Hàng hóa doanh nghiệp sản xuất ra kém cạnh tranh ngay trên con đường vận chuyển do giá phí cước cao. Ảnh minh họa: TTXVN.
Những khó khăn, bất lợi hiển hiện trong thực tế
Cước phí vận chuyển trong nước cao dẫn đến nâng chi phí đầu vào sản xuất tăng, hàng hóa làm ra kém cạnh tranh luôn là nỗ lo của hầu hết doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Công ty Hàng Việt (Viet Products), chia sẻ cước phí vận chuyển hàng hóa từ cảng Thưởng Hải (Trung Quốc) về cảng Sài Gòn chỉ tốn 300-400 đô la Mỹ/container loại 40 feet. Trong khi đó, với loại container tương tự đi từ cảng Sài Gòn đến khu vực phía Bắc của Việt Nam thì phí vận tải lên đến hơn 1.000 đô la.
Chưa hết, trong bối cảnh cầu thị trường trên thế giới bị sụt giảm mạnh, chính quyền nước này còn hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu nước này bằng cách hỗ trợ tiền cước phí vận chuyển hàng hóa cho nhà nhập khẩu. Nhờ vậy, mà gần đây, Viet Products đãđón nhận được lô hàng container nguyên liệu linh phụ kiện từ cảng Thượng Hải miễn tiền cước phí vận chuyển.
“Trong bối cảnh khó khăn chung trên toàn cầu này, bên cạnh nâng sức cạnh tranh về cước phí vận chuyển thì sự hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp lúc này rất cần thiết mà doanh nghiệp sản xuất trong nước như công ty chúng tôi cũng mong muốn nhận được”, ông Sang chia sẻ.
Ở một diễn biến khác, với mùa vụ thu hoạch vải năm nay của nông dân khu vực phía Bắc, để đưa được đặc sản trái vải đi đến thị trường Mỹ phải nói là một chặn đường dài đầy gian nan, phải trải qua nhiều công đoạn.
Giám đốc Công ty Logistics CMU, bà Nguyễn Tú Uyên, nêu thực tế xuất khẩu được trái vải tươi đi đến xứ cờ hoa thì đang thiếu nhà máy chiếu xạ ở khu vực phía Bắc. Do đó, để trái vải muốn sang Mỹ phải từ Bắc Giang đi bộ lên Hà Nội, bay vào TPHCM rồi trở lại nhà máy để đóng gói…
“Việc vận chuyển đoạn đường đi nhiều chặn nên chi phí rất cao, trong khi chất lượng không còn tươi mới như vừa hái ở vườn”, bà Uyên chia sẻ.
Công nghệ chế biến sau thu hoạch cũng như dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu tại Việt Nam được đánh giá là chưa bằng các nước trong khu vực, thiếu sự đa dạng lại phân tán. Không riêng trái vải, doanh nghiệp muốn xuất khẩu trái cây khác sang Mỹ thì dù ở bất cứ đâu cũng phải thực hiện chiếu xạ tại hai cơ sở được phía Mỹ chấp thuận tại TPHCM.
Dẫn hai câu chuyện trên cho thấy sự yếu kém về hạ tầng logistics, chi phí vận chuyển cao dẫn đến kém cạnh tranh, mà doanh nghiệp trong nước còn bị thiệt thòi rất nhiều so với doanh nghiệp các nước trong khu vực.
Năng lực cạnh tranh sụt giảm, rời bỏ thị trường…
Liên quan đến chi phí logistics và vận chuyển nói riêng, bà Đỗ Thị Mỹ Lệ, Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Trung Minh Thành, chia sẻ nếu sử dụng vận tải bằng đường thủy thì chi phí này chiếm khoảng 10% tổng giá trị sản phẩm; và nếu sử dụng vận tải đường hàng không thì chi phí sẽ tăng gấp 2 lần.
Mặt khác, vận tải đường biển phục vụ xuất khẩu cũng phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài. Do vậy, nhiều năm qua, các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn, trễ thời gian giao hàng do phải chờ ghép container hoặc chờ chuyến do hãng tàu sắp xếp.
Còn ông Hoàng Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Vinaxo, cho biết trước đây mỗi tháng công ty xuất khẩu khoảng 120 tấn thành phẩm trái cây sấy dẻo các loại đi thị trường châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, do phải phụ thuộc hãng tàu biển quốc tế, chi phí logistics tăng lên bằng số lần, có khi đến 10 lần. Do chi phí vận tải tăng cao đã làm suy giảm năng lực cạnh tranh nên Vinaxo phải bỏ một số thị trường xuất khẩu ở châu Mỹ, châu Âu, quay về thị trường trong nước.
Đối với chi phí logistics với ngành rau quả, theo ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty T&T Vina, cao hơn các ngành khác khá nhiều. Cụ thể chi phí logistics trong ngành nông sản chiếm đến 20-25% giá thành sản phẩm, trong khi đó các nước như Thái Lan chỉ chiếm khoảng 12% hay thế giới khoảng 14%.
Với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sử dụng phương tiện đường hàng không như tại Vina T&T thì chi phí logistics chiếm hơn 30% doanh thu của doanh nghiệp, đó là chưa kể các chi phí nhập trái cây, chiếu xạ… Vì thế, lợi nhuận của doanh nghiệp còn lại rất thấp.
Bà Nguyễn Tú Uyên, Giám đốc Công ty Logistics CMU, cũng cho rằng đối thủ xuất khẩu về nông sản Việt Nam là Thái Lan. So sáng với xứ chùa vàng, nông sản Việt Nam gặp thách thức về chi phí vận chuyển bởi đất nước này có lợi thế về nhiều chuyến bay đến Mỹ, châu Âu, Úc, Trung Đông… tần suất đều mỗi ngày. Giá cả vận tải của Thái Lan đi đến các thị trường quốc tế thấp hơn so với Hà Nội, TPHCM từ 1 – 1,2 đô la Mỹ/kg.
Tương tự, theo thống kê từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), chi phí logistics so sánh với tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam đang ở mức 16,8%, so với bình quân thế giới là 10,7%.
Tính riêng trong khu vực ASEAN, chi phí logistics Việt Nam cao hơn các nước Singapore (đang ở mức 8,5%), Malaysia (13%) và Thái Lan (15,5%).
Đại diện VLA cũng xác nhận chi phí logistics ở Việt Nam cao là do phụ thuộc lớn vào các hãng vận chuyển nước ngoài khiến nông sản Việt Nam xuất khẩu dù có nhiều lợi thế nhưng không cạnh tranh lại với các nước, đặc biệt là Thái Lan.
Đến thách thức của xu hướng logistics xanh
Năm 2023, ngành logistics phải đối mặt với những hệ lụy do ảnh hưởng của áp lực lạm phát và rủi ro suy thoái kinh tế của các nền kinh tế lớn, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy,…tác động mạnh mẽ đến tình hình xuất nhập khẩu và hoạt động logistics.
Bên cạnh đó, xu hướng xanh hóa hoạt động thương mại, xanh hoá logistics… dần trở thành yêu cầu tất yếu, tạo ra tiêu chuẩn cao hơn, đồng nghĩa với việc thêm chi phí nhiều hơn cho hoạt động thương mại và logistics.
Theo ông Nguyễn Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC), xu hướng mới là logistics xanh – mắt xích quan trọng để “xanh hóa” chuỗi cung ứng thực phẩm và hàng hóa.
Cụ thể trước bối cảnh người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm thân thiện môi trường thì việc “xanh hóa” ngành logistics và ứng dụng logistics xanh là yêu cầu bắt buộc. Có nghĩa ngành logistics phải đa dạng các giải pháp “xanh hóa” trên các phương diện như vận tải xanh, bao bì xanh, kho bãi xanh, quản lý dữ liệu logistics xanh…
Như vậy, ngành logistics muốn phát triển mạnh hơn để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hàng hóa thì trước tiên phải tự “tái cấu trúc”, như tối ưu hóa tuyến đường giao hàng, giảm số lượng xe tải trống hoặc chở hàng nửa chừng trên đường để tiết kiệm nhiên liệu và chi phí vận chuyển.
Đáng chú ý, trong bối cảnh “xanh hóa” là yêu cầu bắt buộc, xuyên suốt từ sản xuất vận chuyển đến tiêu dùng, giới phân tích và các chuyên gia cho rằng ngành logistics không thể đứng ngoài cuộc, nếu muốn tồn tại và hỗ trợ cho xuất khẩu.
Sở dĩ logistics xanh trở thành yêu cầu cấp thiết được các chuyên gia chỉ ra, do loại hình này thể mang lại nhiều lợi ích, bao gồm giảm lượng khí thải carbon, cải thiện an toàn và chất lượng hàng hóa, tăng hiệu quả và tiết kiệm chi phí trong chuỗi cung ứng.
“Bằng cách tối ưu hóa tuyến đường giao hàng và giảm số lượng xe tải trống hoặc chở hàng nửa chừng trên đường, các doanh nghiệp có thể tiết kiệm nhiên liệu và chi phí vận chuyển, đồng thời giảm tắc đường và ô nhiễm do giao thông”, TS. Tôn Thất Tú, chuyên gia tư vấn quốc tế, nói.
Tuy nhiên phải nhìn nhận một thực tế, câu chuyện xanh hóa logistics chỉ mới bắt đầu tại Việt Nam. Với yêu cầu như vậy, sẽ tăng thêm những tiêu chuẩn cao hơn cho hàng hóa, hoạt động kinh doanh… đồng thời, việc đáp ứng các tiêu chuẩn này sẽ khiến chi phí gia tăng…
Đại diện các công ty dịch vụ giao nhận vận tải cho rằng, thực trạng phát triển logistics xanh tại Việt Nam còn khá sơ khai, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.
Các biện pháp cụ thể để phát triển logistics xanh ở mỗi doanh nghiệp còn cần thời gian khá dài để có thể biến nó thành hiện thực. Câu chuyện của logistics xanh lúc này là cần tập trung mạnh mẽ vào việc thay đổi nhận thức của các chủ doanh nghiệp về cách thức ứng dụng logistics xanh và vai trò của logistics xanh tới sự phát triển của doanh nghiệp cũng như của nền kinh tế Việt Nam.
Các chuyên gia phân tích, để phát triển logistics xanh ở giai đoạn đầu tiên chắc chắn không thể có chuyện cắt giảm chi phí mà thậm chí chi phí còn tăng. Và khi chi phí tăng thì đương nhiên lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm.
Tuy nhiên, nếu không thực hiện được các tiêu chí về môi trường và logistics xanh trong tương lai doanh nghiệp sẽ dần bị đào thải ra khỏi các hoạt động kinh doanh và thương mại./.
TBKTSG