Có thể hiểu rằng, đề xuất thay đổi để hướng đến việc biến các học sinh trở thành một cá nhân thể hiện được sự tự chủ, riêng có trong xã hội hiện đại và ngày càng phát triển. Nói cách khác, là sự chủ động như học sinh nước ngoài thể hiện trong môi trường gia đình, trường học hay cộng đồng. Mà học sinh thì đâu phải chỉ có trẻ con!?
Với sự đa dạng của tiếng Việt, đại từ nhân xưng có thể được dùng theo nhiều cách chứ không chỉ gói gọn vào “I”, “He” hay “She” trong tiếng Anh. Kết hợp với truyền thống, lịch sử, văn hóa, tình cảm của người Việt, các đối tượng tự biết phải điều chỉnh nhưng đồng thời vẫn tuân thủ “vòng kim cô của các mối quan hệ”.
Giữa các mối quan hệ, ngay cả việc sử dụng, diễn đạt từng cách xưng hô cũng cho thấy vị trí của thầy, cô giáo với học sinh. Nên nhớ rằng, giáo viên và học sinh là một khái niệm chung, mà nội hàm của nó gồm các cấp bậc học. Ở mầm non, tiểu học, giáo viên gọi học sinh là “con” được cho là hợp lý, khi con trẻ còn ở độ tuổi cần cảm nhận nhiều hơn sự gần gũi, yêu thương.
Học sinh lên cấp 2, cấp 3, với cô giáo không hơn quá nhiều tuổi thì việc điều chỉnh sang gọi thầy, cô và xưng con chính là sự điều chỉnh. Ở bậc đại học, việc xưng em và tôi là có thể chấp nhận, khi học sinh đã trở thành một công dân, có sự chủ động…
Và đương nhiên, trong mối quan hệ thầy trò ở cấp trên đại học, cao học hay trung, cao cấp chính trị, người ta dễ thấy giáo viên tự động gọi học sinh - những người đã đi làm, có vị trí trong xã hội, là “anh, chị”, “đồng chí” chứ chẳng ai gọi “con” làm gì để phải bận tâm đề xuất thay đổi.
Nhìn chung, tham gia vào mối quan hệ, chúng ta tự có cách điều chỉnh xưng hô phù hợp và cùng chấp nhận. Việc quy định thế nào cũng là tự thân các mối quan hệ cụ thể, chứ không có mẫu số chung cho tất cả./.