Phát triển chưa xứng tầm
Trong những năm qua, Hà Nội đã dành sự ưu tiên đặc biệt cho nông nghiệp công nghệ cao (CNC). Với chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, TP đã ban hành một số cơ chế, chính sách đẩy mạnh ứng dụng tứng dụng CNC; ban hành danh mục sản phẩm chủ lực; khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Hiện TP đã thực hiện dồn điền đổi thửa được gần 7.900ha, tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng CNC. Cùng với đó, hạ tầng kỹ thuật về giao thông, thủy lợi khá đồng bộ.
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Đông Xuân (Sóc Sơn) Hoàng Thị Hậu chia sẻ, mặc dù mới ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới vào sản xuất rau nhưng hiệu quả đã vượt trội so với cách làm truyền thống. Tuy nhiên theo bà Hậu, để ứng dụng CNC vào sản xuất, đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn và kéo dài. Điều này dẫn đến tâm lý e ngại vì sợ rủi ro. Mặt khác, chi phí đầu tư cho sản xuất lớn dẫn đến giá thành sản phẩm cao, gây khó khăn khi cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, số lượng nông dân và nhà đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC chưa nhiều.
Nhờ xây dựng nhà màng, nông dân Đan Phượng đã trồng thành công nho Hạ Đen. Ảnh: Kinh tế và Đô thị
Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Dương Thị Hằng nhìn nhận, ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp là lời giải cho bài toán năng suất nông nghiệp thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao, đầu tư công lao động nhiều, hiệu quả kinh tế thấp… Mặc dù Hà Nội có tiềm năng, lợi thế nhưng nông nghiệp CNC của Hà Nội chưa phát triển xứng tầm. Các mô hình nông nghiệp CNC còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà khoa học, DN và nông dân trong quá trình sản xuất.
Cần đầu tư đồng bộ
Những đóng góp của CNC trong sản xuất nông nghiệp cho thấy đây là hướng đi đúng đắn và tất yếu, tạo động lực mới cho ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, dù có điều kiện thuận lợi để phát triển, ngành nông nghiệp ứng dụng CNC vẫn còn gặp không ít khó khăn.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch, muốn sản xuất nông nghiệp CNC đồng nghĩa với việc phải tổ chức sản xuất trên quy mô tương đối lớn và đầu tư tương xứng về hạ tầng, công nghệ sản xuất. Trong khi thực tế, dòng vốn đầu tư vào nông nghiệp còn thấp, thiếu quỹ đất quy mô lớn để đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ theo vùng sản xuất tập trung. Mặt khác, thị tường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp CNC còn hạn hẹp, không ổn định; bất cập trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, nhân lực còn hạn chế… là những rào cản trong thời gian qua.
Cùng quan điểm này, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm Chu Anh Tuấn bày tỏ, vấn đề tích tụ, tập trung ruộng đất hiện là khâu khó nhất với người nông dân làm nông nghiệp CNC. Bởi đầu tư làm nông nghiệp CNC phải lâu dài mới cho hiệu quả, trong khi thời hạn cho thuê đất chỉ giới hạn 5 năm, điều này khiến DN không mặn mà. Do đó, đề nghị TP có những văn bản hướng dẫn cụ thể, tạo cơ chế, chính sách tích tụ, tập trung ruộng đất, tạo điều kiện cho các DN yên tâm đầu tư. Mặt khác, cần có cơ chế xây dựng ở mỗi huyện, thị một trung tâm trợ giúp nông dân, HTX, DN với những chuyên gia đầu ngành về kinh tế, kỹ thuật, pháp luật. Từ đó tư vấn, hỗ trợ nông dân về kỹ năng xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, kỹ thuật sản xuất chế biến, xây dựng nhãn hiệu, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Trên địa bàn TP đã hình thành 164 vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, khu nông nghiệp CNC. Đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC đạt hiệu quả cao như mô hình sản xuất hoa lan, hoa ly cho doanh thu từ 1,2 đến 5 tỷ đồng/ha/năm; mô hình trồng măng tây trắng đạt 2,18 tỷ đồng/ha…./.
Theo Kinh tế và Đô thị