Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Internet
Văn hóa không chỉ chứa đựng giá trị mang tính lịch sử, mà còn đóng vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự nghiệp bảo tồn và thúc đẩy di sản văn hóa. Ngày 23/11/1945, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh 65/SL bảo tồn tất cả các cổ tích trong toàn cõi Việt Nam.
Có bản lĩnh không sợ bị hòa tan
Trong nhịp sống hiện đại, di sản văn hóa thể hiện rõ vai trò và vị thế quốc gia. Sự đặc sắc của nền văn hóa là bệ phóng cho việc phát triển toàn diện, mọi mặt của đất nước. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa là nhiệm vụ quan trọng gắn liền với các cấp quản lý và mỗi công dân.
Tuy vậy, bởi nhiều yếu tố mà việc đầu tư cho văn hóa chưa xứng tầm. Nhiều di tích lịch sử văn hóa xuống cấp mà chưa có nguồn lực tài chính để duy tu, bảo vệ trước thách thức của thời gian và thời tiết.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội còn nhận định: Không chỉ việc đầu tư cho văn hóa chưa xứng tầm, nhiều thiết chế văn hóa hiện nay chưa được khai thác đầy đủ - nhiều nhà văn hóa, thư viện, bảo tàng chưa phát huy hết hiệu quả, chưa trở thành điểm quy tụ người dân tham gia sinh hoạt văn hóa. Điều này là vô cùng lãng phí khi chúng ta đã có những đầu tư nhất định để xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở.
Ông Sơn cho biết, chỗ này chỗ kia còn có nhiều cán bộ văn hóa chưa đảm đương được nhiệm vụ, nhiều văn nghệ sĩ chưa ý thức được trách nhiệm bản thân - xã hội - đạo đức. Chính vì thế, chúng ta gặp nhiều vấn đề trong phát triển văn hóa, khi mong muốn đội ngũ văn hóa phải là tấm gương, hình mẫu phát triển văn hóa.
Bất kỳ đất nước nào, dân tộc nào trong quá trình phát triển cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Việt Nam phải trải qua nhiều biến cố lịch sử, nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt, nhưng yếu tố văn hóa luôn hiện hữu trong đời sống xã hội.
Việc chấn hưng văn hóa khi khó khăn qua đi, hay trong cuộc sống hiện tại là nhiệm vụ cấp thiết. Việt Nam với bản sắc riêng, xây dựng hệ giá trị quốc gia - gia đình - con người. Bất kỳ con người, cộng đồng nào khi định hướng giá trị để theo sẽ không lạc hướng, phân tâm bởi những biến cố khác.
“Sức mạnh tổng hợp quốc gia giúp chúng ta có bản lĩnh văn hóa trong thế giới hội nhập. Khi xác định được bản lĩnh của mình, chúng ta không sợ bị hòa tan”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
Hiện thực hóa các hệ giá trị
“Văn hóa và con người chính là mục đích phát triển của bất kỳ quốc gia nào. Kinh tế có thể là phương tiện, nhưng văn hóa và con người chắc chắn phải là mục đích cho sự phát triển của đất nước thì sự phát triển mới bền vững”. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Ngày 24/11, Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ trì tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc bằng hình thức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố và một số bộ, ngành. Sự kiện đáp ứng mong mỏi của những người yêu mến văn hóa, nghệ thuật và những người làm nghề văn hóa, nghệ thuật.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc được ví như một Hội nghị Diên Hồng của lĩnh vực văn hóa. Đó cũng là nơi để những người yêu mến văn hóa đưa ra ý kiến tâm huyết, hiến kế cho sự phát triển văn hóa - nghệ thuật.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - nhận định: 35 năm đổi mới, văn hóa của chúng ta đã có nhiều sự thay đổi lớn, chuyển trạng thái từ cứu quốc sang kiến quốc, văn hóa là mặt trận - “văn nghệ sĩ là chiến sĩ”.
Những tư tưởng và thông điệp đó đã tạo nên sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn để đội ngũ văn nghệ sĩ làm ra những ca khúc, bộ phim, vở kịch, bài thơ, tiểu thuyết... truyền cảm hứng, hình thành nên sức mạnh Việt Nam.
Hiện thực hóa các hệ giá trị của con người Việt Nam trong thời đại mới. Ảnh minh họa: internet
Hội nghị Văn hóa toàn quốc cách đây 75 năm tới nay vẫn nguyên giá trị: Khi Đảng và Nhà nước lắng nghe ý kiến của văn nghệ sĩ, các tổ chức văn hóa nghệ thuật. Khi văn nghệ sĩ và các tổ chức văn hóa cảm nhận thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với những tâm tư, nguyên vọng - đó là lúc văn hóa nghệ thuật có cơ hội đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Thời gian qua, Việt Nam đã bắt đầu thực hiện chiến lược công nghiệp văn hóa. Khởi đầu chưa thực sự tốt, nhưng đã thể hiện một môi trường có nền công nghiệp văn hóa năng động, nhiều sáng tạo và đậm đà bản sắc.
Một số bộ phim được trình chiếu ở các liên hoan phim quốc tế và đem về những giá trị nghệ thuật được khẳng định. Nhiều cuốn sách mang tư tưởng và giá trị sống tích cực được lan tỏa. Nhiều hoạt động triển lãm mang tầm vóc quốc tế được triển khai, để lại dấu ấn Việt Nam tốt đẹp với thế giới.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc – một “Hội nghị Diên Hồng” là diễn đàn để lắng nghe và là dịp cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa trong và ngoài nước tạo thành mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hiện thực hóa các hệ giá trị của con người Việt Nam trong thời đại mới./.
Theo Giáo dục và Thời đại