Có lẽ chưa bao giờ công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng được đẩy mạnh như hiện nay. Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong mấy năm qua và đang tiếp diễn đã thực hiện phương châm “xử lý một người để cảnh tỉnh nhiều người” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu. Đó cũng chính là thực hiện điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói từ 70 năm trước
Cách đây 70 năm, ngày 22/8/1954, trong bài viết “Phải theo đúng kỷ luật Đảng” đăng trên báo Nhân Dân, với bút danh CB, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ kỷ luật của Đảng phải thực hiện: “Kỷ luật nghiêm, để bảo đảm tư tưởng nhất trí và hành động thống nhất của toàn Đảng, toàn dân”[1].
Hơn 90 năm Đảng ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành nhiều thắng lợi to lớn, có bước ngoặt lịch sử, cùng với những thành tựu đạt được, Đảng, trong đó là đội ngũ cán bộ, đảng viên không tránh khỏi những hạn chế, khiếm khuyết. Bài viết của Người cùng với sự chỉ đạo về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kỷ luật Đảng, đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, là kim chỉ nam hành động cho cán bộ, đảng viên rèn luyện, tu dưỡng
Kỷ luật Đảng phải nghiêm minh
Thực tiễn lịch sử đã chứng minh và khẳng định rằng, Đảng không thể tồn tại và lãnh đạo nhân dân giành lấy chính quyền, giữ vững chính quyền nếu không có kỷ luật nghiêm minh.
Từ khi thành lập đến nay, Đảng luôn luôn coi trọng vấn đề kỷ luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng phải giữ kỷ luật rất nghiêm từ trên xuống dưới”[2]. Kỷ luật của Đảng là tổng thể những điều đã được quy định trong Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận, hướng dẫn của Đảng có tính chất bắt buộc đối với hoạt động của mọi tổ chức đảng và đảng viên nhằm bảo đảm sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, tổ chức trong toàn Đảng.
Kỷ luật của Đảng là kỷ luật dựa trên tình đồng chí, kỷ luật của những người cùng chung một lý tưởng, tự nguyện đứng trong hàng ngũ Đảng, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của giai cấp công nhân, của dân tộc. Mọi đảng viên và tổ chức đảng liên kết với nhau theo một kỷ luật chung dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ, sự thống nhất chặt chẽ về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Kỷ luật đó xuất phát từ ý chí của toàn Đảng nhằm bảo đảm cho sự thống nhất, tập trung cao trong Đảng, đồng thời để phát huy dân chủ, phát huy tính tích cực và sáng tạo của toàn thể đảng viên và các tổ chức đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ chủ trương của Đảng là: “Trong nội bộ thì mở rộng dân chủ, tự phê bình và phê bình. Nguyên tắc tổ chức thì cực kỳ nghiêm, tức là bất kỳ ở hoàn cảnh nào, mọi đảng viên và cán bộ cũng phải thật thà và triệt để chấp hành chính sách và nghị quyết của Đảng”[3].
Đồng thời, Người nêu rõ nhiệm vụ của Đảng là: “một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”[4].
Với kỷ luật Đảng, thể hiện trong Điều lệ Đảng cũng như các quy định khác của Đảng, tất cả mọi đảng viên, bất kể đảng viên đó giữ chức vụ hay không giữ chức vụ hoặc giữ chức vụ cao hay thấp trong bộ máy của hệ thống chính trị, đều phải tuyệt đối chấp hành. Đảng viên, cán bộ phải rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật, tự giác đặt mình trong sự quản lý của chi bộ, tham gia đầy đủ sinh hoạt chi bộ, tuân thủ kỷ luật của Đảng. Không để một đảng viên nào đứng ngoài sự quản lý của tổ chức. Nếu kỷ luật của Đảng lỏng lẻo thì những kẻ cơ hội, những phần tử phản động dễ dàng chui vào hàng ngũ để phá hoại Đảng.
Hội nghị Trung ương 4 khóa XII ban hành Nghị quyết quan trọng về công tác xây dựng Đảng
Kỷ luật Đảng rõ ràng, chặt chẽ, nghiêm minh là điều kiện quan trọng bảo đảm cho Đảng thật sự là một khối đoàn kết, thống nhất trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức; bảo đảm cho đường lối, chủ trương của Đảng được chấp hành nghiêm chỉnh, thực hiện thắng lợi. Kỷ luật Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh là “kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác”.
Kỷ luật Đảng xuất phát từ ý chí của toàn Đảng nhằm bảo đảm cho sự thống nhất, tập trung cao trong Đảng, đồng thời để phát huy dân chủ, phát huy tính tích cực và sáng tạo của toàn thể đảng viên và các tổ chức đảng. Người yêu cầu đảng viên chẳng những phải giữ gìn kỷ luật của Đảng mà còn “phải giữ gìn kỷ luật của chính quyền, của cơ quan, đoàn thể cách mạng, của nhân dân”; đừng nghĩ rẳng “là đảng viên thì muốn làm trời làm đất thì làm”.
Củng cố và tăng cường kỷ luật Đảng là nhiệm vụ thường xuyên của mọi đảng viên và mọi tổ chức đảng. Tăng cường kỷ luật đảng không phải là để kỷ luật cho nhiều đảng viên, mà chủ yếu là để nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, tinh thần nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị, nghị quyết cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Để thực hiện nghiêm túc kỷ luật Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ nhiệm vụ của các cơ quan “tuyên truyền, tổ chức, giáo dục của Đảng phải làm cho cán bộ và đảng viên nhận rõ và theo đúng kỷ luật của Đảng. Đối với mỗi công tác quan trọng, cần phải làm cho mọi người hiểu cái gì nên làm, cái gì nên tránh, thế nào là đúng, thế nào là sai kỷ luật của Đảng. Như vậy kỷ luật của Đảng sẽ được bảo đảm, công tác của Đảng sẽ được thuận lợi, nhiệm vụ của Đảng sẽ chắc chắn hoàn thành. Toàn thể đảng viên và cán bộ ta hãy quyết tâm theo đúng kỷ luật của Đảng !”[5].
Trước lúc đi xa, Người để lại bản Di chúc lịch sử và dành những lời đầu tiên cho Đảng: “Trước hết nói về Đảng... Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”[6].
Thi hành kỷ luật Đảng từ Đại hội XIII đến nay
Thực hiện công tác kỷ luật Đảng, trong các nhiệm kỳ qua, nhất là nhiệm kỳ Đại hội XIII, Nghị quyết Đại hội nêu rõ: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy chế nhằm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực công tác kiểm tra, giám sát,…tập trung vào các cơ chế, biện pháp chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên; có chế tài để phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm kỷ luật đảng”[7].
Một kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Với tinh thần đó, công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng được tiến hành nghiêm minh: Trong năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, hơn 24.160 đảng viên (tăng 12% về số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022); thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng, 8.863 đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm.
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; lần đầu tiên có 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập; các cơ quan chức năng đã cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 9 cán bộ diện Trung ương quản lý; các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác hơn 360 trường hợp sau khi bị kỷ luật, trong đó có 92 cán bộ thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý.
Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng[8]. Các cơ quan chức năng đã chuyển gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật (tăng gần 2 lần so với cả nhiệm kỳ Đại hội XII).
Điểm mới đáng chú ý là, cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng đã kiên quyết làm rõ trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý để xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng trong lĩnh vực được giao quản lý, phụ trách; trên cơ sở đó, khuyến khích cán bộ từ chức, xin thôi chức vụ, kịp thời miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về kỷ luật Đảng là nhằm làm cho Đảng đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động; thực thi kỷ luật đảng để bảo đảm tính nghiêm minh, “bình đẳng” của mọi đảng viên trước kỷ luật đảng, chứ không phải là sự “thanh trừng”, “đấu đá” “hạ bệ” lẫn nhau trong nội bộ.
Mục đích cao nhất của việc duy trì nghiêm kỷ luật đảng là để cảnh báo, kịp thời ngăn chặn cán bộ, đảng viên không ai được vượt ra khỏi lằn ranh kỷ luật của Đảng. Việc thi hành kỷ luật đảng giúp tập thể, cá nhân khắc phục, sửa chữa dứt điểm những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra; đồng thời cũng chính là cảnh báo, răn đe cả tập thể và từng cá nhân đảng viên trong tập thể ấy, để không ai đi vào vết xe đổ của đồng chí, đồng nghiệp của mình.
Kỷ luật Đảng nghiêm minh góp phần giúp các tổ chức đảng “xốc” lại đội hình, chỉnh đốn đội ngũ; qua đó lập lại trật tự, kỷ cương trong Đảng. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Phải kỷ luật chính đồng chí mình là điều không ai muốn, nhưng kỷ luật một vài người là để vừa giữ nghiêm kỷ cương phép nước, vừa cảnh tỉnh, cảnh báo, giáo dục, răn đe người khác tránh xa vết xe đổ của đồng chí mình”[9].
Minh Dương
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.9, tr. 31.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr . 290.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr 31.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr 31.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr 32.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr 622.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 1, tr 189.
[8]https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/nam-2023-ky-luat-19-can-bo-dien-bo-chinh-tri-ban-bi-thu-quan-ly-658953.html.
[9]https://vov.vn/chinh-tri/tong-bi-thu-ky-luat-dong-chi-dong-doi-la-dieu-dau-xot-nhung-buoc-phai-lam-post952173.vov.