Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước ta phải đối mặt với muôn vàn khó khăn trên tất cả các lĩnh vực. Để giải quyết những khó khăn đó, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945 - một ngày sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nêu ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gồm: (1) phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất và “lạc quyên” 10 ngày nhịn ăn một bữa để tiết kiệm gạo cứu đói cho người nghèo”. (2) mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ. (3) tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. (4) mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH để giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập. (5) Bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò, tuyệt đối cấm hút thuốc phiện. (6) Chính phủ tuyên bố: TÍN NGƯỠNG TỰ DO và Lương Giáo đoàn kết.
Ngày 04/9/1945, Chính phủ lập "Quỹ độc lập" "để thu nhận các món tiền và đồ vật của nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của Quốc gia". Cũng trong khuôn khổ Quỹ độc lập, Chính phủ tổ chức "Tuần lễ vàng” từ ngày 17 đến ngày 24-9-1945; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào toàn quốc nhân dịp "Tuần lễ vàng”, nêu rõ mục đích của việc lập quỹ là để "thu góp số VÀNG trong nhân dân và nhất là của các nhà giàu có để cúng vào việc cần cấp và quan trọng nhất của chúng ta lúc này là việc quốc phòng”.
Ngày 8/9/1945, Chính phủ ban hành Sắc lệnh quy định việc học chữ quốc ngữ từ nay bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người, thành lập Nha bình dân học vụ để "trông nom việc học của nhân dân". Phong trào toàn dân tham gia Bình dân học vụ phát triển khắp, lôi cuốn được mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, mọi giới tham gia.
Cũng trong tháng 9/1945, để chi viện cho Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Trung ương Đảng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi nhân dân cả nước dốc sức ủng hộ cuộc kháng chiến của quân và dân Nam Bộ, với tinh thần "phải hút toàn lực vào đó; hy sinh hết thảy vì kháng chiến; hy sinh hết thảy vào mặt trận miền Nam”.
Trong điều kiện lịch sử lúc đó, việc phát động toàn dân tham gia thực hiện các phong trào này không chỉ nhanh chóng giải quyết được nạn đói, nạn mù chữ, chi viện cho kháng chiến ở miền Nam, mà còn nâng cao nhận thức chính trị và quyền làm chủ thực sự của nhân dân với đất nước Việt Nam mới giành được độc lập. Đây là những phong trào có tính chất thi đua yêu nước đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, để tăng cường nội lưc của dân tộc trong cuộc đấu tranh bảo vệ thành quả của Cách mạng tháng Tám.
Đến tháng 3/1947, trong bối cảnh kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào xây dựng “Đời sống mới”. Cuộc vận động đời sống mới do Đảng lãnh đạo nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, lòng căm thù bọn cướp nước và bọn bán nước, yêu lao động, yêu chính nghĩa, xây dựng đạo đức "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, xóa b ỏ những hói hư, tật xấu, phong tục, tập quán lạc hậu trong ma chay, cưới xin, lễ hội... và nạn cờ bạc, rượu chè. Trong Lời tựa tác phẩm “Đời sống mới” hoàn thành ngày 20/3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Trong lúc kháng chiến cứu quốc, chúng ta phải đồng thời kiến quốc. Thực hành đời sống mới là một điều cần kíp cho công cuộc cứu quốc và kiến quốc".
Sau chiến thắng Việt Bắc (Thu Đông 1947), trong các điện, thư gửi đồng bào, chiến sĩ và Mặt trận Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi tiến hành thi đua trong từng lĩnh vực cụ thể. Ngày 06/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 195/SL thành lập Ban Vận động thi đua ái quốc từ Trung ương tới địa phương và Sắc lệnh số 196/SL bổ nhiệm người đứng đầu và thành viên của Ban thi đua Trung ương.
Để phát huy kết quả đó và để tiếp tục động viên toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến giành thắng lợi to lớn hơn, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy nhiệt tình cách mạng và trí sáng tạo, ra sức thi đua kháng chiến và kiến quốc. Chỉ thị vạch rõ: "Mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công". Công nhân thi đua sản xuất ra nhiều súng đạn giết giặc. Nông dân thi đua làm ra nhiều thức ăn, vật dụng nuôi dân, nuôi bộ đội. Bộ đội và du kích thi đua bắn giỏi, cướp được nhiều súng đạn, giết được nhiều Tây. Viên chức thi đua cải tiến công tác, làm việc có hiệu quả. Các nhà tư sản, địa chủ ra sức mở mang kinh doanh, thực hiện khẩu hiệu "Người Việt dùng hàng Việt", “Tăng gia sản xuất, tự cấp tự túc". Phạm vi thi đua ái quốc là cá nhân thi đua với cá nhân, đoàn thể với đoàn thể, cơ quan với cơ quan, các địa phương, các đơn vị bộ đội thi đua với nhau. Tóm lại, cả nước thi đua về mọi mặt: quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá.
Ngày 11/6/1948, nhân dịp kỷ niệm 1000 ngày kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, nêu rõ: Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau. Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, gái, trai; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên một mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa. Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của Nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi.
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời trên cơ sở chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, tổ chức, từ những đợt phát động thi đua trước đó, đã có sức lôi cuốn, động viên, hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, lập nên những chiến công hiển hách và thành tích to lớn trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Thi đua đã thực sự trở thành một động lực cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Quang Minh