Trước tiên, Hồ Chí Minh khẳng định dứt khoát, Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân, mang bản chất giai cấp công nhân. Bản chất giai cấp công nhân của Đảng thể hiện ở chỗ: mục tiêu, lý tưởng của Đảng là chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản; nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin; nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng là tập trung dân chủ; Đảng liên hệ mật thiết với quần chúng; lấy phê bình và tự phê bình làm quy luật phát triển.
Tuy nhiên, ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến, nông nghiệp lạc hậu, giai cấp công nhân còn nhỏ bé như Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời không chỉ là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân mà còn với phong trào yêu nước Việt Nam. Đây là đặc thù Việt Nam, là sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do đó, Hồ Chí Minh đã nhiều lần nói rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là Đảng của giai cấp công nhân mà còn là Đảng của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội II (tháng 2/1951), Người viết: “Đảng Lao động Việt Nam phải là người lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết, trung thành của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, của nhân dân Việt Nam... Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”. Đến tháng 1/1957, nói chuyện ở Trường cán bộ Công đoàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại khẳng định: “Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đội tiên phong của dân tộc”. Tháng 12/1961, nói chuyện với những cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm, Người nhắc lại: “Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời là cũng là của dân tộc”.
Trên thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tồn tại và phát triển là vì lợi ích không chỉ của giai cấp công nhân mà còn vì lợi ích của nhân dân lao động, của toàn dân tộc. Ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ra không có lợi ích nào khác. Chính vì vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam được nhân dân thương yêu, cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ, thừa nhận là Đảng của chính mình, trìu mến gọi Đảng là “Đảng ta”.
Quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về bản chất của Đảng, Điều lệ Đảng thông qua tại Đại hội II của Đảng đã ghi: “Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam”. Điều lệ Đảng thông qua tại Đại hội X đã ghi: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc”. Diễn đạt như vậy vừa nói lên được bản chất giai cấp công nhân của Đảng theo chủ nghĩa Mác-Lênin, vừa nói lên được nét đặc thù của Đảng ta theo sự phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với thực tế Việt Nam và đáp ứng được nguyện vọng, tình cảm của nhân dân. Diễn đạt như thế không phải là hạ thấp bản chất giai cấp của Đảng, trượt sang quan điểm “đảng toàn dân”, mà chính là hiểu bản chất giai cấp của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh một cách sâu sắc hơn, nhuần nhuyễn hơn. Điều đó đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam không những phải trung thành với giai cấp công nhân, mà còn phải học tập, kế thừa, phát huy truyền thống dân tộc, tăng cường đoàn kết, tập hợp nhân dân, phấn đấu vì lợi ích của giai cấp và dân tộc Việt Nam.
Ban Biên tập