Sơ chế, đóng gói sản phẩm rau, quả sạch tại Hợp tác xã Nông nghiệp Văn Đức (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) để cung cấp cho thị trường. Ảnh: Hà Nội mới
Tạo ra nông sản an toàn
Thực tế là nhu cầu tiêu dùng nông sản an toàn của người dân ngày càng cao và để tạo ra nguồn thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáp ứng nhu cầu thị trường, các địa phương đã và đang tập trung quy hoạch, phát triển vùng sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường.
Theo Giám đốc Hợp tác xã rau quả an toàn Hồng Hà (huyện Phú Xuyên) Đồng Thị Vinh, để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, hạn chế ô nhiễm môi trường…, hợp tác xã yêu cầu các thành viên không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học; đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến sản phẩm… Hiện tại, trung bình mỗi ngày, hợp tác xã thu hoạch 5 tạ rau, cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích, doanh thu 3,5-4 triệu đồng.
Còn Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) Vũ Thị Huyền cho biết, hiện hợp tác xã có 5ha trồng rau hữu cơ, hơn 1.500ha bưởi Diễn trồng theo hướng an toàn. Với mục đích tạo nguồn thực phẩm sạch đáp ứng nhu cầu thị trường, hợp tác xã không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chỉ sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Giá trị kinh tế của sản phẩm nông nghiệp an toàn tăng 15-20% so với sản phẩm sản xuất theo phương thức cũ.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho hay, phát triển nền nông nghiệp xanh, an toàn, thân thiện với môi trường là hướng đi tất yếu của nông nghiệp hiện đại. Việc này không chỉ tạo điều kiện cho các địa phương hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; kiểm soát chất lượng sản phẩm..., mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Hà Nội đã chuyển đổi hơn 40.227ha đất lúa sang các mô hình sản xuất nông nghiệp mới. Trong đó, lúa chất lượng cao là hơn 15.600ha, rau an toàn gần 3.000ha, cây ăn quả gần 7.400ha...
Sản xuất rau an toàn tại Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín). Ảnh: Hà Nội mới
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin, Bộ đã chỉ đạo các địa phương triển khai nhiều đề án, chương trình phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…, kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ các yếu tố đầu vào; đồng thời liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn... Đến nay, cả nước đã có 463.000ha cây trồng, 16.991ha nuôi trồng thủy sản; 924 trang trại và 1.249 hộ chăn nuôi được cấp chứng nhận VietGAP. Qua thực tiễn cho thấy, sản xuất theo hướng VietGAP vừa tiết kiệm được chi phí “đầu vào”, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường...
Hình thành vùng sản xuất tập trung
Hiệu quả kinh tế mang lại rất lớn, nhưng mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp an toàn vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. Đó là quy mô nhỏ lẻ nên khó áp dụng các hình thức sản xuất khép kín, tập trung... Người nông dân vẫn canh tác theo thói quen trước đây, sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Mặt khác, “đầu ra” của các sản phẩm nông nghiệp an toàn còn bấp bênh...
Để phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín) Bùi Thị Thanh Hà cho biết, cùng với việc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nông dân trong việc sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp an toàn về nguồn vốn cũng như năng lực ứng dụng công nghệ cao để mở rộng quy mô sản xuất.
Ở điểm nhìn khác, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu Ngô Tường Vy cho rằng, để nâng cao chất lượng nông sản, các doanh nghiệp, hợp tác xã phải hình thành chuỗi liên kết bền vững từ quy trình sản xuất, đến sơ chế, chế biến sản phẩm...
Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản, các cơ quan chức năng cần khẩn trương xây dựng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, giúp nông dân, các hợp tác xã nắm vững quy trình sản xuất; đồng thời hỗ trợ xuất khẩu trong việc chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm... Còn với “bài toán” về “đầu ra” cho nông sản hữu cơ, nông sản sạch…, trước hết cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với nhu cầu thực tế.
Cũng về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, ngành Nông nghiệp Thủ đô tham mưu cho thành phố tiếp tục có chính sách ưu đãi doanh nghiệp về tín dụng, mặt bằng kinh doanh, xúc tiến thương mại…; đồng thời quy hoạch vùng sản xuất tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật… qua đó thúc đẩy sản xuất an toàn.
Khẳng định xu hướng sản xuất và tiêu dùng xanh, ít phát thải... sẽ chi phối thị trường nông sản và thương mại toàn cầu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, để hội nhập kinh tế nông nghiệp, Việt Nam cần có tầm nhìn và những bước đi táo bạo để chuyển đổi sang hệ thống lương thực, thực phẩm xanh. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang xây dựng chính sách quản lý, sử dụng tài nguyên theo hướng thân thiện với môi trường, trong đó tập trung vào chăn nuôi và trồng lúa; phối hợp với các địa phương hình thành vùng sản xuất tập trung, an toàn, quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp sạch trong nước và xuất khẩu./.
Theo Hà Nội mới