Mới tuần qua, lại một trang mạng nước ngoài đăng bài viết “bình loạn” chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam làm tăng rủi ro cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, rồi việc miễn nhiệm 3 nhà lãnh đạo cấp cao sẽ gây ra sự bất an đối với quỹ đạo hoạch định chính sách, ít nhất trong ngắn hạn. Thêm nữa, trong những cuộc “trà dư tửu hậu”, cũng có những lời than thở kiểu “bao giờ mới hết đánh nhau để còn làm ăn” mặc dù người phát ngôn lại… chẳng phải doanh nhân.
Ở bất kỳ một quốc gia hay chính thể nào, việc lựa chọn những người tài đức để tham gia gánh vác việc công luôn được ưu tiên hàng đầu nếu như quốc gia hay chính thể đó không muốn đi tới con đường sụp đổ. Công cuộc chống tham nhũng để loại bỏ những “con sâu” cũng vì thế đã được Đảng ta xác định là chống giặc nội xâm. Việc xử lý các cán bộ tham nhũng, sai phạm không chỉ là làm trong sạch bộ máy, mà còn tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh, bền vững cho nền kinh tế.
Chúng ta có thể thấy ở những đại án như vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn AIC, sự câu kết giữa doanh nghiệp với người có chức vụ quyền hạn để cố ý làm trái, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trục lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Hay như vụ thâu tóm đất vàng ở Bình Dương, vụ buôn lậu xăng dầu đặc biệt lớn ở các tỉnh miền Nam được đưa ra xét xử trong năm 2022 đều có sự tiếp tay của các cán bộ thoái hóa biến chất. Trong những trường hợp như trên, các doanh nghiệp làm ăn chân chính, có thực lực đã bị cạnh tranh bất bình đẳng. Bởi vậy, cán bộ có chức quyền suy thoái đạo đức không chỉ gây thiệt hại lớn định lượng được mà còn gây thiệt hại vô hình là làm cản trở sự sáng tạo phát triển - động lực đưa đất nước đi lên.
Ở một khía cạnh khác, tình trạng trì trệ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc nếu không phải vì mục đích nhũng nhiễu thì chỉ có thể là năng lực cán bộ yếu kém. Việc mượn lý do “phe phái đấu đá” nên phải chờ nghe ngóng là hết sức ngụy biện. Để không xảy ra tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nhiều lần thúc giục, yêu cầu “ai không làm được thì đứng sang một bên để người khác làm”. Chủ trương về công tác cán bộ “có lên có xuống, có vào có ra” chính là để sàng lọc, lựa chọn đúng những người có năng lực, uy tín để phục vụ nhân dân.
Vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp bố trí những cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, ngang tầm nhiệm vụ là hết sức quan trọng, là “then chốt của then chốt”, có liên quan mật thiết đến sự phát triển kinh tế - xã hội, rộng ra là phát triển quê hương, đất nước. Trải qua 37 năm tiến hành công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng với mục tiêu kiên định đi lên chủ nghĩa xã hội, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, kinh tế phát triển, quốc phòng - an ninh được giữ vững, nhiều chỉ số phát triển con người đạt và vượt mục tiêu, vị thế quốc gia ngày càng nâng cao trên trường quốc tế. Trong quá trình đó không thể không kể đến sự đổi mới về công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn.
Năm 2022 vừa qua, kinh tế thế giới phải đối mặt với những thách thức lớn, biến động nhanh, khó lường và tính bất ổn cao; lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ buộc các quốc gia phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Các tổ chức quốc tế lớn đều dự báo tăng trưởng kinh tế ở mức thấp hơn so với năm 2021. Nhưng vượt qua khó khăn, chúng ta vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 ước tính tăng 8,02% so với năm 2021, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022 do nền kinh tế khôi phục trở lại...
Như vậy có thể thấy những “lo ngại” về công tác cán bộ của Đảng ta làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, đến kinh tế - xã hội là không có cơ sở và chắc chắn không như suy diễn “phe phái đánh nhau” bởi “đánh nhau” thì làm gì có ổn định và phát triển. Mà ngược lại, những kết quả phát triển kinh tế - xã hội đã chứng minh sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, trong đó có công tác cán bộ là đúng đắn.
Báo Hải Dương