Trong hai ngày 10-11/9, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam. Chuyến thăm lần này của người đứng đầu Nhà Trắng đã tạo thêm một dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 2015); đánh dấu 10 năm hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện (2013-2023).
Việc nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện cho thấy hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ đã ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất. Sau gần ba thập kỷ, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã đạt được những thành quả tốt đẹp. Nhiều điểm sáng trong hợp tác song phương được xây dựng trên nguyên tắc “tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và nhất là tôn trọng thể chế chính trị của nhau”; phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh, giao lưu nhân dân, khoa học và công nghệ, y tế, khí hậu, năng lượng, giáo dục… đặc biệt là hợp tác về kinh tế và thương mại.
Theo đó, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều liên tục đạt tốc độ tăng trưởng ở mức cao, tăng hơn 275 lần, từ mức khoảng 450 triệu USD lên tới 124 tỷ USD (năm 2022). Hoa Kỳ nhiều năm liên tục là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi toàn thế giới. Năm 2022, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ.
Những thành tựu đã đạt được và bước phát triển mới trong quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ một lần nữa khẳng định, đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam, như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu là: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”.
Không chỉ có Hoa Kỳ, thông qua các cuộc gặp gỡ cấp cao của các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tham gia các diễn đàn trong khu vực hay tại các quốc gia trên thế giới, Việt Nam luôn khẳng định muốn làm bạn với tất cả các nước, vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững.
Thực tế cũng cho thấy, trong công cuộc tái thiết và xây dựng đất nước sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối, thì ngoại giao luôn tiên phong trong đấu tranh đưa đất nước ta thoát khỏi thế bị cô lập về chính trị, bao vây cấm vận về kinh tế. Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, công tác ngoại giao đã góp phần tích đưa quan hệ hợp tác của Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đi vào chiều sâu; góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ...
Điều này thể hiện rất rõ, trong mối quan hệ với các nước láng giềng “sông liền sông, núi liền núi” như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Việt Nam luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái. Trong thời gian qua và nhất là thời gian gần đây, các cuộc gặp gỡ cấp cao của các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng liên tục diễn ra. Hồi tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu nước ta đã thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước đang duy trì xu thế phát triển và đạt nhiều kết quả tích cực. Trước đó, chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10/2022) cũng đã tiếp động lực mạnh mẽ cho quan hệ hai nước. Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc; kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 175 tỷ USD, chiếm 1/4 tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN.
Với Lào và Campuchia, ngày 6/9 mới đây, tại Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) Samdech Techo Hun Sen và Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đã có Cuộc gặp cấp cao Việt Nam - Campuchia - Lào…Trước đó, vào tháng 4, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có chuyến thăm chính thức nước CHDCND Lào.
Với các quốc gia khác, năm 2023 có thể được nói là năm của nhiều sự kiện ngoại giao trọng đại của Việt Nam. Đó là kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Pháp, Nhật Bản, Anh, Australia, Singapore. Nhiều cuộc gặp gỡ cấp cao khác của các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng liên tục diễn ra. Đó là chuyến thăm và dự lễ đăng quang của Nhà Vua Anh Charles Đệ Tam (tháng 5) của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng (tháng 4), chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 (tháng 5) và Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 (tháng 9) tại Indonesia của Thủ tướng Phạm Minh Chính; hay trước đó là chuyến thăm chính thức Cộng hòa Cuba, Cộng hòa Argentina, Cộng hòa Đông Urguoay của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ… Cũng từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã đón tiếp nhiều nguyên thủ, nhà lãnh đạo các quốc gia như: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đón tiếp và hội đàm với Toàn quyền Australia David Hurley nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Toàn quyền tới Việt Nam; Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Lễ đón Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala và Đoàn đại biểu cấp cao Cộng hòa Séc thăm chính thức Việt Nam. Tiếp đó là các chuyến thăm Việt Nam của Đại Công quốc Luxembourg Xavier Bettel cùng Đoàn đại biểu cấp cao Luxembourg; chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken...
Như thế, có thể thấy, thông qua các cuộc gặp gỡ cấp cao của các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tham gia các diễn đàn tại khu vực hay tại các quốc gia trên thế giới, Việt Nam luôn muốn chuyển tải một thông điệp rất rõ ràng về một đất nước không chỉ đang phát triển năng động, hội nhập quốc tế sâu rộng; mà còn giới thiệu hình ảnh một Việt Nam với đóng góp tích cực, chủ động, có trách nhiệm vào các công việc chung của cộng đồng quốc tế.
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với trên 190 quốc gia trên thế giới. Việt Nam cũng đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, từ đó mở rộng các thị trường, các lĩnh vực hợp tác mới, thu hút các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã thực hiện nghĩa vụ quốc tế khi tham gia các hoạt động tại các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Khi thảm họa động đất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 2 năm nay, lần đầu tiên Việt Nam triển khai lực lượng phối hợp cùng nhiều quốc gia khác trên thế giới tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở một nơi rất xa như vậy…
Việc tham gia các hoạt động này thể hiện trách nhiệm, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Điều đó đã, đang và tiếp tục khiến Việt Nam ngày càng có những bước đi vững chắc trên hành trình của hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững. Hơn bao giờ hết, với phong cách “ngoại giao cây tre”, Việt Nam khẳng định luôn “là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
Nguồn TTXVN