Giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích tập trung ruộng đất, thu hút doanh nghiệp đầu tư, tăng cường liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân và các tổ chức nông dân đối với lĩnh vực ứng dụng CNC trong nông nghiệp.
Theo đánh giá của Ban quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC, đến tháng 1/2021, trên địa bàn tỉnh ta đã tích tụ, tập trung được 226,4 ha trong tổng diện tích 556,87 ha vùng quy hoạch; trong đó có 206,4 ha đất đã ký hợp đồng cho các doanh nghiệp thuê lại quyền sử dụng. Khu Xuân Khê - Nhân Bình (Lý Nhân), diện tích quy hoạch 254,4 ha. Chi nhánh Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco tại tỉnh Hà Nam thuê đất và đang triển khai sản xuất rau, củ, quả.
Tại Khu Nhân Khang, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nông nghiệp CNC Hà Nam đang triển khai sản xuất dưa vân lưới Nhật Bản; Công ty TNHH Bejo - Hà Lan trồng khảo nghiệm và trình diễn một số loại giống rau, củ, quả.
Doanh nghiệp VinEco có 06 ha nhà kính; trong đó có 3 nhà kính trồng dưa chuột, diện tích 1ha/nhà, sản xuất 03 vụ/năm, giá trị sản xuất đạt từ 1,5 - 2,5 tỷ đồng/ha/năm; 01nhà trồng cà chua, sản xuất 2 vụ/năm, giá trị sản xuất đạt 3,6 tỷ đồng/ha/năm; 01 nhà kính trồng dưa lưới, năng suất đạt 20 tấn/vụ/ha; 1 nhà kính sản xuất cây giống dưa chuột, cà chua, dưa lưới CNC... Đối với diện tích sản xuất ngoài trời, ứng dụng công nghệ tưới tự động, bán tự động và gieo trồng các loại rau, củ, quả; năng suất đạt bình quân 15 tấn/ha/vụ, giá trị sản xuất đạt 1,5 tỷ đồng/ha/năm.
Năm 2018, Công ty cổ phần Nông nghiệp CNC Phù Vân bắt đầu xây dựng và thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm CNC sản xuất cây giống và sản phẩm hoa, cây cảnh tại xã Phù Vân (thành phố Phủ Lý). Sau 3 năm thực hiện, dự án đã đi vào hoạt động ổn định và phát huy được hiệu quả kinh tế cao.
Bà Trần Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp CNC Phù Vân cho biết: Năm 2019, công ty nuôi trồng 25 loại lan hồ điệp bằng phương pháp ứng dụng CNC, với số lượng 80.000 cây. Doanh thu đạt khoảng 7 tỷ đồng. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, năm 2020, công ty chỉ nuôi trồng 20 loại lan hồ điệp, với số lượng 60.000 cây, doanh thu ước đạt 6 tỷ đồng. Ngoài nuôi trồng lan hồ điệp, công ty còn thực hiện mô hình sản xuất giống và hoa lan kiếm thương phẩm, tổng kinh phí trên 3,5 tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh là 1,8 tỷ đồng. Hiện, đơn vị đã hoàn thành việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp cây giống mẹ hoa lan kiếm đợt 1, với 4 loại: Thanh Ngọc, Hoàng Vũ, Trần Mộng và Mặc Biên.
Ứng dụng CNC trong sản xuất hoa lan của Công ty cổ phần Nông nghiệp CNC Phù Vân đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh tại tỉnh ta. Xã Phù Vân đã tăng cường liên kết với công ty để chuyển giao kỹ thuật cho các hộ sản xuất và kinh doanh hoa, cây cảnh ở địa phương.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả khẳng định: Sản xuất hoa CNC cho hiệu quả kinh tế tốt. Có nhiều mô hình cho doanh thu 6 tỷ đồng/ha, lợi nhuận lên tới 40%. Ứng dụng CNC vào nông nghiệp hạn chế được những rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu. CNC sẽ tạo ra những sản phẩm chất lượng, độ đồng đều cao và đẹp về thẩm mĩ. Điều đó cho thấy, nông nghiệp CNC là hướng đi đúng và cần thiết đối với phát triển nông nghiệp hiện nay. Hà Nam đang có nhiều thế mạnh để theo hướng đi này.
Chủ trương của tỉnh về đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đã đi vào thực tiễn, thúc đẩy sản xuất các loại rau, củ, quả, cây dược liệu, lúa chất lượng cao, hoa ở các địa phương. Đến nay, các xã đã tập trung được gần 2.100 ha; trong đó có 55 mô hình sản xuất rau, củ quả, hoa và cây dược liệu; 13 mô hình sản xuất cây ăn quả; 98 mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao. Các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm cho giá trị sản xuất trên hec-ta đất canh tác cao hơn so với sản xuất truyền thống từ 15 - 20%.
Ông Tăng Xuân Hòa, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC khẳng định: Cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh ta đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư thực hiện dự án sản xuất, làm mô hình điểm, vùng lõi, hạt nhân để các hộ nông dân, tổ hợp tác, HTX đến tham quan, học tập sản xuất. Các dự án do các doanh nghiệp thực hiện được thực hiện theo chuỗi, quy mô tập trung, sản phẩm bảo đảm an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP. Các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch làm vệ tinh, liên kết sản xuất với các cơ sở, doanh nghiệp bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, từng bước thay đổi tư duy về sản xuất nông sản sạch, an toàn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC cũng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tiến độ tập trung ruộng đất còn chậm do vướng mắc Luật Đất đai; việc triển khai các mô hình tích tụ ruộng đất để hình thành vùng sản xuất nông sản sạch, làm vệ tinh liên kết sản xuất tiêu thụ với các cơ sở, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, các mô hình tập trung đất đai để sản xuất rau, củ quả còn ít. Nhiều mô hình chưa được đầu tư đồng bộ từ khâu sản xuất, thu hoạch đến sơ chế, chế biến, phương tiện vận chuyển đi tiêu thụ nên khó mở rộng diện tích các vùng chuyên canh tập trung. Năng lực tài chính, kinh nghiệm sản xuất và khả năng tiếp cận thị trường của nông dân còn hạn chế.
Để thúc đẩy ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Đông cho rằng: Hà Nam cần rà soát lại cơ chế, chính sách; tranh thủ các chương trình, đề tài dự án khoa học của Nhà nước để ứng dụng vào thực tiễn; thúc đẩy thu hút đầu tư và tăng cường liên kết sản xuất.
Năm 2021, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ thực hiện hiệu quả chủ trương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, như: phối hợp xúc tiến đầu tư, hỗ trợ các vùng nguyên liệu sản xuất phục vụ cho xuất khẩu và tham gia chuỗi liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; tăng cường phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án trong khu quy hoạch; thực hiện công tác nghiên cứu thị trường, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác phát triển thương hiệu nông sản…/.
Theo Báo Hà Nam