Trong cuộc trò chuyện với KTSG Online, bác sĩ nhi khoa N.V.Hùng kể ông đặt câu hỏi với ChatGPT về “Dấu hiệu của trẻ chậm nói”, và nhanh chóng nhận được câu trả lời: “Số lượng từ vựng ít hơn so với trẻ cùng độ tuổi; khó khăn trong việc giao tiếp với người khác; không biết sử dụng câu hỏi và trả lời; khó khăn trong việc truyền tải ý nghĩ của mình…”.
Khá hài lòng và cảm thấy thú vị, ông tiếp tục hỏi: “Nguyên nhân khiến trẻ chậm nói”, và ChatGPT trả lời: “Một số trẻ có thể bị chậm nói do yếu tố tự nhiên, như khả năng ngôn ngữ hoặc tầm quan trọng của não bộ; môi trường sống của trẻ bao gồm sự quan tâm và hỗ trợ từ người thân, cũng có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ; trẻ có thể bị chậm nói vì sự cố tự kỷ như áp lực hoặc sự lo lắng…”.
Với câu hỏi thứ 3: “Cách dạy trẻ chậm nói tại nhà”, ChatGPT trả lời: “Tạo môi trường giao tiếp; sử dụng hình ảnh và trò chơi để giúp trẻ tư duy và giao tiếp với người khác; hỗ trợ trẻ tự mô tả; sử dụng bài học hình ảnh, trò chơi, các hoạt động trực quan; hỗ trẻ tập trung vào những gì họ đang làm bằng cách tạo ra môi trường yên tĩnh và tránh xung đột…”.
Qua trải nghiệm cá nhân, bác sĩ Hùng cho rằng hai câu trả lời sau khá chung chung, ở góc nhìn của người làm chuyên môn, ông cho rằng câu trả lời của ChatGPT chỉ nên được sử dụng như một kênh tham khảo thông tin và hoàn toàn chưa có sự kiểm chứng về tính chính xác.
Trao đổi với KTSG Online, ông Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thuộc Tập đoàn CMC, cho biết cách thức vận hành của ChatGPT là trả lời câu hỏi dựa trên công nghệ học máy (Machine Learning). Nghĩa là phần mềm học trên dữ liệu được huấn luyện và đoán từ tiếp theo trong câu theo xác suất và trọng số của liên kết với các từ khác trong ngữ cảnh câu hỏi. Chính vì thế, ChatGPT không phải một cơ sở dữ liệu tri thức và cũng không phải một hệ thống có thể hiểu về ngữ nghĩa. Hiểu một cách đơn giản, phần mềm này là cỗ máy ghép từ tự động trên nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
“ChatGPT có thể đưa ra những câu trả lời rất giống người thật trả lời. Do được huấn luyện trên một tập dữ liệu rất lớn, nên phần mềm có thể đưa ra câu trả lời khá chính xác trong rất nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, nó không có khả năng sáng tạo ra tri thức mới. Có thể coi ChatGPT như một cỗ máy tìm kiếm (search engine)”, ông Tuấn nói.
Đề cập đến cỗ máy tìm kiếm lớn nhất thế giới Google Search, ông Tuấn cho biết khi sử dụng Google, kết quả trả về là các đường link có nguồn cụ thể nhưng người sử dụng phải tự đọc và tổng hợp kết quả đó. Còn ChatGPT cho ra kết quả tổng hợp ngắn gọn hơn, nhưng thiếu bằng chứng và nguồn gốc của kết quả đó nên điểm hạn chế của cỗ máy này là không đáng tin cậy.
Ở góc nhìn của một chuyên gia công nghệ, ông Tuấn tin rằng ChatGPT chưa thể thay thế được con người trong tương lai gần. Đây có thể là công cụ tham khảo hữu dụng, nhanh chóng đưa ra đáp án trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, để sử dụng những câu trả lời này cần phải có sự kiểm chứng.”“Sự xuất hiện của ChatGPT cũng giống như công cụ tìm kiếm Google cách đây gần 30 năm. Lúc đó, người ta cũng lo lắng rằng mọi tri thức đều có trên mạng, nên khi có Google thì nghề viết báo hay dạy học sẽ dần biến mất. Nhưng thực tế cho thấy, Google vẫn chỉ là công cụ tìm kiếm thông tin và không thể xóa bỏ một số ngành nghề”, ông Tuấn bộc bạch.
Theo ông, ChatGPT nên được nhìn nhận là công cụ tổng hợp, trợ giúp con người, giúp nâng cao năng suất lcho người lao động.
Cùng chung quan điểm nêu trên, ông Trần Việt Hùng, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Got It AI (một startup Việt ở Thung lũng Silicon của Mỹ), chia sẻ nếu được ứng dụng đúng cách, ChatGPT sẽ góp phần giúp tăng năng suất lao động. Công cụ này đặc biệt hiệu quả khi áp dụng với những công việc liên quan đến viết lách hoặc các thông tin hỏi đáp về kiến thức chung. Trí tuệ nhân tạo (AI) không đào thải con người mà những người biết tận dụng công nghệ này một cách hữu ích thì sẽ giúp nâng cao khả năng trong công việc.
Thay vì thử thách ChatGPT theo kiểu đánh đố, chúng ta nên thay đổi góc nhìn để xem AI có thể làm được gì và biến nó thành công cụ. Có thêm công cụ hữi ích sẽ giúp cho cho công việc của chúng ta nhàn hơn, nhanh hơn, tiết kiệm thời gian hơn, ông Trần Việt Hùng nêu quan điểm.
Đề cập đến việc ChatGPT có thể được sử dụng vào mục đích xấu là tạo tin giả (fake news), ông Hùng nhấn mạnh tính quan trọng của việc kiểm chứng thông tin nời người sử dụng.
Chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu cũng cho rằng, những kẻ tấn công mạng có thể lợi dụng ChatGPT để viết các nội dung email lừa đảo, tin giả, gợi ý tạo ra các mã độc cho các mục đích xấu. Đây cũng là vấn đề mà các nhà nghiên cứu về bảo mật đang lo ngại. Ở góc nhìn tích cực, ông Hiếu tin tưởng lập trình viên chuyên nghiệp sẽ không thể bị thay thế bởi ChatGPT. Và ngược lại, ChatGPT có thể được sử dụng để giúp các lập trình viên thông qua gợi ý những đoạn mã bị lỗi, cách thức giải quyết, bổ sung thêm các tính năng để cải thiện sản phẩm.
TBKTSG