Bà P.T.C. ở Hà Nội không thể ngờ mình suýt mất mạng chỉ vì 2 miếng bỏng ngô tưởng như vô hại. Miếng bỏng ngô đó đã khiến bà C. hoa mắt, chóng mặt, nôn ra thức ăn, ý thức lơ mơ. Trung tâm Chống độc thuộc Bệnh viện Bạch Mai chẩn đoán bà C. bị ngộ độc cần sa tẩm trong bỏng ngô - thứ mà con bà đặt mua trên mạng.
Bà C. không phải là nạn nhân duy nhất, mà chỉ là một trong ngày càng nhiều người bị ngộ độc cần sa, ma túy trong thời gian gần đây.
Ngày 6.12, một người nữa phải vào Bệnh viện Nhi Trung ương vì uống nhầm dung dịch trong thuốc lá điện tử. Lần này bệnh nhân chỉ mới 5 tuổi, nhập viện trong tình trạng hôn mê. Xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cho thấy các mẫu có loại ma túy tổng hợp mới có tên ADB-BUTINACA.
Ngày 7.12, tiếp tục xuất hiện thông tin 8 học sinh của Trường Tiểu học Hoàng Liệt (Hà Nội) ngộ độc thuốc lá điện tử và đã được nhà trường kịp thời đưa đi cấp cứu.
Trước khi xảy ra các vụ ngộ độc kể trên, cơ quan chức năng các tỉnh, thành phố đã phát hiện rất nhiều vụ sử dụng các loại ma túy, cần sa trá hình. Và bỏng ngô không phải là thứ đồ ăn duy nhất, mà là thứ đồ ăn mới nhất bị tẩm cần sa, ma túy.
Hiện có nhiều loại ma túy mới xuất hiện nhưng chúng không chỉ có hình thức truyền thống như viên hay bột, mà đã biến hóa muôn hình vạn trạng, lúc thì núp trong các loại bánh kẹo hay nước giải khát, lúc lại ẩn trong thuốc lá điện tử. Ngoài những thứ đồ ăn quen thuộc đó, Công an TP Hồ Chí Minh mới đây còn cảnh báo về một thứ bánh mới nổi lên ở Việt Nam, có tên là “bánh lười” (Lazy cakes) được tẩm cần sa.
Hành vi trộn chất cấm vào đồ ăn, thức uống, thuốc lá điện tử là thủ đoạn tinh vi để tội phạm vận chuyển, mua bán, tiêu thụ trót lọt, công khai hòng qua mặt cơ quan chức năng. Khi mà buôn bán qua mạng ngày càng phổ biến, những loại ma túy, cần sa biến tướng, núp bóng thực phẩm này càng dễ tới tay người dùng ở mọi nơi.
Đối tượng mà những người này nhắm đến chính là học sinh, sinh viên hay giới trẻ, vốn là những người thích trải nghiệm mới lạ, dễ bị sa đà theo phong trào. Khi họ sử dụng những sản phẩm đó, dù vô tình hay cố ý, thì hệ lụy vẫn là khôn lường.
Một số người dùng cần sa sẽ mắc chứng rối loạn sử dụng cần sa, tức là họ không thể ngừng dùng cần sa cho dù nó gây ra vấn đề cho sức khỏe, cuộc sống. Trang web của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ cho biết nghiên cứu chỉ ra rằng cứ 10 người dùng cần sa, thì có khoảng 3 người mắc chứng rối loạn kể trên và 10% có nguy cơ nghiện. Nguy cơ rối loạn sử dụng cần sa sẽ lớn hơn nếu sử dụng thường xuyên hoặc sử dụng khi ở độ tuổi thanh thiếu niên.
Còn với thuốc lá điện tử, khi mà trào lưu này ngày càng phổ biến trong giới trẻ, nguy cơ hút phải thuốc lá điện tử bị tẩm chất gây nghiện ngày càng lớn. Bản thân thuốc lá điện tử bình thường đã bị coi là có hại cho sức khỏe không kém thuốc lá. Nguy hại tới mức Bộ Y tế đã đề nghị cấm thuốc lá điện tử, cho rằng cấm là phù hợp với xu hướng của các nước và khuyến cáo của các tổ chức y tế. Nếu nó bị tẩm, trộn với các loại ma túy tổng hợp, thì tác hại còn bị nhân lên gấp bội, kéo theo hàng loạt vấn đề xã hội.
Trong quá trình ngăn chặn những hiểm họa này, truy quét các đối tượng cố tình buôn bán cần sa, ma túy núp bóng không phải là điều dễ dàng với các cơ quan chức năng. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc tại Bệnh viện Bạch Mai, đa số ma túy hiện nay là các chất mới, được kẻ xấu thay đổi và tạo mới hằng ngày nên các phòng xét nghiệm hiện đại trong nước chưa nghiên cứu kịp cách phát hiện. Do vậy, đây là thách thức lớn. Với các hình thức che giấu ngày càng tinh vi như hiện nay, quét sạch tận gốc là điều bất khả thi, chỉ có thể chủ động hạn chế và kết hợp biện pháp phòng chống, đặc biệt là cho học sinh, sinh viên.
Ma túy đã, đang và sẽ ngày càng len lỏi nhiều hơn, làm vẩn đục nhiều hơn môi trường học đường. Do đó, gia đình và nhà trường có vai trò rất quan trọng. Giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xây dựng lối sống lành mạnh… chính là trang bị cho giới trẻ những tấm khiên bền chắc, sao cho các em đủ bản lĩnh, hiểu biết để bảo vệ trước hết là bản thân mình.
Báo Hải Dương