Trao đổi với phóng viên sáng nay 21/10, ông Hoàng Nguyên Ưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết, ngày 1/10, địa phương này phát hiện một ca F0 liên quan đến chùm bệnh ở Bệnh viện Việt Đức.
Ca lây nhiễm này được rà soát phát hiện ngay nên từ đó đến nay, địa phương này là "vùng xanh" vì chưa có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Theo ông Ưng, địa phương rất mong muốn được cho học sinh trở lại trường, bởi việc học trực tuyến đương nhiên không được chất lượng như học trực tiếp, nhất là với cấp tiểu học.
"Chúng tôi đã sẵn sàng cơ sở vật chất, vệ sinh trường lớp sạch sẽ thường xuyên, chỉ cần chờ 'lệnh' là học sinh có thể đến trường", ông Ưng nói.
Tại huyện Ba Vì, đợt dịch thứ 4 địa phương này có 8 ca F0, trong đó ca mắc gần nhất vào ngày 13/8, nghĩa là hơn hai tháng, huyện này chưa có thêm ca mắc mới.
Ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì, cho biết địa phương này có hơn 60.000 học sinh ở cả 3 cấp. Học sinh ở xã nào chủ yếu học tập trung ở xã đó, không phải đi chéo xã.
Do đó, với tình hình kiểm soát dịch như thế, mong muốn của ông có thể cho học sinh, ít nhất là lớp 6, lớp 9 và lớp 12 đi học trực tiếp. Đối tượng học sinh trung học có ý thức cao hơn về phòng dịch, và các nhà trường đã chuẩn bị kỹ các biện pháp giãn cách, phòng dịch.
Địa bàn Sóc Sơn hiện có 85.000 học sinh. Ngày 2/10, địa phương này phát hiện 2 ca F0 liên quan đến ổ dịch Bệnh viện Việt Đức. Sau khi rà soát và xét nghiệm, 22/22 trường hợp liên quan đến ca mắc này đều âm tính.
Từ đó đến nay, gần 20 ngày địa phương này không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Các nhà trường thường xuyên vệ sinh đảm bảo cơ sở vật chất có thể trở lại trường học bất cứ lúc nào.
Toàn huyện Sóc Sơn đã áp dụng hình thức học trực tuyến. Mặc dù các nhà trường rất cố gắng, nhưng trao đổi với phóng viên trước đó, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn cho biết, việc học trực tuyến chỉ đáp ứng được khoảng 50-60% so với học trực tiếp, vì còn liên quan đến đường truyền, máy móc.
"Học trực tuyến dài ngày ảnh hưởng tác phong, tư thế, ý thức của học sinh. Đặc biệt, với các học sinh đầu cấp như lớp 1, thầy cô phải nắn từng nét bút. Học sinh các lớp 2, lớp 6 phải áp dụng Chương trình SGK mới rất cần hướng dẫn trực tiếp từ giáo viên", Trưởng phòng GD&ĐT Sóc Sơn cho hay.
Sở GD&ĐT đã trình 4 phương án đề xuất cho học sinh trở lại trường. Tuy nhiên, ngay sau đó, đơn vị này đã rút phương án đề xuất trên.
Theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, sở dĩ đơn vị này rút văn bản đề xuất vì đợi phương án mới, trong đó phải chờ đánh giá mức độ dịch theo các cấp độ 1,2 của các xã, dựa trên đánh giá đó mới xây dựng phương án cho học sinh đi học như thế nào.