1. Theo Hồ Chí Minh, chống tham nhũng là cách mạng, là chống lại những “ung nhọt”, “nọc xấu” của chế độ thực dân phong kiến còn rơi rớt lại trong xã hội mới và ngấm ngầm ngăn trở, phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Muốn xây dựng một xã hội mới, một xã hội tự do, bình đẳng, một xã hội cần, kiệm, liêm, chính, thì chúng ta phải tẩy cho sạch hết những thói xấu của xã hội cũ. Đồng thời, chống lại thói kiêu ngạo, xa xỉ, chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, lãng phí, quan liêu của một số “quan cách mạng” đã từng hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ trong đấu tranh nhưng khi có quyền lực trong tay thì tha hóa, trở thành người hại dân, hại nước, có tội với cách mạng. Chống tham nhũng là dân chủ, phải dựa vào lực lượng quần chúng mới chắc chắn thành công. Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng. Nếu nhân dân đồng tâm hiệp lực, đoàn kết thống nhất trong đấu tranh chống tham nhũng thì sẽ góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Về các biện pháp phòng, chống tham ô, lãng phí, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Hồ Chí Minh cho rằng, thói quen và truyền thống lạc hậu, tàn dư tư tưởng thủ cựu, lỗi thời là một trong những nguyên nhân dẫn tới tệ tham nhũng, ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ. Trong cuộc sống hàng ngày, những hiện tượng tốt, xấu, đúng, sai, có đạo đức và vô đạo đức vẫn tồn tại, đan xen nhau, đối chọi nhau. Vì vậy, muốn xây phải gắn liền với chống, chống nhằm mục tiêu xây nhưng lấy xây làm chính. Xây dựng đạo đức mới trước hết phải được tiến hành bằng việc giáo dục những phẩm chất, những chuẩn mực đạo đức mới, bằng việc nêu gương người tốt, việc tốt; những tấm gương đạo đức trong sáng xuất hiện trong cuộc sống và bằng việc khơi dậy ý thức đạo đức lành mạnh, để mỗi người tự giác với trách nhiệm, nghĩa vụ của mình.
Chú trọng công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý, từ việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đến bố trí, sử dụng cán bộ. Trong đó, tiêu chuẩn về đạo đức cách mạng là quan trọng nhất. Tuy nhiên, người cán bộ chỉ có đạo đức trong sáng cùng lòng nhiệt tình, hăng hái sẵn sàng hy sinh thôi thì chưa đủ, mà còn phải có năng lực, trí tuệ, biết nhận thức và vận dụng đúng đắn những quy luật của tự nhiên và xã hội vào hoạt động thực tiễn của mình. Phải có năng lực lãnh đạo, quản lý - khả năng tổ chức động viên quần chúng thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Công khai, dân chủ, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh để tạo dựng được khối đoàn kết trong cơ quan, đơn vị, tạo môi trường tốt để phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng.Thực hiện tự phê bình và phê bình thường xuyên, như việc rửa mặt hàng ngày để sớm phát hiện những hành vi tham ô, tư lợi, đi ngược lại với mục tiêu, lý tưởng của Đảng và lợi ích của nhân dân. Trong quá trình tự phê bình và phê bình phải thành thật, không được “giấu bệnh, sợ thuốc”, phải kiên quyết, không nể nang, phải dựa vào sự thực, phải đào tận gốc rễ những khuyết điểm. Đồng thời, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, cùng nhau phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng.
Xây dựng cơ chế, bộ máy chống tham ô, lãng phí hiệu quả. Tăng cường kiểm tra, giám sát vì đây là “ngọn đèn pha” giúp người lãnh đạo thấy rõ tình hình, ưu điểm và khuyết điểm của cán bộ. Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức phải biết tự kiểm tra, tự kiểm soát hành vi, công việc của chính mình thông qua tự phê bình và phê bình, chức vụ càng cao càng phải thành khẩn tự phê bình và làm gương, nêu gương cho cấp dưới, không để “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Phải “khéo kiểm tra” và kiểm tra phải “khéo”, hợp linh hoạt các phương pháp và hình thức kiểm tra, kiểm tra../.
Huyền Thu