Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (họp từ ngày 27/1 đến 11/2/1972) có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong việc đề ra chủ trương nhằm lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Hoa Kỳ; góp phần đưa cuộc kháng chiến giành được bước thắng lợi quan trọng, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn
Chủ trương của Đảng
Bước vào đầu năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đã giành được những thắng lợi có ý nghĩa quan trọng trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao. Phối hợp chiến đấu với quân dân Lào và Campuchia, quân dân Việt Nam đã làm phá sản một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ và “Học thuyết Ních- xơn” ở Đông Dương.
Lực lượng cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển lớn mạnh. Phong trào cách mạng đã có một bước chuyển biến mới và ngày càng nhận được sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ.
Ở hậu phương miền Bắc, nhân dân đã nắm vững nhiệm vụ hàng đầu là chống Mỹ, cứu nước, luôn luôn cố gắng chi viện đầy đủ và kịp thời sức người, sức của cho tiền tuyến; đồng thời, đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, tăng cường lực lượng kinh tế và quốc phòng, sẵn sàng chiến đấu làm thất bại những cuộc tập kích đánh phá bằng không quân và hải quân của Mỹ.
Trong bối cảnh đó, để kịp thời đề ra chủ trương lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc nhằm đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới; từ ngày 27/1 đến 11/2/1972, Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Trung ương họp và thông qua Nghị quyết Về nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ kinh tế năm 1972.
Đối với nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước, Hội nghị nhất trí khẳng định: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta hiện nay là cuộc kháng chiến vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Thắng lợi của nó không những có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của dân tộc Việt Nam, đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của các dân tộc ở Đông Dương, mà còn góp phần tích cực bảo vệ phe xã hội chủ nghĩa và thúc đẩy phong trào cách mạng thế giới. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng, nhân dân ta đã tỏ ra xứng đáng với sứ mệnh lịch sử của mình.
Các đồng chí trong Bộ Tư lệnh chiến dịch Trị-Thiên năm 1972 (Ảnh tư liệu)
Hội nghị cũng nhận định tình thế trên chiến trường: Mỹ đã buộc phải rút khoảng 40 vạn quân về nước, để lại một bộ phận lục quân, một bộ phận quan trọng không quân và hải quân Mỹ, đồng thời ráo riết tăng cường lực lượng quân đội Sài Gòn, cũng như quân đội Phnôm Pênh và quân đội Viêng Chăn. Lực lượng quân sự của địch trên chiến trường nói chung đã giảm sút về số lượng và ngày càng sa sút về tinh thần; ngụy quyền ngày càng bị cô lập, mâu thuẫn nội bộ gay gắt, chính trị khó khăn, kinh tế sút kém, và ngày càng bị nhân dân chống đối quyết liệt. Chính quyền Nixon càng tiếp tục kéo dài chiến tranh xâm lược ở Đông Dương thì càng bị thất bại nặng hơn và càng gặp những khó khăn mới về mọi mặt ở nước Mỹ và trên thế giới. Nhìn chung, thế và lực so sánh giữa ta và địch, diễn biến cơ bản của tình hình là ta đang ở thế thắng, thế chủ động, thế thuận lợi, thế đi lên; địch đang ở thế thua, thế bị động, thế khó khăn, thế đi xuống.
Trên cơ sở đó, Hộ nghị đề ra nhiệm vụ cần kíp của toàn Đảng toàn quân và toàn dân ta trong giai đoạn hiện nay là: Với tinh thần kiên trì kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, phải động viên toàn lực, cố gắng vượt bậc, anh dũng tiến lên đẩy mạnh cuộc kháng chiến; đoàn kết phối hợp chiến đấu chặt chẽ với quân và dân Lào, quân và dân Campuchia anh em, đánh bại chính sách "Việt Nam hoá chiến tranh" của Mỹ, đánh bại "học thuyết Níchxơn", giành thắng lợi to lớn hơn nữa cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Lập trường cơ bản của nhân dân ta về việc giải quyết vấn đề Việt Nam là: đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược ở miền Nam, chấm dứt chính sách "Việt Nam hoá chiến tranh", chấm dứt các hoạt động không quân, hải quân và mọi hoạt động quân sự khác chống nhân dân ta ở cả hai miền, rút hết quân đội, cố vấn, nhân viên quân sự của Mỹ và chư hầu của Mỹ ra khỏi miền Nam; huỷ bỏ các căn cứ quân sự của Mỹ ở miền Nam; phải thật sự tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, chấm dứt sự ủng hộ ngụy quyềcq Sài Gòn, xoá bỏ bộ máy áp bức, kìm kẹp của chúng để mở đường cho việc thành lập một Chính phủ hoà hợp dân tộc rộng rãi, có nhiệm vụ tổ chức tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ ở miền Nam.
Cuộc tiến công chiến lược 1972
Quán triệt sâu sắc chủ trương nghị quyết Hội nghị 20 Ban Chấp hành Trung ương với tinh thần đẩy mạnh cuộc kháng chiến, ngày 11/3/1972, Thường vụ Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết về kế hoạch mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Đến ngày 28/3/1972, Nghị quyết của Thường vụ Quân ủy Trung ương được Bộ Chính trị nhất trí thông qua. Kế hoạch tiến công chiến lược năm 1972 được xác định bắt đầu từ cuối tháng 3, hướng tiến công chiến lược chủ yếu là chiến trường Trị-Thiên, phối hợp với các chiến trường khác ở Tây Nguyên, Khu V và Đông Nam Bộ, hình thành một cuộc chiến công chiến lược trên toàn miền Nam.
Quân giải phóng chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị (Ảnh tư liệu)
Ngày 30/3/1972, quân Giải phóng miền Nam bắt đầu đồng loạt tiến công Đường số 9-Trị Thiên và phía Bắc Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Tại chiến trường Trị-Thiên, quân ta liên tục mở những trận hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, áp đảo tiến công thẳng vào các tuyến phòng ngự của địch ở vòng ngoài; phá vỡ tuyến phòng ngự của địch ở Đường 9, giải phóng hoàn toàn 2 huyện Do Linh và Cam Lộ, chiếm lĩnh bàn đạp phía Bắc và phía Tây tỉnh Quảng Trị, tăng sức ép đối với địch ở phía Tây thành phố Huế.
Ngày 1/4/1972, quân ta tiến công ở miền Đông Nam Bộ và khu V. Tại chiến trường Đông Nam bộ, quân ta tiến công liên tục, phá vỡ tuyến phòng ngự biên giới của địch, giải phóng 3 huyện là Lộc Ninh, Bù Đốp, Thiện Ngôn; chiếm lĩnh bàn đạp biên giới miền Đông Nam Bộ, chia cắt đường số 13, uy hiếp thị xã An Lộc thuộc tỉnh Bình Long.
Tại chiến trường Trung Bộ và cực Nam Trung Bộ, quân ta tiến công mạnh mẽ Bắc Quảng Nam, Bắc Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Tuyên Đức; giải phóng phần lớn tỉnh Bình Định và nhiều nơi khác.
Trước những đòn tiến công bất ngờ dồn dập của quân ta, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn phải rút bỏ các tuyến phòng ngự bên ngoài. Thừa thắng, ngày 27/4, quân ta mở cuộc tấn công lần thứ hai, đánh thẳng vào khu vực phòng ngự của địch ở Đông Hà, Ái Tử, La Vang và các mặt trận khác ở Quảng Trị. Sau 5 ngày chiến đấu, ta đã diệt cụm cứ điểm Đông Hà, Ái Tử, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị và ba xã thuộc huyện Hướng Điền tỉnh Thừa Thiên.
Ở Tây Nguyên, sau khi tiến công vào phía Tây sông Pô-cô, đánh thiệt hại nặng Lữ đoàn dù Việt Nam Cộng hòa số 2, uy hiếp phía Bắc Kon Tum, ngày 28/4, quân ta tiến công phá vỡ tuyến phòng thủ của địch ở Đắc Tô-Tân Cảnh, cửa ngõ phía Bắc Tây Nguyên, giải phóng hoàn toàn phía Bắc tỉnh Kon Tum và một số vùng ở Pleyku. Trên chiến trường Nam Bộ, phát huy thắng lợi ở Sa Mát, Thiện Ngôn, quân ta tiếp tục đánh vào khu trung tâm thông tin của địch ở núi Bà Đen và các căn cứ dọc đường số 22 và đường số 13; phá vỡ tuyến phòng thủ Tây Ninh-Bình Long của địch, giải phóng hoàn toàn thị xã Lộc Ninh.
Đến cuối tháng 6/1972, sau gần 3 tháng tiến công chiến lược, quân ta tiêu diệt và bắt sống khoảng 20 vạn tên (bằng một nửa số quân trong số 13 sư đoàn chủ lực của địch); giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, phần lớn tỉnh Kon Tum, phía Bắc tỉnh Bình Định và nhiều nơi khác ở đồng bằng Khu 5, Tây Nguyên và Nam Bộ. Hơn một triệu dân từ Quảng Trị đến Cà Mau được hoàn toàn giải phóng.
Từ Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến cuộc tiến công chiến lược năm 1972 đã thể hiện rõ sự lãnh đạo đúng đắn và tầm nhìn chiến lược của Đảng, trong việc đề ra chủ trương phù hợp với hoàn cảnh lịch sử và lãnh đạo thắng lợi nhiệm vụ cách mạng đề ra.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc tiến công chiến lược năm 1972 đã giành thắng lợi to lớn, làm chuyển biến căn bản cục diện chiến tranh. Từ chỗ mất địa bàn sau năm 1968, bộ đội chủ lực của ta đã đứng vững trên những địa bàn quan trọng ở miền Nam; bộ đội địa phương và dân quân du kích phát triển mạnh mẽ. Cuộc tiến công chiến lược của quân giải phóng miền Nam đã giáng đòn mạnh mẽ vào chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Hoa Kỳ.
Nhẫn Trần
----------------------
Tài liệu tham khảo
1. Các Đại hội đại biểu toàn quốc và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2011), Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011.
2. Bộ Quốc phòng-Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, tập II, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1994.
3. Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 11, 1954-1975, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.