Cô bạn thân của tôi vừa điện thoại khoe thành tích bán hàng online với doanh số hàng trăm sản phẩm mỗi ngày. Doanh thu hằng tháng không thua kém lúc bán hàng trực tiếp, thậm chí còn hơn. Trái với sự phàn nàn, lo lắng vì những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh mà bạn chia sẻ với tôi trước đây thì bây giờ cô ấy bình thản bảo: “Thích nghi với hoàn cảnh mới tồn tại được”. Bài học này không mới nhưng có thể thấy trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp thì thích ứng là điều buộc phải làm.
Xuất hiện từ năm 2019, dịch Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân trên toàn cầu. Trải qua một thời gian dài phải đối phó với dịch bệnh, cụm từ “sống chung với lũ” được nhiều người thường xuyên đề cập đến để nhắc nhở nhau cùng vượt qua những khó khăn, bí bách do dịch bệnh mang lại.
Khi dịch Covid-19 xuất hiện lần đầu tiên ở Hải Dương không ít người lo lắng. Đã có thời điểm Hải Dương là tâm dịch, phải giãn cách xã hội nhiều ngày. Nhà máy, xí nghiệp phải ngừng hoạt động, học sinh không được đến trường... Sự thay đổi đột ngột này đã làm không ít người có những hành vi tiêu cực như trốn khỏi khu phong tỏa, lén lút tập thể dục, bán hàng tại chỗ khi đang bị cấm... Thậm chí có người còn đóng cửa cố thủ trong nhà hàng tiếng đồng hồ, không chịu đi cách ly, điều trị khi biết mình bị nhiễm SARS-CoV-2.
Trải qua 4 đợt dịch với không ít khó khăn, người dân trong tỉnh đã học được cách thích ứng, không còn lo lắng như những ngày đầu. Hầu hết mọi người đều sẵn sàng đối mặt với tình huống bất khả kháng khi nơi mình đang ở, đang làm việc bị cách ly, phong tỏa, thậm chí bản thân mình có thể trở thành F1 rồi F0 bất cứ lúc nào. Trong mỗi đợt dịch, nhiều cách làm sáng tạo để thích ứng đã xuất hiện. Chẳng hạn việc tổ chức học trực tuyến, hội nghị trực tuyến, làm việc tại nhà… vừa an toàn vừa đỡ tốn kém. Rồi giãn cách xã hội, nhà nào ở nhà đó. Mỗi người phải thay đổi thói quen tụ tập bạn bè, vui chơi, giải trí, sinh hoạt… Ngay cả trong sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã linh hoạt thực hiện “3 tại chỗ”, có nơi lại cho người lao động làm việc luân phiên, nghỉ giãn cách vừa để phòng dịch, vừa tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh...
Ngay trong ý thức, người dân cũng biết cách thích nghi. Đó là thói quen thực hiện 5K ở bất cứ đâu. Khẩu trang đã thành vật bất ly thân khi ra ngoài và sẵn sàng tiêm vaccine khi đến lượt. Ở mỗi địa phương, những thành viên tổ “Covid cộng đồng” thường xuyên đến nhà hỏi han sức khỏe, nhắc nhở, giám sát người dân phòng chống dịch. Những gian hàng “0 đồng”, “ATM gạo" lần lượt xuất hiện. Những người thân của lực lượng tuyến đầu chống dịch cũng đã dần quen với cảnh con xa bố mẹ, vợ chồng xa nhau, sẵn sàng nhận nhiệm vụ bất kỳ lúc nào...
Dịch Covid-19 ở Hải Dương tạm thời được kiểm soát. Nhiều ngày trong tỉnh không có ca mắc mới. Nhiều địa phương đã nới lỏng một số điều kiện để người dân có thể vừa phòng dịch, vừa sản xuất. Hải Dương cũng đang tăng tốc tiêm vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng. Tất cả những cố gắng đó nhằm thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”. Đây cũng là cách tốt nhất để thích ứng với tình hình diễn biến của dịch Covid-19 còn phức tạp và cuộc chiến với dịch bệnh này có thể còn kéo dài./.