Nhiều ưu thế vượt trội
HTX Sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) thành lập năm 2019 chỉ với 7 thành viên chuyên sản xuất rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao. Giám đốc HTX Đặng Thị Cuối cho biết, hiện, HTX đã xây dựng được thương hiệu “Rau quê hương người gái đảm” với nhiều sản phẩm được tiêu thụ tại các nhà hàng, siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch và bếp ăn tập thể. Giá trị thu nhập từ canh tác rau của HTX lên tới 6,6 tỷ đồng/ha/năm.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương nhận định, các HTX nông nghiệp truyền thống thường có số lượng thành viên lớn; triển khai nhiều dịch vụ cho xã viên như cung ứng giống, phân bón, làm đất, thu hoạch, còn HTX chuyên ngành lại chuyên sâu từng lĩnh vực sản xuất. HTX chuyên ngành có quy mô nhỏ, chỉ từ 7 - 50 thành viên, cùng sản xuất một hay một nhóm sản phẩm, có hợp tác, liên kết tham gia chuỗi giá trị sản phẩm; bộ máy quản lý, đặc biệt là người đứng đầu đều có năng lực, trình độ chuyên môn cao.
HTX Sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa) đang phát triển hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm Gạo Khu Cháy. Ảnh: Kinh tế và Đô thị
Mặt khác, đa số HTX chuyên ngành đều đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất khá bài bản như: Kho lạnh, nhà lưới, dây chuyền sơ chế, chế biến, cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, mô hình này cũng chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Do đó, quy mô, sản lượng, giá trị sản phẩm của HTX chuyên ngành khá lớn. Doanh thu trung bình của 1 HTX loại này có thể đạt từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng/năm.
Cần được hỗ trợ vay vốn và tích tụ ruộng đất
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, đến nay, toàn Thành phố có 300 HTX chuyên ngành đang hoạt động. Số lượng HTX chuyên ngành còn khiêm tốn và gặp không ít khó khăn về vốn và quỹ đất.
Giám đốc HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai) Nguyễn Đình Tường cho biết, HTX có 10 thành viên đang duy trì nuôi từ 130 - 150 con lợn và xuất bán ra thị trường từ 4 – 5 tạ thịt lợn/ngày. "Chúng tôi mong muốn được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó được hỗ trợ đào tạo chuyên sâu về marketing để thực hiện việc truyền thông và bán hàng chuyên nghiệp hơn" - ông Tường chia sẻ.
Chia sẻ khó khăn về tích tụ ruộng đất, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa) Cao Thị Thủy trăn trở: "HTX hoạt động hiệu quả nhưng chưa thể phát triển do khó tích tụ ruộng đất. Nhiều hộ nông dân không sản xuất nông nghiệp nhưng cũng không muốn cho HTX thuê đất. Trong khi đó, đất công ích của xã muốn thuê phải thông qua phương thức đấu giá nên giá cao, không đáp ứng được phương án sản xuất, kinh doanh".
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Hà Nội Tạ Văn Tường, HTX chuyên ngành đã chứng minh được hiệu quả nổi trội nên được thành phố khuyến khích và tạo điều kiện để mở rộng quy mô, phạm vi, địa bàn hoạt động với các ngành nghề sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Trong đó, ưu tiên phát triển HTX nông nghiệp gắn với chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; sản xuất giống, bảo quản, chế biến nông sản. Thời gian tới, thành phố sẽ tạo điều kiện cho các HTX vay vốn ưu đãi cũng như tìm cách hỗ trợ việc tích tụ ruộng đất./.
Theo Kinh tế và Đô thị