Một hình thức thâm độc, dã man trong chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” là “tống tà ma cộng sản”. Địch bắt cán bộ, đảng viên bỏ vào một chiếc bao rồi buộc túm hai đầu, đặt trên một chiếc ghế để trong căn phòng tối tăm, khói hương nghi ngút rồi cồng chiêng, trống gõ lên inh ỏi. Một tên cai ngục dùng gương đánh vào bao tải rồi phun dầu hỏa châm đốt. Nhiều đồng chí bị phỏng cả người bởi trò tra tấn dã man này.
Ngoài ra, địch còn bắt tù nhân uống các thứ nước dơ bẩn, cho ăn cơm thiu trộn lẫn cát sạn hoặc nấu cơm bằng nước muối, cấp nước uống không quá một lon sữa bò mỗi ngày cho một người. Chúng không cho tù nhân giặt giũ, tắm rửa trong nhiều tháng liền để các bệnh ngoài da phát sinh. Dã man hơn, địch còn đóng đinh vào đầu móng tay, đổ nước xà phòng vào mũi, miệng, treo ngược tù nhân lên trời làm trò nhảy dù, kéo đi quanh nhà lao, giẫm lên ngực tù nhân, dùng kẹp để kẹp các đầu ngón tay của người tù; đào hố để chôn sống tù nhân, cắm điện vào lỗ tai, đổ xăng vào người đốt, đánh đập bằng dùi cui, củi khúc, báng súng, dây xích sắt, roi mây…
Các hình thức tra tấn dã man của địch hầu như không đem lại kết quả, chúng chuyển sang dùng hình thức tác động tâm lý, dụ dỗ, mua chuộc tù nhân bằng những từ mỵ dân hòng khuất phục, lôi kéo người tù “quay về với chính nghĩa quốc gia”. Chúng dựng lên một tương lai xán lạn với bao điều tốt đẹp nhằm dụ dỗ tù nhân yêu nước từ bỏ lý tưởng cách mạng[1].
Những âm mưu thâm độc của địch vẫn không khuất phục được tù nhân yêu nước, bị anh em tù nhân vạch mặt. Cuối cùng, chúng dùng chiêu bài thả tù nhân rồi tìm cách thủ tiêu hoặc đày tù nhân đi nhà tù khắc nghiệt hơn như Chín Hầm, Lao Thừa Phủ, Côn Đảo… Ngày 17-5-1957, chúng đày 50 tù chính trị ra Côn Đảo; ngày 18/7/1956 , địch lại chuyển 300 tù chính trị thuộc diện cấm cố ở nhà lao Thông Đăng ra nhà lao Kho Đạn – Đà Nẵng vào ngày 25-7-1957, chúng tiếp tục đưa 175 tù chính trị ra nhà tù Côn Đảo.
Di tích Nhà tù Phú Lợi, Bình Dương, từng giam giữ hàng nghìn người trong những năm 1954-1960
Đấu tranh chống tố cộng tại nhà lao Quảng Trị, Nha Trang
Ngày 10-3-1956, tên Võ Văn Thuận dùng phần tử tay sai thuộc Đảng Đại Việt bày trò “tố cộng” trong nhà lao. Tù nhân ở các sam, cả tù nhân kinh tế, tù chính trị, tù Đại Việt-tất cả trên 1.000 người bị lùa hết ra sân (cách xà lim khoảng 20m). Một số sĩ quan Đại Việt hô hào “tố cộng”, yêu cầu tố những Việt cộng đã nằm trong xà lim. Chúng huênh hoang đọc cáo trạng các hoạt động của Việt cộng trong nhà lao, yêu cầu tù nhân tố giác thêm. Tất cả anh chị em tù chính trị lẫn kinh tế đều im lặng, lòng hết sức căm phẫn.
Sau đó, lính Đại Việt biết gì tố nấy. Chúng bắt nhiều anh chị em ra vừa tố vừa đánh đập túi bụi. Chẳng hạn, chúng tố các anh, chị Nguyễn Thị Chắt, Nguyễn Thị Thí, Trần Thị Toàn, chị Nuôi, Nguyễn Phệ, Nguyễn Văn Hào về tội tiếp tế cho Việt cộng nằm trong xà lim. Trong đó, chị Nuôi thường tiếp tế thức ăn nên bị đánh nhiều hơn cả; anh Hào bị đánh đến hộc máu… Địch tự tay xé cờ Đảng ta trước mặt anh em tù nhân và tuyên bố không theo Cộng sản, bởi lần trước chúng bức ép một số đồng chí xé cờ nhưng không ai thực hiện. Tất cả đều im lặng, chỉ có chúng đạo diễn với nhau, buổi “tố cộng” trở nên vô nghĩa, chúng đành giải tán. Những đồng chí nằm trong xà lim hết sức vui mừng, thêm tin tưởng vào sức mạnh đoàn kết, kiên cường của tù nhân chính trị.
Tại nhà lao Nha Trang, chúng bắt học tập cải huấn, anh chị em công khai chống lại. Chẳng hạn như khi chúng thuyết trình tài liệu “Chủ nghĩa nhân vị - duy linh” nhằm phản bác lại “Chủ nghĩa duy vật biện chứng”. Lập tức một cuộc đấu lý diễn ra gay gắt giữa bọn cải huấn và anh chị em tù chính trị. Khi mà chúng nêu: “tinh thần là nền tảng, tinh thần quyết định vật chất”. Nhiều anh chị em tù chính trị hỏi lại: “Thưa ông, nói tinh thần là quyết định, sao quốc gia không lấy tinh thần để chiến thắng cộng sản, mà phải nhờ vào đô la súng ống của Hoa Kỳ?”[2]. Lý lẽ sắc bén của tù nhân là kẻ địch đuối lý, không trả lời được.
Tóm lại, với chính sách "tố cộng, diệt cộng" trong các trại giam của địch trên địa bàn miền Trung, Tây Nguyên trong giai đoạn từ 1955-1959, đã gây tổn thất to lớn cho cách mạng. Do những đòn tra tấn dã man cộng với chế độ giam giữ khắc nghiệt, hầu hết tù nhân yêu nước bị mắc các bệnh: phù thủng, thương hàn, kiết lỵ hoặc bị liệt cả người. Trong thời gian cao điểm của chiến dịch “tố cộng”, trong các nhà tù của địch có ngày số tù nhân chết lên đến 12-13 người, xác không kịp chôn. Ví dụ như ở nha lao Thông Đăng, chỉ riêng tháng 3-1957 , trong nhà lao đã có hơn 300 người chết, mà nguyên nhân hầu hết là do những đòn tra tấn. Mặc dù với những thủ đoạn tra tấn, dã man, tàn bạo đối với những người cộng sản trong các trại giam, nhưng anh chị em vẫn kiên quyết cường đấu tranh bảo vệ khí tiết người cộng sản.
Đấu tranh chống chào cờ “ba que”, chống hô khẩu hiệu phản động, chống chiêu hồi
Trong các nhà tù trại giam của ở miền Trung, Tây Nguyên, hằng ngày, địch bắt tù nhân phải chào cờ ba que[3]. Anh em tù nhân ở các trại giam trên địa bàn miền Trung, Tây Nguyên dùng nhiều hình thức để đấu tranh chống chào cờ, hô khẩu hiệu phản động như: gây ồn ào, làm mất trật tự trong lúc chào cờ, rồi vận động bọn lính trực buổi sáng mở cửa trễ, kéo dài thời gian làm vệ sinh cá nhân để làm trễ giờ chào cờ. Sau nhiều lần đấu tranh khôn khéo, âm mưu của địch trong việc bắt tù nhân chào cờ vào buổi sáng bị thất bại.
Tại Nhà lao Quảng Trị, đến cuối năm 1968, tù nhân chính trị tại nhà lao có khoảng 500 người, trong đó, khoảng 150 nữ. Tù chính trị nam chủ yếu bị giam ở phòng 3, phòng 2 giam giữ bộ đội, du kích. Phòng 1 có một số tù tư pháp. Phòng 4 là tù nhân chính trị nữ.
Quản đốc nha lao vẫn bắt tù nhân chào cờ vào buổi sáng, hô khẩu hiệu tại phòng ăn. Khoảng 4 giờ chiều, chúng lập một đội tuyên truyền đi quanh trại ca hát và hô khẩu hiệu. Mọi quyền lợi dân sinh dân chủ mà tù nhân đấu tranh giành được từ trước hoàn toàn bị thủ tiêu. Việc đánh đập vô cớ, bắt ăn cơm phạt, nhốt xà lim thường xuyên xảy ra. Chế độ ăn uống do tù tư pháp cai quản nên bị bớt xén nhiều, rất tồi tệ.
Tượng đài "bất khuất" tại Di tích trại giam nữ tù binh Phú Tài, Bình Định
Ở phòng 2 có đồng chí Như Sang là bộ đội bị bắt. Khi mấy tên trật tự tập hợp tù nhân ra sân chào cờ, anh trả lời thản nhiên: “tôi là bộ đội chính quy miền Bắc, tôi không chào cờ các ông”. Lập tức địch chuyển đi nơi khác, nhưng tinh thần của anh đã tác động nhiều đối với tù chính trị, nhất là các thanh niên. Nhiều tù nhân chính trị noi gương đồng chí Sang không chào cờ, không hô khẩu hiệu bằng cách giả ốm, báo ăn cháo tại phòng để khỏi ra sân vào mỗi buổi sáng và không xuống phòng ăn. Tuy cách làm này không đạt kết quả cao, vì mang tính tự phát và lẻ tẻ, nhưng qua đó, có thể nắm được lực lượng trung kiên. Tháng 12-1968, địch thanh lọc đưa đi trại giam tù binh Non Nước 50 người. Tuy lực lượng trung kiên có giảm, nhưng những đảng viên trẻ tuổi vẫn không nao núng. Các anh đã gặp gỡ bàn bạc, phân công nhau tìm hiểu tâm tư, tình cảm của anh chị em, nhằm tổ chức cuộc đấu tranh mới. Lúc đầu, các anh móc nối với những đồng chí đã cùng hoạt động ở bên ngoài, sau đó lan truyền qua nhiều người khác. Nắm được chủ trương chung, phần lớn anh chị em tù chính trị phấn khởi. Sau khi thống nhất hành động, các anh quyết định phát động phong trào ăn cháo chống chào cờ và ngày càng có nhiều người hưởng ứng. Khi phong trào đã lan rộng, các anh dự định đưa các cuộc đấu tranh chống chào cờ, hô khẩu hiệu lên một bước, bằng hình thức tuyệt thực toàn bộ, thời gian kéo dài từ 3 đến 5 ngày vào đầu tháng 4/1969. Công tác chuẩn bị vật chất cho cuộc đấu tranh được tiến hành khẩn trương, mọi người phân công nhau chuẩn bị đường, sữa và thuốc chữa bệnh. Nội dung của cuộc đấu tranh là:
Tăng khẩu phần ăn hằng ngày, cho nhân chính trị được đi chợ.
Thả tù nhân bị nhốt xà lim để khỏi bại liệt.
Không hô khẩu hiệu tại bàn ăn.
Không được đánh đập tù nhân vô cớ.
Không cho tù nhân tư pháp đàn áp tù chính trị.
Bỏ chào cờ.
Khi địch chấp nhận cho tù nhân đi chợ, thả một số tù nhân ở xà lim và bỏ hô khẩu hiệu tại bàn ăn, cuộc đấu tranh mới kết thúc.
Yêu cầu đặt ra là phòng nào tự quản lý phòng đó để bảo vệ lực lượng. Riêng phòng 1 có tù tư pháp, nếu chúng đàn áp thì tổ chức đánh trả. Nếu địch bắt một số ra tra tấn thì sẵn sàng nhận là người đứng ra tổ chức, không để chúng đánh phá phong trào.
Cùng lúc đó, diễn ra cuộc đấu tranh của một số thanh niên mãn hạn tù chống đi lính “quốc gia”. Ở xà lim, tù nhân đấu tranh chống ăn cơm phạt. Những cuộc đấu tranh đó càng thúc giục tù chính trị vùng lên chống lại cai ngục. Trong số những người bị tra tấn, nặng nhất là đồng chí Nguyễn Văn Quốc vì địch biết anh là người tổ chức cuộc đấu tranh. Sau ba ngày tra khảo không thu được kết quả, địch đưa anh cùng nhiều người khác nhốt xà lim. 20 ngày nằm xà lim ăn cơm phạt, anh em động viên nhau gắng sức chịu đựng, lạc quan tin tưởng. Đến ngày 24/4/1969, địch đưa 100 người, trong đó có đồng chí Quốc vào trại giam tù binh Vùng I và đày đi nhà tù Phú Quốc.
Cuộc đấu tranh không thực hiện được nhưng đã tỏ rõ ý chí và khí thiết của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng tại nhà lao Quảng Trị. Nó đã chứng minh rằng, cán bộ, đảng viên, quần chúng cách mạng trong những lúc khó khăn nhất vẫn đoàn kết chống lại âm mưu, thủ đoạn của địch, rèn luyện thêm bản lĩnh cách mạng và để lại những kinh nghiệm quý cho các cuộc đấu tranh tiếp theo.
Tại trại giam tù binh nữ Phú Tài, mỗi buổi sáng trước khi điểm danh, bọn địch đều bắt chị em chào “cờ ba que”, chị em kiên quyết không chào, dùng lý để đối đáp với chúng: "Chúng tôi không chào cờ ba que của các ông vì chúng tôi chỉ có một lý tưởng đánh Mỹ đến cùng dưới ngọn cờ Mặt trận, không biết chào cờ của các ông. Thà chết tại đây, dứt khoát chúng tôi không chào cờ ba que".
Với lý lẽ sắc bén của chị em, tên Thiếu tá Cầu (Chỉ huy trưởng trại giam từ năm 1967 đến năm 1969) phải hạ giọng giải thích: "Lý tưởng của các chị, các bà thì các bà tôn thờ, lý tưởng của chúng tôi thì chúng tôi thờ. Nhưng chúng tôi yên cầu với các bà là đến giờ đó, các bà không gây rối, không làm mất trật tự. Các bà không tôn trọng nó thi xem nó như chiếc chiếu treo trên đó, không coi nó như một lá cờ thì có gì phải bị đánh đập".
Chị em trả lời: “Thiếu tá nói chị em chúng tôi xem nó như chiếc chiếu cũng được, như vậy chị em chúng tôi có đề nghị từ nay trở đi, chị em chúng tôi tập hợp tại sân điểm danh, chúng tôi không đứng nhìn về hướng cờ ”.
Những lần sau đó, kẻ địch lờ đi, không bắt chị em chào cờ nữa, song chúng lại bắt chị em học nội quy chào "kính" mỗi khi gặp chúng. Chị em khẳng khái trả lời "Chúng tôi là những người dân Việt Nam yêu nước, những người cách mạng, chúng tôi rất hiểu phép lịch sự của con người, chúng tôi biết lễ phép, chào kính với những người cùng lý tưởng với chúng tôi. Còn những kẻ nào không cùng lý tưởng, chúng tôi không chào kính gì hết…
Nhận định đúng âm mưu thâm độc của kẻ thù, anh chị em tù chủ trương chống địch đúng mức, đúng phương pháp, theo chỉ đạo của Đảng, nên các cuộc đấu tranh chống chào cờ, chống chiêu hồi đều thắng lợi.
[1]Chúng bắt cán bộ, đảng viên đứng thành hai hàng rồi chỉ vào một cái hố đào sẵn sâu hút mà chúng cho là con đường tử và phía trước cái hố là cảnh nhà lầu, oto, gái đẹp mà chúng cho là con đường sinh. Chọn con đường sinh thì phải giẫm lên cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm và ảnh Bác Hồ.
[2] Ban Liên lạc tù chính trị tỉnh Khánh Hòa: Những bài ca viết sau song sắt, xuất bản năm 2001, tr.158
[3] Cờ vàng với 3 sọc đỏ của chính quyền Sài Gòn.
Kim Dung