Ông Lê Công Hoàng, Phó Tổng xưởng trưởng Công ty TNHH Astro Engineering Việt Nam, doanh nghiệp đóng tại Khu công nghiệp Kim Huy, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Bình Dương. Nổi bật nhất là thủ tục hành chính đã giảm bớt công văn giấy tờ, tiết kiệm thời gian doanh nghiệp.
Chính sách kêu gọi đầu tư, liên tục đổi mới; hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn, vướng mắc; đầu tư cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, điện, nước…
Theo ông Lê Công Hoàng môi trường đầu tư tốt thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là Bình Dương.
"Gần đây, nhiều doanh nghiệp cũ mời gọi anh em, bạn bè đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều. Tôi thấy, riêng Astro, gần đây nhiều có đối tác, nhiều công ty từ các nước đến tìm hiểu, đầu tư, hợp tác mở rộng sản xuất. Chứng tỏ địa phương có chính sách tốt thì người cũ mới mời người mới đến, để từ đó có thêm nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoạt động" - ông Cường chia sẻ.
Sở dĩ, Công ty TNHH Điện tử Foster doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật Bản lựa chọn đầu tư, xây dựng nhà máy tại Việt Nam, bởi đây là quốc gia có nền kinh tế năng động và lực lượng lao động trẻ, sáng tạo. Xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp VSIP IIA ở Bình Dương, doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ từ các cấp, ngành, góp phần giúp hoạt động vận hành, sản xuất của công ty diễn ra ổn định.
Ngoài tổ chức đối thoại để lắng nghe doanh nghiệp, các ban ngành của Bình Dương cũng lập các nhóm Zalo để chia sẻ thông tin về chính sách, kết nối doanh nghiệp và đảm bảo an ninh trật tự, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kịp thời phản ánh ý kiến.
Ông Trần Hưng Đạo, Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Foster cho biết, bên cạnh những mặt tích cực thì việc theo dõi, giám sát sau khi họp lấy ý kiến doanh nghiệp còn chưa triệt để, dẫn đến một số khó khăn chưa được giải quyết dứt điểm.
Để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nhằm nâng cao mức đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam, ông Trần Hưng Đạo kiến nghị: "Thủ tục đầu tư nhà xưởng gặp nhiều khó khăn nhất là do quy định phòng cháy chữa cháy quá chặt chẽ, khiến doanh nghiệp e dè. Chi phí xây dựng hệ thống phòng cháy chữa cháy thậm chí cao hơn cả chi phí xây dựng nhà xưởng. Việc cải tạo nhà xưởng cũ cũng gặp nhiều khó khăn do yêu cầu về phòng cháy chữa cháy phải đáp ứng đúng quy chuẩn. Ngoài ra, thủ tục cấp phép và gia hạn cho lao động nước ngoài còn rất chậm, khiến doanh nghiệp gặp nhiều phiền hà khi cần tuyển dụng nhân lực".
Là doanh nghiệp FDI chọn Khu Công nghệ cao TP.HCM là điểm đóng chân, ông Đặng Văn Chung-Giám đốc Công ty TNHH Datalogic Việt Nam đánh giá cao sự chủ động của chính quyền TP.HCM và Ban Quản lý Khu chế xuất-khu công nghiệp TP.HCM trong giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đặc biệt là những vấn đề thuộc thẩm quyền của thành phố.
Theo ông Đặng Văn Chung thời gian qua, một số chính sách của Việt Nam tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Gần đây là chính sách giảm thuế VAT 2% giúp doanh nghiệp giảm một số chi phí khi mua sắm và sử dụng dịch vụ tại Việt Nam.
4 tháng qua, tình hình sản xuất và xuất khẩu của Công ty TNHH Datalogic Việt Nam tăng trưởng tốt hơn so với cùng kỳ năm trước. Ngoài thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ và Châu Âu, doanh nghiệp cũng mở rộng thêm thị trường khác. Nhờ vậy, mới đây doanh nghiệp tuyển dụng thêm hơn 100 lao động và tăng ca.
Tuy nhiên, để doanh nghiệp FDI có thể phát triển mạnh mẽ hơn, ông Đặng Văn Chung kiến nghị, chính quyền cần đẩy mạnh cải cách, chủ động kiến nghị cấp trên khi gặp vướng mắc để giải quyết nhanh chóng cho doanh nghiệp.
Theo ông Chung: "Ví dụ như nơi trực tiếp nhận hồ sơ giải quyết vấn đề của mình nếu họ thấy vướng mắc không tháo gỡ được ngay do cơ chế thì nên chủ động kiến nghị lên cấp trên để có cách tháo gỡ, giúp đỡ doanh nghiệp. Để từ đó khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được giải quyết, tháo gỡ nhanh, vì nếu dừng lại chờ thì sẽ mất cơ hội sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp".
Thời gian qua, các địa phương như TP.HCM và Bình Dương đã rất nỗ lực trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp, nhưng những chính sách, quy định chung cần được tháo gỡ nhanh hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương thu hút, giữ chân các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.