Thời gian qua, Sở Văn hóa – TT&DL đã tích cực phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, các cơ sở dịch vụ; thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh, như: Tập đoàn FLC, Tập đoàn VinGroup, Tập đoàn An Nam, Công ty Hoa Sao… Qua đó, giúp du lịch (DL) có bước chuyển mình mang tính đột phá, góp phần quan trọng vào phát triển KT – XH của tỉnh.
Thông qua DL đã giải quyết việc làm cho gần 5.000 lao động trực tiếp; hệ thống cơ sở hạ tầng DL được đầu tư, nâng cấp với 717 cơ sở lưu trú; lượng khách DL đến tỉnh tăng nhiều so với trước, tăng bình quân trên 15%/năm; tăng trưởng DL bình quân đạt 16%/năm, riêng trong năm 2019 đón trên 1,4 triệu lượt khách; doanh thu từ DL trên 2.000 tỷ đồng.
Mặc dù năm nay do ảnh hưởng dịch Covid-19, khiến DL rơi vào tình trạng đóng băng, nhưng với việc tổ chức các hoạt động kích cầu DL đã giúp cho lượng khách đến với tỉnh duy trì ở mức cao; dự kiến trong năm nay sẽ đón khoảng 1,6 triệu lượt khách, phấn đấu doanh thu DL đạt gần 2.400 tỷ đồng.Với vị trí thuận lợi là điểm cực Bắc của Tổ quốc, nơi giao thoa giữa hai vùng văn hóa Đông Bắc và Tây Bắc; đồng thời là điểm trung chuyển giữa cung đường DL Đông Tây Bắc và tiếp giáp với thị trường DL tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Hà Giang từ lâu đã thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước bởi cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, lịch sử văn hóa lâu đời, nơi hội tụ của 19 dân tộc anh em với nhiều bản sắc văn hóa độc đáo; hệ thống di tích lịch sử, di sản văn hóa, danh thắng đã được xếp hạng các cấp, tiêu biểu là danh thắng Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì và Công viên ĐCTC - CNĐ Đồng Văn.
Đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa – TT&DL cho biết: Kết quả đạt được khẳng định sự đúng đắn trong công tác lãnh, chỉ đạo của tỉnh trên cơ sở định hướng phát triển DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, việc phát triển ngành “công nghiệp không khói” vẫn còn nhiều khó khăn. Công tác đầu tư cơ sở hạ tầng DL chưa đồng bộ; việc bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa trong hoạt động DL chưa hiệu quả, chủ yếu dựa vào tự nhiên; kết quả ngành DL đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh; chất lượng hệ thống sản phẩm DL, dịch vụ nghèo nàn; vấn đề hợp tác liên kết vùng, nguồn nhân lực còn hạn chế…
Trình diễn dệt vải lanh tại Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông huyện Mèo Vạc. Ảnh: Báo Hà Giang
Để giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa phát triển nhanh và bền vững ngành DL, tỉnh đang tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng; đẩy mạnh xúc tiến triển khai hệ thống giao thông kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai nhằm rút ngắn thời gian di chuyển từ các trung tâm DL đến với tỉnh. Quan tâm đầu tư các tuyến giao thông, điện, nước đến các khu, điểm DL tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của du khách.
Triển khai các quy hoạch về phát triển vùng, đặc biệt là không phát sinh các dự án có ảnh hưởng xấu đến di sản, môi trường, cảnh quan sinh thái. Hỗ trợ công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, như: Trùng tu, nâng cấp các di tích đã được xếp hạng; bảo tồn kiến trúc truyền thống tại các làng văn hóa DL cộng đồng; bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của cộng đồng 19 dân tộc … góp phần xây dựng thương hiệu và sản phẩm DL đặc trưng có tính cạnh tranh cao. Mặt khác, xây dựng quy chế, quy định quản lý DL theo hướng bền vững; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về DL; tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi; thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển các sản phẩm DL hấp dẫn, các khu vui chơi giải trí cao cấp; thành lập các doanh nghiệp lữ hành quốc tế để có nhiều sản phẩm cho du khách lựa chọn; phát triển một số doanh nghiệp đủ mạnh để kết nối với các doanh nghiệp DL lớn trong và ngoài nước đưa khách đến với tỉnh.
Xác định DL tạo sinh kế nâng cao đời sống người dân và để khẳng định ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh tiếp tục tập trung đào tạo nguồn nhân lực DL có tính chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển DL; xây dựng chiến lược phát triển các sản phẩm DL đặc trưng dựa trên các lợi thế về cảnh quan hùng vĩ, bản sắc văn hóa các dân tộc và các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đáp ứng nhu cầu thị trường, khắc phục tính mùa vụ của sản phẩm DL; tập trung thực hiện các giải pháp thu hút khách DL quay trở lại tỉnh nhiều hơn, thời gian lưu trú lâu hơn.
Phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp xúc tiến, quảng bá DL trong và ngoài nước; đặt mục tiêu gắn với thương hiệu DL của tỉnh đó là “điểm đến an toàn”; thực hiện công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng, chống dịch bệnh cho du khách…/.
Theo Báo Hà Giang