Từ mục tiêu trên, nghị quyết chỉ rõ nhiệm vụ cần thực hiện: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí cấu trúc lại không gian vườn hộ một cách hợp lý, khoa học, phù hợp với quy mô thực tiễn từng hộ, đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn “Xanh - sạch - đẹp”, giữa nhà ở - khu vực chăn nuôi - vườn hộ. Cơ cấu lại gống cây trồng, vật nuôi có chu kỳ sản xuất ngắn, đưa các cây, con giống tốt có năng suất cao vào sản xuất, như rau, củ, quả, nấm, dược liệu; phát triển chăn nuôi lợn, dê, gia cầm, thủy sản để tăng thêm thu nhập cho người dân, đặc biệt hộ nghèo, cận nghèo. Liên kết giữa các hộ liền kề trong cùng một thôn để hình thành vùng sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Thí điểm cải tạo, xếp đá đổ tầng đất mặt để tạo vườn đối với các hộ nghèo, cận nghèo của 4 huyện vùng cao phía Bắc khó khăn về đất sản xuất. Huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc, chung tay giúp đỡ người dân, đặc biệt hộ nghèo, cận nghèo cải tạo vườn tạp bằng những việc làm thiết thực: Giúp ngày công lao động, hỗ trợ vật tư, giống phân bón; hỗ trợ áp dụng khoa học công nghệ, xúc tiến kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng, đầy tính nhân văn trên, các giải pháp được đưa ra gồm: Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững từ cấp tỉnh đến xã. Quán triệt đến các chi bộ, nhân dân để thống nhất trong nhận thức và hành động tổ chức thực hiện. Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên tham gia giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo cải tạo vườn tạp. Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về phương thức lãnh, chỉ đạo, sáng tạo của cấp ủy, cách làm hay, mô hình cải tạo vườn tạp có hiệu quả của hộ gia đình để các địa phương, các hộ khác tham quan, học tập kinh nghiệm, lan tỏa và làm theo.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào sản xuất, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học của các đề tài, dự án nghiên cứu thành công về cây, con giống đến từng người dân tham gia cải tạo vườn tạp. Phát huy vai trò của các trung tâm khoa học trên địa bàn tỉnh để sản xuất giống tại chỗ, cung ứng giống tốt phù hợp với từng khu vực, địa phương. Xác định đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp là lực lượng nòng cốt tập huấn, chuyển giao, phụ trách đến từng hộ để hướng dẫn kỹ thuật theo hướng “Cầm tay chỉ việc; phương pháp hội thảo đầu bờ, tham quan thực tế trên vườn hộ”; vận động người dân áp dụng biện pháp thâm canh; sử dụng giống tốt, thuốc bảo vệ thực vật an toàn để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Hình thành các nhóm sở thích, tổ hợp tác liên kết sản xuất thông qua các hợp tác xã nông nghiệp, cung ứng sản phẩm ra thị trường trước mắt, chủ yếu là nội tiêu. Các cấp, ngành làm khâu trung gian kết nối tiêu thụ sản phẩm cho người dân./.
Theo Báo Hà Giang