Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã nhấn mạnh đến việc gắn kết chặt chẽ hơn nhiệm vụ phát triển văn hóa với xây dựng con người. Đồng thời xác định mục tiêu: Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.
Yêu nước là giá trinh được minh chứng qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, trong bối cảnh hiện nay còn là sự giác ngộ một cách sâu sắc trách nhiệm công dân đối với quốc gia, dân tộc.
Giá trị thứ hai, trước tiên phải khỏe về thể chất. Đây là điều cần làm và có thể làm. Khỏe là phẩm chất cần có của người Việt Nam hiện đại, đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh tốc độ phát triển của đất nước và nâng cao chất lượng sống của toàn dân. Tuy nhiên, khỏe về thể chất phải đi đôi với lành mạnh về tinh thần. Trạng thái tinh thần lành mạnh là trạng thái tinh thần tích cực, biết chia sẻ tình cảm với cộng đồng, buồn vui đúng lúc, có bản lĩnh “thắng không kiêu, bại không nản”, luôn hướng tới những giá trị tốt đẹp, cân bằng trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, không phấn khích lạc quan tếu, cũng không buồn bã bi quan, tự kỷ.
Con người Việt Nam cần có khả năng thích ứng. Điều kiện về vật chất, tinh thần, điều kiện, môi trường học tập, lao động…và môi trường sống nói chung trong xã hội hiện đại có nhiều thay đổi, có nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức, không có khả năng thích ứng sẽ làm người ta thụ động, không những không góp gì cho tiến bộ xã hội mà còn có thể trở thành gánh nặng của xã hội. Phẩm chất thích ứng là yêu cầu cần có của con người trong xã hội hiện đại. Muốn có nó con người phải học tập, rèn luyện toàn diện: đức, trí, thể, mĩ và đặc biệt phải nuôi dưỡng tinh thần hòa nhập cộng đồng với bản lĩnh và bản chất người Việt Nam thể hiện trong hệ giá trị cốt lõi: Nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, trọng đạo lý; cần cù, sáng tạo. Chúng tôi không nhấn mạnh trình độ học vấn cao, chúng tôi đề cao sự thích ứng, “sự biết mình, biết người”, linh hoạt, biết nhận định thời thế để ứng xử theo hướng tích cực.
Giá trị thứ ba là có tinh thần và khả năng hợp tác trong học tập và lao động vì sự phát triển đất nước. Tinh thần và khả năng làm việc nhóm, khả năng hợp tác là khâu yếu cốt tử của người Việt Nam trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Giá trị này là giá trị đang hình thành, giá trị cần có của người Việt Nam hiện đại.
Giá trị thứ tư chính là thượng tôn pháp luật, tự trọng, trung thực. Không thượng tôn pháp luật sẽ ngập tràn tham nhũng, lãng phí, xã hội bất an, không thể phát triển bền vững. Mặt khác, có tinh thần thượng tôn pháp luật, người Việt Nam sẽ tự tin hơn khi mở cửa, hội nhập và đỡ thua thiệt khi tham gia vào thị trường quốc tế. Với cá nhân, tự trọng là phẩm chất tốt đẹp. Tự trọng còn là nền tảng để cá nhân hòa hợp với cộng đồng trên cơ sở tôn trọng người khác, tôn trọng cộng đồng.
Hệ giá trị chuẩn mực phổ quát cần có của người Việt Nam hiện đại phải là hành trang tốt nhất, đảm bảo nhất trong con đường hội nhập và phát triển của Việt Nam./.
VC