Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này nhằm các mục tiêu lớn như: Bảo đảm an sinh xã hội của người dân theo quy định của Hiến pháp; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động tham gia BHXH.
Thực tế cho thấy, nhiều DN phải cố gắng xoay xở đủ việc làm cũng như bảo đảm quyền lợi về tiền lương, BHXH cho người lao động trong suốt những năm qua. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành phải đóng BHXH từ đầu tháng đang gây nhiều khó khăn, khi DN chưa chốt được tiền lương chính xác làm căn cứ đóng BHXH. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều DN bị nợ gối đầu từ 1 - 2 tháng rất phổ biến.
Từ dẫn chứng thực tế đó, thiết nghĩ Luật BHXH sửa đổi lần này cần điều chỉnh thời gian đóng BHXH bắt buộc chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng kế tiếp nếu chọn đóng theo tháng. Đề xuất này nhằm phù hợp với dòng tiền sản xuất, kinh doanh của các DN, do đó nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân, đặc biệt là DN.
Bên cạnh đó, Luật BHXH (sửa đổi) cũng hướng đến bảo đảm lợi ích của cả người lao động lẫn DN, trong bối cảnh không ít DN gặp khó khăn chung. Để bảo đảm quyền lợi của người lao động, Dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Thiết nghĩ, Luật BHXH (sửa đổi) cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm những DN này. Bên cạnh việc tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về BHXH như Dự thảo Luật đang ghi nhận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, củng cố niềm tin của người lao động đối với chính sách BHXH, cần lượng hóa vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách BHXH để giảm tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH, không thể để gia tăng theo tốc độ, số lượng ngày càng có dấu hiệu gia tăng như thời gian qua.
Đồng thời thiết kế một số quy định trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) để phòng ngừa và giải quyết quyền lợi về BHXH của người lao động khi DN bị phá sản, chủ DN bỏ trốn, cố tình hoặc vì lý do DN khó khăn mà không thể đóng BHXH cho người lao động.
Người dân và DN mong mỏi việc sửa Luật lần này phải làm sao để BHXH thực sự trở thành trụ cột bền vững của an sinh xã hội, bảo đảm quyền con người theo Hiến pháp 2013. Do đó, các chế tài cần nghiêm khắc, nhưng không gây khó khăn cho hoạt động DN, cho việc giải quyết công ăn việc làm của người lao động, qua đó bảo đảm hài hòa lợi ích các bên, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay.