ hội về đột phá trong phát triển nhờ vào cơ cấu dân số vàng và dân số trẻ, có khả năng thích nghi tốt với công nghệ hiện đại, có thể đóng góp tốt cho tăng trưởng xanh.
Ngoài ra, nhiều FTA (hiệp định thương mại tự do) thế hệ mới cũng mang lợi cơ hội tăng đầu tư cho tăng trưởng xanh. Việc gia tăng tầng lớp trung lưu cũng giúp thúc đẩy tiêu dùng xanh, tiêu dùng có trách nhiệm, dần hình thành lối sống xanh.
TS. Nguyễn Ngọc Hưng - Phó trưởng Phòng Kinh tế Năng lượng, Viện Năng lượng Việt Nam (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, năng lượng tái tạo và khí tự nhiên sẽ là các trụ cột cho việc chuyển dịch năng lượng nhằm giảm phát thải và tăng cường an ninh năng lượng trong dài hạn thông qua giảm tỷ trọng năng lượng nhập khẩu và đa dạng hóa cung cấp năng lượng.
Dưới góc độ của một tổ chức hoạt động vì cộng đồng, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho rằng, năng lượng tái tạo tạo động lực phát triển mới, giúp thu hút đầu tư FDI và thu hẹp khoảng cách phát triển cho các địa phương có tiềm năng ở vùng sâu xa. Qua đó, tăng cơ hội tiếp cận điện và cải thiện điều kiện sống cho nhóm hộ chưa có điện ở các vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh.
Bà Khanh lấy ví dụ của tỉnh Ninh Thuận, nơi có đặc điểm khí hậu vô cùng khắc nghiệt, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên nơi đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư khi sở hữu tiềm năng về năng lượng tái tạo lớn nhất cả nước.
"Mới đây nhất, Trungnam Group đã tổ chức lễ khánh thành Nhà máy Điện gió Trung Nam, đây được xem nhà máy điện gió lớn nhất Việt Nam kết hợp với nhà máy điện mặt trời 204 MW lớn nhất và duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á", bà Khanh dẫn chứng.
Không chỉ tại Việt Nam, nhiều quốc gia cũng đang tập trung phát triển năng lượng tái tạo. Đơn cử tại Trung Quốc, Cục Quản lý Năng lượng Quốc gia Trung quốc (NEA) mới cho biết, nước này sẽ tìm cách nâng sản lượng điện từ các nhà máy năng lượng mặt trời và gió từ mức 9,7% năm 2020 lên khoảng 11% tổng lượng điện tiêu thụ của cả nước vào năm 2021. Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố nước này sẽ gia tăng tỷ trọng của nhiên liệu phi hóa thạch trong tiêu thụ năng lượng sơ cấp lên khoảng 25% vào năm 2030.
Dám "chơi" những cuộc chơi lớn
Bà Ngụy Thị Khanh cho rằng, thách thức đối với chuyển dịch năng lượng bền vững vẫn còn nhiều, như: Lưới điện truyền tải chưa được phát triển đồng bộ với tốc độ phát triển nguồn năng lượng tái tạo; chưa có đủ nguồn dự phòng và hệ thống tích trữ năng lượng để tích hợp năng lượng tái tạo ở quy mô lớn. Đặc biệt khó tiếp cận với các nguồn vốn rẻ và dài hạn do chính sách chưa đồng bộ, ổn định và dài hạn.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia đã chỉ ra 4 rào cản lớn đối với ngành năng lượng tái tạo Việt Nam. TS. Lê Thị Thoa, Chuyên viên cấp cao Dự án bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững (BEM) phản ánh, việc thiếu thông tin đầy đủ về các công nghệ hiện đại và thiếu sự hợp tác để chuyển giao công nghệ này là rào cản để phát triển thị trường năng lượng tái tạo. Năng lực của cấp địa phương trong quy trình lên kế hoạch và cấp phép các dự án năng lượng tái tạo còn nhiều hạn chế.
“Bên cạnh đó, nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo còn thiếu thông tin và tiếp cận với chuyên gia để đánh giá tính khả thi và tiềm năng của dự án năng lượng sinh học. Năng lực của cơ quan tài chính trong việc đánh giá dự án năng lượng sinh học; không tiếp cận được cơ chế tài chính phù hợp”, TS. Lê Thị Thoa chỉ rõ.
PGS.TS Bùi Quang Tuấn cho rằng, muốn nắm bắt kịp thời những tín hiệu rất nhanh, rất rõ ràng của thị trường năng lượng tái tạo, Việt Nam phải dám chơi những cuộc chơi lớn.
"Trước đây có thể đánh du kích nhưng bây giờ không thể nữa. Phải dám chơi tử tế, dám đi xa. Tư duy vươn ra biển, hội nhập sâu rộng, tư duy chơi lớn. Nếu doanh nghiệp chúng ta nhỏ mà biết liên kết tốt thì sẽ tạo ra mạng lưới để cùng nhau đi xa", ông Tuấn cho hay.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, cần giám sát nghiêm ngặt đối với mọi cơ sở khai thác và sản xuất năng lượng có phát thải ô nhiễm môi trường và có các chế tài đối với các cơ sở năng lượng vi phạm quy định, phát thải ô nhiễm ra môi trường vượt mức cho phép.
Đồng thời nghiên cứu áp dụng các công cụ tài chính (thuế, phí, chứng chỉ…) nhằm điều chỉnh hành vi sản xuất và tiêu thụ năng lượng, tạo nguồn thu cho hoạt động đầu tư vào các giải pháp năng lượng sạch.
Bà Khanh Ngụy Thị Khanh khuyến nghị, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và thực thi một cách đồng bộ và nhất quán chính sách ưu tiên sử dụng hiệu quả năng lượng gắn với phát triển ngành năng lượng tái tạo, hạn chế việc đầu tư thêm các nhà máy sản xuất điện nhiên liệu hóa thạch.
Các chính sách phát triển năng lượng tái tạo cần quan tâm cả quy mô tập trung, phân tán và tích hợp để vừa tránh xung đột về đất đai, vừa đảm bảo sinh kế và cơ hội hợp tác mới của người dân và các nhóm cộng đồng bị ảnh hưởng trong chuyển dịch năng lượng; khai thông thị trường vốn ưu đãi từ quốc tế cho năng lượng sạch…
Theo Thế giới và Việt Nam