Cộng đồng doanh nghiệp đang trong giai đoạn bấp bênh
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm nay, cả nước có 59.800 doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2019, bao gồm: 31.800 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; 20.000 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 20,7%; 8.000 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 32,3%. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 12.000 DN rút lui khỏi thị trường.
Theo ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, những tháng đầu năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, do đó, việc DN buộc tạm dừng, chờ phá sản, hoàn tất thủ tục giải thể gia tăng ở hầu hết các ngành kinh tế là điều không tránh khỏi.
“Trong điều kiện hiện nay, nhiều DN đã không thể duy trì được trạng thái hoạt động bình thường, phải cắt giảm lao động, thậm chí giải thể hoặc chuyển sang ngành nghề kinh doanh khác (phần lớn tập trung vào các DN hoạt động du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận tải hành khách, dịch vụ vui chơi giải trí…)”, ông Tiến cho hay.
Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cũng cho biết, hầu hết DN nhỏ và vừa đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã có các chính sách hỗ trợ kịp thời, giúp DN từng bước vượt khó khăn, hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, tuy nhiên, sau hơn một năm chịu tác động của dịch Covid-19, tình hình của DN và người lao động hiện đã khác so với năm 2020. Rất nhiều DN đã không thể trụ vững, phải cắt giảm lao động, thậm chí đóng cửa hoặc chuyển sang ngành, nghề khác. Về phía người lao động cũng không thể ngồi nhà nhận tiền hỗ trợ và chờ quay trở lại công việc vì diễn biến của dịch Covid-19 ngày càng phức tạp và kéo dài, buộc họ phải tìm kiếm việc làm mới để duy trì thu nhập.
“Cho đến hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp, người lao động đang trong giai đoạn thật sự bấp bênh. Nhiều DN bị giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư, thậm chí hủy dự án đang hoặc sẽ thực hiện, đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột", TS. Tô Hoài Nam nói.
Tháo nút thắt hỗ trợ doanh nghiệp
Theo ông Tô Hoài Nam, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng do dịch bệnh, bao gồm các gói hỗ trợ về tài khóa, tín dụng và an sinh xã hội… Việc ra đời và triển khai các chính sách hỗ trợ của Chính phủ được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao, thể hiện sự quan tâm và quyết liệt trong thực hiện mục tiêu kép đó là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Tuy nhiên, quá trình triển khai chính sách trong thực tế thì đến nay những mục tiêu đề ra là chưa hiệu quả như mong muốn.
“Điểm nghẽn ở đây chính là khâu thiết kế thực hiện chính sách còn nhiều vấn đề vướng mắc; cách thức tổ chức, triển khai chính sách còn cồng kềnh chưa phù hợp với thực tiễn, từng doanh nghiệp, người lao động cần hỗ trợ. Đặc biệt là các quy định về thủ tục hành chính còn rườm rà, chồng chéo… tạo thành nút thắt cản trở cơ hội thụ hưởng trong bối cảnh cần tiếp sức nhanh của doanh nghiệp, người dân”, ông Tô Hoài Nam chỉ rõ.
Để tiếp sức cho các DN “vượt bão” Covid-19, ông Nam cho rằng, các gói hỗ trợ chính sách xây dựng phải tương đối đa dạng, ngoài hỗ trợ tài khóa về thuế, giãn, hoãn thuế cần có thêm những gói chính sách mới với điều kiện tiếp cận rộng hơn, nhanh hơn, thủ tục cần đơn giản hơn để vực dậy hoạt động của DN cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN.
“Cần cân nhắc các điều kiện hỗ trợ, tránh sai lầm từ các quy định không sát thực tế. Mặt khác, phải xây dựng chính sách có tính trung hạn như hỗ trợ khả năng tiếp cận tín dụng hay điều chỉnh chính sách phù hợp với khách quan của dịch bệnh như điều kiện của chính sách nợ xấu tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng mới”, ông Tô Hoài Nam kiến nghị.
Đồng tình với quan điểm đó, ông Nguyễn Trung Tiến cho rằng, sau 4 đợt dịch Covid-19 bùng phát, bản thân các DN cũng rất chủ động ứng phó với dịch Covid-19 nhưng tiềm lực và sức chống chịu có hạn, nhiều DN đã kiệt quệ, sức chống đỡ giảm mạnh. Do đó, điều quan trọng nhất đối với các công tác hỗ trợ của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương cho DN trong giai đoạn này là các giải pháp hỗ trợ cần kịp thời, đúng thời điểm và dễ tiếp cận. Ngoài ra, việc thực hiện các chính sách cần có quy mô tác động đủ lớn, thời gian thực hiện trong trung và dài hạn.
“Chính sách hỗ trợ cần tập trung trợ giúp, khuyến khích đầu tư nhằm vào những đối tượng, khu vực đang gặp nhiều khó khăn nhất và những đối tượng tạo nên dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Cùng với đó, phải quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho DN, tháo gỡ các nút thắt trong thủ tục đầu tư để DN bứt lên nắm bắt cơ hội kinh doanh, tạo điều kiện để các DN phục hồi nhanh khi tác động của dịch suy giảm và được khống chế”, ông Nguyễn Trung Tiến nhấn mạnh.
Về góc độ chính sách, TS. Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, để góp phần tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa phát triển, cần xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ theo hướng bớt lệ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, giảm tình trạng gia công đã kéo dài quá lâu.
“Đại dịch Covid-19 đang tạo cho Việt Nam cơ hội làm việc đó, khi các đối tác lớn, như: Nhật, Mỹ, EU... đang tìm kiếm địa điểm để chuyển một phần nguồn cung cho các chuỗi sản xuất ra khỏi các cứ điểm sản xuất chính. Chính phủ cần có chính sách, mục tiêu rõ ràng nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho DN Việt Nam và thu hút đầu tư từ các đối tác trên vào những ngành, nghề, lĩnh vực ưu tiên", TS. Đậu Anh Tuấn nêu ý kiến./.
Diệp Diệp/VOV.VN