Đây là khuyến nghị được các đại biểu đưa ra trong Hội thảo tham vấn "Đề xuất nội dung xây dựng Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp tại Việt Nam" do Bộ Tư pháp phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Đại sứ quán Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam tổ chức sáng 7/4, ở Hà Nội.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh để phát triển nhanh và bền vững vừa là yêu cầu, đồng thời là mục tiêu của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan trong các hoạt động này là trách nhiệm của cả nhà nước, doanh nghiệp và xã hội. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Việt Nam đã khẳng định quan điểm "coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển".
Theo Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, tăng trưởng kinh tế nhanh không chỉ mang đến cơ hội mà còn đi kèm một số rủi ro về xã hội và môi trường có ảnh hưởng rộng khắp đến người lao động, người tiêu dùng, cộng đồng và tài nguyên thiên nhiên quan trọng đối với sinh kế của người dân. Một số vi phạm pháp luật liên quan các hành vi lũng đoạn thị trường hay tìm kiếm lợi nhuận bất chính trong dịch bệnh đang được xử lý vừa qua ở Việt Nam là ví dụ về hậu quả của hành vi kinh doanh thiếu trách nhiệm.
Trong bối cảnh đó, chìa khóa để cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của Việt Nam chính là thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho biết Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm 2021-2025 đã giao Bộ Tư pháp xây dựng Đề án ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam, để trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2023.
Trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, với sự hỗ trợ của UNDP, tiến hành một số nghiên cứu, rà soát, hội thảo tham vấn về vấn đề này, trong đó xác định ít nhất 3 định hướng để chuẩn bị nội dung đề án, gắn với các nhiệm vụ, giải pháp triển khai, bao gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; thúc đẩy hiệu quả, chất lượng của công tác tổ chức thi hành chính sách, pháp luật liên quan; nâng cao nhận thức, năng lực về thực hành kinh doanh có trách nhiệm cho các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp và xã hội.
Thay mặt các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam và UNDP phát biểu tại hội thảo, bà Caitlin Wiesen, Quyền Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết Việt Nam nằm trong số 7 quốc gia châu Á đang trong quá trình thực hiện các Nguyên tắc hướng dẫn của Liên hợp quốc về Kinh doanh và Quyền con người, thông qua việc xây dựng Chương trình hành động quốc gia.
Nhấn mạnh Việt Nam đang ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-25, bà Caitlin Wiesen cho rằng việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia nhằm thúc đẩy tôn trọng quyền con người trong bối cảnh hoạt động kinh doanh thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với tư cách là thành viên tương lai của Hội đồng.
Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết với sự hỗ trợ của Chính phủ Thụy Điển, UNDP phối hợp với Bộ Tư pháp tiến hành hai nghiên cứu quan trọng đối nhằm xác định và ưu tiên các lộ trình hành động cho Kế hoạch hành động quốc gia trong những năm tới. Đó là Đánh giá sơ bộ về khung pháp lý của hoạt động kinh doanh có trách nhiệm ở Việt Nam đã được xuất bản vào năm 2020 và hiện tại là Đánh giá cơ sở quốc gia về thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, đánh giá để hoàn thiện dự thảo Báo cáo đánh giá hiện trạng về tình hình kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam; trên cơ sở đó cung cấp các thông tin đầu vào cho các đề xuất, kiến nghị về thúc đẩy hiệu quả, chất lượng của công tác tổ chức thi hành chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm cũng như các vấn đề khác có liên quan, trong đó có nâng cao nhận thức, năng lực.
Tất cả các thông tin hữu ích này cùng với hai báo cáo: Báo cáo Đánh giá sơ bộ Khung pháp lý của Việt Nam về thực hành kinh doanh có trách nhiệm năm 2020 và Báo cáo đánh giá hiện trạng về tình hình kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam năm 2022 sẽ giúp Bộ Tư pháp có nhiều chất liệu đầu vào để tiến tới xây dựng dự thảo Đề án ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ vào năm 2023.
Nguồn TTXVN