Thách thức lớn thị trường Mỹ
Trong đó, ông Nguyễn Thắng Vượng, Đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương, dự báo trong 3 tháng cuối năm, sức mua tại Hoa Kỳ sẽ tăng mạnh và dự kiến, lần đầu tiên trong năm nay, kim ngạch thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đạt hơn 100 tỷ USD.
“Bên cạnh những thuận lợi đó là những thách thức mang tính chiến lược trong dài hạn. Ở góc độ Việt Nam nhìn nhận thặng dư thương mại là một điều có lợi trong trao đổi thương mại với Mỹ, tuy nhiên dưới góc độ với người Mỹ, thì việc này là thâm hụt thương mại trong trao đổi với Việt Nam”, ông Vượng cho hay.
Đại diện Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ nhìn nhận, việc tốc độ tăng trưởng thương mại quá nhanh, kéo theo tần suất các vụ việc phòng vệ thương mại, điều tra chống bán phá giá sẽ diễn ra ngày càng gay gắt. Việt Nam và Mỹ đã ký nhiều Hiệp định thương mại song phương lớn, tuy nhiên Mỹ vẫn chưa công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, đây là bất lợi lớn cho kinh tế vĩ mô, cùng với đó các vụ việc phòng vệ thương mại trong tương lai chúng ta sẽ phải chịu rất nhiều bất lợi. “Tại phiên họp thứ 10 tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại chính sách với Mỹ để từng bước đặt ra vấn đề, Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam”, ông Vượng cho biết.
Cung cấp thêm thông tin ở thị trường Mỹ, bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ Thương mại, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho hay trong số các hình thức kiện phòng vệ thương mại năm gần đây, các vụ kiện liên quan đến điều tra lẩn tránh xuất xứ tăng nhanh hơn. “Chúng tôi thấy có 3 mặt hàng có nhiều nguy cơ liên quan đến các vụ kiện điều tra lẩn tránh xuất xứ từ năm 2020 đến hết tháng 10/2022, bao gồm: Linh kiện điện tử (Chương 85, trong hạng mục thuế quan), dệt may (hạng mục thuế Chương 50 đến Chương 63) và cuối cùng là sản phẩm gỗ ván ép (hạng mục thuế quan, Chương 44)”, bà Hương cho biết.
Số liệu về cấp C/O đối với sản phẩm linh kiện điện tử, theo thống kê từ năm 2020 đến tháng 10/2022, VCCI đã cấp C/O cho linh kiện điện tử xuất khẩu sang Mỹ chỉ đạt 7-10%/tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vào Mỹ. Với dệt may, chứng nhận xuất xứ cũng chỉ chiếm từ 12-14% trong tổng kim ngạch vào thị trường này. Sản phẩm gỗ ván ép cũng chỉ đạt lượng cấp C/O từ 50-60% kim ngạch xuất mặt hàng này sang Mỹ.
“Rõ ràng chúng ta thấy nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ nhưng tỷ lệ cấp C/O rất ít. Trong khi đó, về quy định chứng nhận xuất xứ, thị trường Mỹ và EU có độ mở lớn, cho phép doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này tự chứng nhận xuất xứ, các C/O đó không cần có thẩm quyền cấp, doanh nghiệp tự đứng ra xây dựng C/O theo đúng yêu cầu và đáp ứng thị trường xuất khẩu”, đại diện VCCI cho biết.
Ngăn chặn gian lận xuất xứ
Nhìn từ khó khăn của ngành gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, chia sẻ Việt Nam có mức tăng trưởng bứt phá, đã trở thành nước xuất khẩu gỗ đứng thứ 5 thế giới, riêng đồ mộc tức là nhóm như bàn ghế giường tủ là nhóm có giá trị gia tăng cao thứ 2 thế giới sau Trung Quốc. Do đó, ngành gỗ phải đối diện nhiều hơn các biện pháp phòng vệ thương mại.
Trước đây, ông Hoài cho hay ngành gỗ đối diện một số vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp, cụ thể Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ đã kiện và áp thuế mặt hàng gỗ dán và gỗ dán cứng của Việt Nam. Sau đó, lại bị Hàn Quốc kiện và áp thuế gỗ dán xuất khẩu sang Hàn Quốc với mức thuế trên dưới 10%. Năm ngoái, Canada cũng điều tra và áp thuế mặt hàng salon đệm mút của Việt Nam xuất khẩu và mức thuế khá nặng nề, trên dưới 10%.
Trong vài ba năm gần đây, Việt Nam lại đối diện thêm rủi ro về phòng vệ thương mại, cụ thể, ngoài áp thuế chống bán phá giá, thuế trợ cấp, ngành gỗ cũng phải đối diện với các biện pháp tự vệ như điều tra 301 của Chính phủ Mỹ về khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp của Việt Nam. Mới đây, Mỹ cũng tiến hành điều tra bàn trang điểm mà Việt Nam xuất khẩu nhiều sang thị trường này.
Đáng lo ngại, ông Hoài cũng chỉ ra thực tế rằng mỗi khi nước láng giềng bên cạnh Việt Nam bị điều tra áp thuế chống phá giá, thì độ lùi hai năm sau các mặt hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam cũng được đưa vào diện điều tra. Đơn cử như mặt hàng tủ bếp sau 2 năm Trung Quốc bị áp thuế, Mỹ đã điều tra tương tự với mặt hàng tủ bếp xuất khẩu từ Việt Nam.
Do vậy, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam mong muốn cơ quan chức năng như Cục Phòng vệ thương mại, VCCI tổ chức các khóa tập huấn ngắn hạn để giúp DN chủ động ứng phó với các cáo buộc trên, tránh tình trạng vụ việc lấy ý kiến điều tra chỉ diễn trong thời gian ngắn nhưng DN không có phản hồi thông tin kịp với phía cơ quan chức năng ở thị trường yêu cầu, dẫn tới bị cáo buộc không hợp tác, không phản hồi thì rất nguy hiểm.
Đứng trước nguy cơ gian lận thương mại, Bộ Công Thương đã ban hành Đề án 824, trong đó đưa ra danh mục mặt hàng có nguy cơ bị Mỹ và EU đánh thuế phòng vệ thương mại, bà Hương cho hay: VCCI sẽ căn cứ để giám sát, đưa ra quy trình kiểm tra. Tuy nhiên, bà cũng chia sẻ thẳng thắn là cơ quan chức năng không có đủ nguồn lực để giám sát 24/24.
“Quá trình cấp C/O cho doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam, chúng tôi luôn khuyến nghị các doanh nghiệp cần giải trình đúng đủ điều kiện của thị trường nhập khẩu, chịu trách nhiệm với chứng nhận C/O của mình. C/O được cấp rồi, hàng được thông quan nhưng không thể quá vui mừng vì các nước quy định lưu giữ các chứng nhận xuất xứ này 3 năm và Việt Nam là 5 năm”, bà Hương khuyến cáo.
Trong khi đó, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), khuyến nghị trong thời gian tới, để ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại và thuế lẩn tránh, các DN cần có kế hoạch, chiến lược trong việc đầu tư quy mô và dây chuyền sản xuất. Đối với các DN có đủ tiềm lực thì đầu tư có chiều sâu để sản xuất ra các nguyên phụ liệu cho sản phẩm xuất khẩu đi. Với DN nhỏ, có thể tìm kiếm doanh nghiệp ở tại thị trường Việt Nam có khả năng sản xuất ra nguyên phụ liệu là bộ phận để sử dụng vào hàng hóa cuối cùng của DN xuất khẩu đi. Nói chung, các DN xuất khẩu của Việt Nam phải sử dụng nhiều hơn nữa các nguyên phụ liệu xuất khẩu tại Việt Nam.