Bất cập trong quy hoạch
Cách đây gần 10 năm, khi phê duyệt quy hoạch chung cư Hà Nội, Thủ tướng ra văn bản không được xây nhà cao tầng trong 4 quận nội đô nhưng Hà Nội lại ra văn bản được xây dựng chung cư cao tầng trong nội đô và đã ra quy chế thực hiện.
Hà Nội đã xây dựng rất nhiều nhà cao tầng trong nội đô, nhiều đề án được phê duyệt trong đó có hệ thống hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước và vệ sinh môi trường…). Nhưng trên thực tế, các công trình hạ tầng thường không đồng bộ hoặc không đạt được tiêu chuẩn kỹ thuật. Vẫn còn tình trạng điều chỉnh quy hoạch và phát triển theo kiểu tự phát, phá vỡ quy hoạch như hiện nay.
Hệ thống thoát nước quá tải do chỉ được quy hoạch cho một đô thị 50 vạn người, còn hiện tại nội đô đã lên tới 4 triệu người, mặc dù đã rất tích cực nạo vét, cải tạo nhưng không thể đáp ứng được. Các sông thoát nước chính không được triển khai cải tạo triệt để và đúng kỹ thuật, một số con sông như Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ... không được khơi thông, thậm chí còn ô nhiễm và trở thành các cống hở.
Diện tích ao hồ suy giảm mạnh, sau 20 năm đã giảm gần 50%, từ hơn 2.000 ha xuống còn hơn 1.000 ha, trong đó 17 ao hồ của Hà Nội đã bị san lấp hoàn toàn 5 năm gần đây.
Ngoài ra, vấn đề “hễ mưa là ngập” cũng thường xuyên xảy ra ở nhiều khu vực, kể cả khu vực mới phát triển như ở phía Tây thành phố, thậm chí trong khu đô thị cao cấp.
Các tuyến đường như Tràng Tiền, Tràng Thi, phố Hàng Bài biến thành sông sau cơn mưa lớn tối 17/8/2020. Ảnh: Internet
Cần những giải pháp mạnh mẽ
Căn cứ quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt (bao gồm quy hoạch chung, quy hoạch đã được phân khu, quy hoạch chi tiết) để quản lý và cải tạo hệ thống chứa nước, thoát nước đảm bảo phát huy tác dụng. Quy hoạch các vị trí, bố trí những không gian thích hợp, cần thiết để xây dựng các hồ điều hòa. Không cấp phép cho xây dựng các khu đô thị, khu cụm công nghiệp khi dự án không làm rõ được hệ thống thoát nước (cả nước mưa và nước thải).
Tập trung hoàn thành việc xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước, cải tạo và chống lấn chiếm thu hẹp hồ ao, sông, kênh trong đô thị bao gồm các sông và dòng chảy ra sông Hồng, hệ thống hồ đập thủy lợi, hệ thống ao hồ có tác dụng lớn trong quá trình tiêu thoát nước cho thành phố.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng lực dự báo, giám sát và cảnh báo sớm, năng lực điều hòa mực nước trong các cống, hồ điều hòa, ở các công trình đầu mối.
Tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu là một trong những nơi có mật độ tòa nhà chung cư cao tầng cao nhất Hà Nội gây quá tải hạ tầng đô thị. Ảnh: internet
Có chính sách huy động thêm các nguồn vốn đề đầu tư cho hệ thống thoát nước của thành phố, có thể tính toán xã hội hóa cho các nhà đầu tư tham gia xây dựng các công trình hạ tầng đổi lấy một số quyền lợi nhất định.
Về lâu dài, cần xây dựng lại quy hoạch tổng thể của thành phố với tầm nhìn mới “tinh” hơn, chính xác hơn trên cơ sở dự báo được xu hướng phát triển của thành phố trong tương lai, giải quyết triệt để các vấn đề về hạ tầng đô thị như ngập úng, khô hạn, thiếu đường xá, cây xanh, không gian mặt nước...
PV tổng hợp