Phấn khởi là điều cảm nhận được trong văn bản giải trình biến động kết quả sản xuất kinh doanh quý 1-2024 của lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành. Công ty cho biết đã được Ngân hàng Phát triển Việt Nam (chi nhánh Buôn Ma Thuột) thông báo xóa nợ đối với các khoản lãi phạt phát sinh liên quan đến lãi chậm nộp chưa thanh toán.
Nhờ đó, lợi nhuận hợp nhất của công ty tăng do chi phí tài chính giảm. Mặc dù không đưa ra con số miễn giảm cụ thể nhưng từ việc này đem đến lợi nhuận hết sức ấn tượng cho công ty: lợi nhuận sau thuế đạt 11,59 tỷ đồng, tăng 9,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng mới đây, giới kinh doanh “choáng” với báo cáo tài chính quý 1 năm nay do Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc công bố. Theo đó, tại thời điểm cuối quý 3 năm trước, công ty có khoản lãi vay phải trả 4.239 tỷ đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (chi nhánh Bắc Giang); đến cuối quý 4 giảm mạnh, còn 2.518 tỷ đồng. Trong giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, lãnh đạo công ty cho biết, đề án tái cơ cấu các khoản nợ vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt cho phép điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay về mức lãi suất 8,55%/năm kể từ ngày 1-1-2022, xóa nợ lãi tính trên nợ gốc quá hạn và nợ lãi tính trên nợ lãi chậm trả phát sinh chưa trả đến thời điểm 31-12-2022, dừng tính lãi đối với nợ lãi chậm trả kể từ ngày 22-12-2023. Nhờ đó, tổng số tiền được hoạch toán vào thu nhập khác của công ty là 1.802 tỷ đồng; đồng thời thoát khỏi tình trạng âm vốn chủ sở hữu.
Một trường hợp khác là Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, trong quý 1 năm nay cũng được giảm lãi khủng. Khoản vay của Ngân hàng Eximbank gần mười năm trước từ 587 tỷ đồng đã phát sinh tiền lãi lên tới 1.425 tỷ đồng, bao gồm một phần lãi trong hạn, toàn bộ lãi quá hạn và tiền phạt chậm trả lãi. Hầu hết khoản lãi này được xóa, Công ty Chăn nuôi Gia Lai (công ty con) “rũ” gánh nợ nần.
Thật ra, các trường hợp nêu trên cũng chỉ mới xuất hiện trong thông báo của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán năm nay, tất nhiên còn là số ít, trong khi những năm trước hầu như không được nhắc tới.
Công bằng mà nói, mối quan hệ ngân hàng - doanh nghiệp là cộng sinh, doanh nghiệp là khách hàng lớn nhất, cũng là nguồn “nuôi dưỡng” chủ yếu cho ngân hàng. Lâu nay, doanh nghiệp gần như phải phụ thuộc vào nguồn vốn từ ngân hàng, nên khi ngân hàng siết tín dụng hoặc tăng lãi suất là doanh nghiệp “ná thở”.
Sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, doanh nghiệp chật vật hồi phục nhưng ngược lại, các ngân hàng lại công bố lợi nhuận khủng. Thống kê lợi nhuận trước thuế của 4 ngân hàng lớn của Việt Nam trong năm 2023 minh chứng cho điều đó: Lợi nhuận trước thuế của Vietcombank hơn 41.000 tỷ đồng, BIDV hơn 27.000 tỷ đồng, Vietinbank hơn 25.000 tỷ đồng, Agribank cũng gần 26.000 tỷ đồng.
Nguồn lợi nhuận khổng lồ này phần lớn đến từ đại khách hàng là doanh nghiệp. Liệu giới ngân hàng có vui vẻ khi lãi lớn mà đối tác thì lỗ, sống mòn? Rõ ràng doanh nghiệp là đầu kéo của nền kinh tế, tạo ra hàng hóa, của cải, giải quyết công ăn việc làm, đóng thuế, nên việc xóa - giảm lãi của ngân hàng đã mang lại góc nhìn tích cực, tiếp sức doanh nghiệp vượt khó.
Nguồn SGGP