Ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM cho biết, hàng hóa “Made in Vietnam” ngày càng vươn xa vào thị trường các nước. Đồng thời, khẳng định chỗ đứng vững chắc tại các thị trường nhập khẩu. Vị này cho rằng, các bộ ngành, địa phương đã hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, DN nên tận dụng thời cơ để đưa hàng Việt đi xa hơn nữa. Theo số liệu thống kê, tổng hàng hóa xuất nhập khẩu trong 9 tháng của năm 2022 đã vượt mốc 500 tỷ USD và ước đạt trên 558 tỷ USD (tăng 15,1% so cùng kỳ năm trước). Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 23 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, trở thành điểm sáng trong xuất khẩu chung của cả nước. Trong đó, xuất khẩu thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, ước tính đạt 8,5 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước do các thị trường xuất khẩu hiện đều có nhu cầu cao đối với thủy sản Việt Nam. Xuất khẩu cà phê đạt 3 tỷ USD, tăng 37,6% về trị giá xuất khẩu và tăng 13,7% về lượng so với cùng kỳ năm trước; Xuất khẩu gạo tăng tới 19% về lượng và tăng 9,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Công thương, đến nay Việt Nam đã hoàn thành ký kết và thực thị 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Các FTA đã, đang mở rộng “cánh cửa” thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đây là cơ hội để hàng Việt Nam kết nối tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh khu vực và quốc tế đang có biến chuyển, chính sách của các thị trường xuất khẩu lớn thay đổi nhanh chóng. Các FTA có hiệu lực đi liền với xu hướng gia tăng hàng rào bảo hộ thương mại phi thuế quan, hàng rào về tiêu chuẩn kỹ thuật lao động, bảo vệ môi trường,... Đây là thách thức lớn đối với xuất khẩu Việt Nam, nhất là các thị trường yêu cầu rất cao như EU, Nhật Bản.
Chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, tình hình kinh tế khó khăn nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt. Muốn xuất khẩu tăng trưởng ổn định, ngoài việc theo dõi sát dự báo của cơ quan chức năng, DN cần đảm bảo hàng hóa đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn của nước nhập khẩu.
Mong muốn DN xuất khẩu đáp ứng những yêu cầu mà thị trường nhập khẩu đưa ra, ông Lê Thanh Hòa – Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam khuyến nghị, DN phải có chiến lược đầu tư xây dựng vùng trồng đảm bảo các yêu cầu an toàn thực phẩm. Giám sát các mối nguy trong toàn bộ quá trình sản xuất, đặc biệt về vi sinh vật và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Bà Nguyễn Thị Phượng Vỹ -Trưởng Phòng Dịch vụ Khách hàng, Công ty TNHH Eurofins Sắc ký Hải Đăng khuyên, khi xuất khẩu vào một thị trường nào đó, DN phải biết rõ thị trường đó cần tiêu chuẩn, quy chuẩn nào. Đặc biệt, với một số thị trường khó tính, DN Việt cần chú ý để tránh tình trạng hàng hóa xuất khẩu bị thu hồi hoặc cảnh báo.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch cho rằng, để đạt hiệu quả trong hoạt động xuất khẩu, DN cần áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế cho sản phẩm của mình. “Kinh nghiệm của chúng tôi, nếu xuất khẩu vào được EU thì xuất khẩu vào những thị trường khác sẽ đơn giản hơn rất nhiều do EU là thị trường khó tính nhất” – bà Minh nói.
Theo Bộ Công thương, đến nay Việt Nam đã hoàn thành ký kết và thực thị 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Các FTA đã, đang mở rộng “cánh cửa” thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đây là cơ hội để hàng Việt Nam kết nối tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Theo Đại đoàn kết