Loay hoay vào kênh phân phối hiện đại
Sản phẩm bưởi Quế Dương của xã Cát Quế (huyện Hoài Đức) có chất lượng tốt, có tem nhãn truy xuất nguồn gốc và đã được TP công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao năm 2020. Theo Giám đốc HTX bưởi an toàn Quế Dương Nguyễn Như Hảo, niên vụ bưởi 2020, trong khi nhiều loại bưởi khác trên thị trường bị rớt giá, tiêu thụ chậm thì bưởi Quế Dương vẫn tiêu thụ thuận lợi với giá bán trung bình 40.000 – 60.000 đồng/quả. “Mong muốn của các hộ trồng bưởi ở Cát Quế là được liên kết với các DN đưa sản phẩm bưởi an toàn tiêu thụ ổn định thông qua kênh siêu thị, cửa hàng rau quả sạch để nâng giá trị sản phẩm và thu nhập của nông dân” - ông Hảo bày tỏ.
Bưởi đường Quế Dương (xã Cát Quế, huyện Hoài Đức) được nhiều đơn vị kết nối tiêu thụ. Ảnh: Internet
Trăn trở về những rào cản đưa sản phẩm vào siêu thị, bà Nguyễn Thị Hà, ở xã Di Trạch, huyện Hoài Đức chia sẻ, những năm gần đây, ổi Di Trạch đạt tiêu chuẩn an toàn, một số DN đã đến thăm vùng trồng và ngỏ ý đưa ổi vào kênh phân phối. Tuy nhiên, do chưa có thương hiệu nên hành trình vào siêu thị của ổi Di Trạch đang gặp khó khăn. Việc tiêu thụ vẫn chủ yếu phụ thuộc vào thương lái và người dân tự bán lẻ trong vùng.
Theo báo cáo của UBND huyện Hoài Đức, đến nay toàn huyện có 2.000ha rau, hơn 1.000ha cây trồng giá trị cao như: Bưởi, nhãn chín muộn, cam, ổi, táo. Huyện có 5 sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu tập thể gồm: Nhãn chín muộn Hoài Đức, bưởi đường Quế Dương, cam đường Canh, bưởi ngọt Đông La và rau an toàn Tiền Lệ. Thời gian qua, mặc dù huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông sản chất lượng cao an toàn gắn với chuỗi giá trị, song việc tiêu thụ vẫn còn nhiều vướng mắc trong khâu kết nối thị trường.
“Chắp mối” nông dân và doanh nghiệp
Nhận định rõ những khó khăn, vướng mắc trong liên kết tiêu thụ nông sản, năm 2021, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục phối hợp với UBND các huyện trên địa bàn TP tổ chức nhiều Diễn đàn khuyến nông @ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Thông qua diễn đàn, nông dân, các chủ trang trại nắm rõ xu hướng, nhu cầu thị trường các sản phẩm nông nghiệp an toàn, có thương hiệu. Đồng thời kết nối với các DN bán lẻ nông sản, thực phẩm, bếp ăn công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội.
Chia sẻ về giải pháp gỡ khó đầu ra cho nông sản, Phó Giám đốc Công ty CP Suất ăn công nghiệp Hà Nội Trần Xuân Hòa cho rằng, nông sản muốn vào được siêu thị, kênh bán lẻ hiện đại thì phải bảo đảm chất lượng đồng đều. Do đó, các nhóm hộ sản xuất, HTX cần xây dựng quy trình sản xuất khép kín và hướng tới tiêu chuẩn nhất định, trong đó tập trung vào nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường, trước tiên, cần thành lập các nhóm hộ, hợp tác xã, lên kế hoạch tổ chức bài bản theo quy trình VietGAP, hữu cơ, cho ra sản phẩm đồng đều về chất lượng, đáp ứng quy mô, đơn hàng lớn. “Khi nông dân sản xuất an toàn, có sự liên kết nhóm, khâu tiêu thụ nông sản chắc chắn sẽ thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, các nhóm hộ, hợp tác xã cũng cần tính tới việc quảng bá, bán hàng trên mạng xã hội như Zalo, Facebook… để bắt kịp với xu thế xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản 4.0” – ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.
Để sản phẩm vào được siêu thị, kênh bán lẻ thì việc DN liên kết với nông dân, hợp tác xã cần dựa trên cơ sở hợp đồng quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm các bên tham gia và có sự hỗ trợ của Nhà nước, nhà khoa học./.
Theo Kinh tế và Đô thị