Hà Nội có nhiều lợi thế để phát triển một nền nông nghiệp chuyên nghiệp và hiện đại. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, Hà Nội cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn... không chỉ chú trọng đến số lượng mà cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng. Hà Nội hướng tới sản xuất sạch mở ra các vùng sản xuất nông nghiệp xanh một hướng đi tất yếu trong phát triển nông nghiệp bền vững.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, các mô hình nông nghiệp xanh an toàn, hữu cơ của Hà Nội phát triển mạnh tại nhiều huyện: Sóc Sơn, Đông Anh, Phú Xuyên, Thạch Thất, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Mê Linh...
Đến nay, Hà Nội đã xây dựng được 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội; trong đó, công nghệ, thiết bị lựa chọn ứng dụng chủ yếu là thông minh trong khâu quản lý, điều khiển môi trường nuôi trồng.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trên thị trường.
"Nhờ ứng dụng công nghệ cao đã giúp các nông hộ sản xuất giải phóng được sức lao động, nâng cao chất lượng và sản lượng, góp phần phát triển kinh tế gia đình, thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mới tại địa phương"- ông Nguyễn Văn Chí thông tin.
Mê Linh là thủ phủ trồng hoa của Hà Nội, trong tổng diện tích 236 ha trồng hoa thì chủ yếu trồng hoa hồng, cúc vàng. Ngoài ra, nông dân Mê Linh còn trồng một số loại hoa khác như: ly, loa kèn, mẫu đơn, lay-ơn... để xuất đi các tỉnh, thành phố khác trong cả nước và cả sang Trung Quốc.
Anh Nguyễn Thế Hiệp, chủ vườn trồng hoa ở xã Mê Linh, huyện Mê Linh cho biết, hơn 20 năm trước, khi những hộ đầu tiên ở xã gieo giống hoa hồng Đà Lạt xuống cánh đồng toàn lúa, nhiều người đã quan tâm tìm hiểu. Từ một vài hộ trồng rồi người dân học tập làm theo.
Hiện nay, chỉ riêng hoa hồng cũng có hàng trăm giống; trong đó có các giống hồng Italy, Pháp, Hà Lan. Giờ thì người Mê Linh đã thành thạo kỹ thuật trồng, áp dụng công nghệ cao trong chăm sóc và thu hoạch hoa. Nhờ tiến bộ kỹ thuật nhiều hộ còn mạnh dạn đưa vào trồng các giống hoa mới. Nhờ trồng được nhiều loại hoa hồng cho thu nhập cao mà người dân xã Mê Linh giàu lên nhanh chóng.
Anh Hiệp cho biết, các hộ dân trồng hoa ở đây chấp nhận sử dụng thuốc trừ sâu sinh học đắt hơn từ 2-3 lần so với thuốc trừ sâu hóa học, nhưng chủng loại và tác dụng trị bệnh của thuốc này vẫn chưa cao. Bà con đề nghị nhà nước tăng cường nghiên cứu để có nhiều loại thuốc trừ sâu sinh học tốt đáp ứng nhu cầu sản xuất sạch.
Còn tại huyện Đông Anh, nhờ quy hoạch vùng sản xuất rau với diện tích 1.180 ha; trong đó, có hơn 500 ha sản xuất rau an toàn tập trung, quy mô lớn, đến nay huyện đã kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm rau an toàn tại các vùng sản xuất tập trung.
Để duy trì sản xuất nông nghiệp an toàn, huyện Đông Anh đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân về hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Theo khảo sát của cơ quan chức năng, hiện số lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng tại địa phương này đã giảm khoảng 15% so với những năm trước; nông dân sử dụng chủ yếu là phân bón hữu cơ, vi sinh, thảo mộc trong canh tác nông nghiệp.
Ông Nguyễn Công Hoàn, quản lý Công ty TNHH khai thác tiềm năng sinh thái Hòa Lạc – nhãn hiệu rau hữu cơ Đại Ngàn cho biết, người tiêu dùng đánh giá rau Đại Ngàn ngon, khác hẳn với những loại rau trồng ở nơi khác. Đó là rau Đại Ngàn được chăm sóc bằng các chế phẩm sinh học tự nhiên từ gừng, ớt, tỏi, sả... Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là rau Đại Ngàn được sinh trưởng trong môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái cân bằng, ổn định. Hiện nay, mỗi ngày công ty xuất đi ít nhất từ 3 - 4 tấn rau các loại, giá bán trung bình khoảng 60 nghìn/kg, thu nhập một ngày vào từ 180 triệu - 240 triệu đồng.
"Giá rau hữu cơ đắt hơn so với rau trồng bình thường khoảng từ 2,5 – 3 lần. Quá trình làm rau hữu cơ ngoài nguồn tài chính lớn còn cần cả cái tâm của người trồng nữa, không thì chỉ 1 đến 2 năm là sẽ bỏ nghề"- ông Nguyễn Công Hoàn, với kinh nghiệm gần 20 năm làm rau hữu cơ chia sẻ.
Hướng tới nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thời gian tới, Hà Nội tập trung phát triển các vùng nông nghiệp hàng hóa theo hướng đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu. Đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu có diện tích canh tác hữu cơ đạt từ 1,5 - 2% tổng diện tích đất trồng trọt; sản xuất nông nghiệp xanh sẽ trở thành mũi nhọn trong ngành nông nghiệp Thủ đô.
Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, để mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp xanh, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ phối hợp với các địa phương hướng dẫn, tuyên truyền, khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học độc hại, không được sử dụng các loại thuốc ngoài danh mục cho phép.
Hà Nội cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, xây dựng thêm nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Về lâu dài, nông dân cần mạnh dạn thay đổi nhận thức, chuyển từ cách làm theo thói quen sang sản xuất nông nghiệp theo hướng dẫn của các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan quản lý nhà nước.
Theo các chuyên gia kinh tế, số lượng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh tại bàn Hà Nội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế. Nguyên nhân là do năng lực sản xuất của hộ nông dân còn nhiều hạn chế. Người sản xuất nông sản hàng hóa chủ yếu còn theo cách làm truyền thống, việc tiếp thu ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao gặp nhiều khó khăn về vốn và kỹ năng công nghệ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để làm đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất còn rất ít…
Để các mô hình nông nghiệp xanh được nhân rộng, thực sự đi vào sản xuất và đời sống xã hội, bên cạnh nỗ lực của nông dân rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía. Đặc biệt là còn nhiều vấn đề cần được tháo gỡ về cơ chế, chính sách, nhận thức, thói quen canh tác, phát triển nông nghiệp tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cần tiếp tục ban hành những chính sách phù hợp với thực tiễn sản xuất, có tính khả thi cao. Từ đó, nhằm huy động các nguồn lực để thực hiện cuộc cách mạng nông nghiệp thông minh.
Nguồn TTXVN