Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xây dựng và phát triển (1993-2024)
Ngày 10/3/1993, Bộ Chính trị ra Quyết định số 61-QĐ/TW về việc chuyển Trường Đảng Trung ương thành Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Theo đó, Bộ Chính trị quyết định chuyển Học viện Nguyễn Ái Quốc thành Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; các Trường Nguyễn Ái Quốc khu vực I, Trường Nguyễn Ái Quốc khu vực II, Trường Nguyễn Ái Quốc khu vực III chuyển tương ứng thành Phân viện Hà Nội, Phân viện thành phố Hồ Chí Minh, Phân viện Đà Nẵng và chuyển Trường Đại học Tuyên giáo thành Phân viện Báo chí và Tuyên truyền, trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ, là Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học về lý luận chính trị của Đảng và Nhà nước. Như vậy, với Quyết định số 61-QĐ/TW, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trở thành hệ thống gồm Trung tâm Học viện và các Phân viện Hà Nội, Phân viện Thành phố Hồ Chí Minh, Phân viện Đà Nẵng và Phân viện Báo chí và Tuyên truyền.
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có các nhiệm vụ chủ yếu sau: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo và quản lý chủ chốt trung cao cấp của Đảng, của Nhà nước, của các đoàn thể nhân dân về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, về công tác chính trị và sự lãnh đạo chính trị. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lý luận về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có trình độ đại học và trên đại học, nhằm cung cấp cán bộ lãnh đạo, cán bộ nghiên cứu chủ chốt cho các viện nghiên cứu, các học viện, các trường và khoa Mác-Lênin các trường đại học. Nghiên cứu những vấn đề về chủ nghĩa Mác-Lênin, về tư tưởng Hồ Chí Minh, về khoa học chính trị, những vấn đề lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam, về đường lối chiến lược, sách lược của Đảng, về xây dựng Đảng, về lãnh đạo và quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Chỉ đạo chương trình, nội dung giảng dạy, phương pháp giảng dạy và nghiên cứu khoa học đối với các trường chính trị của tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương. Mở rộng hợp tác quốc tế đào tạo, nghiên cứu khoa học với các nước, các đảng. Bộ Chính trị xác định: “Học viện và các phân viện được Trung ương Đảng và Chính phủ đầu tư về tài chính, cơ sở vật chất. Học viện, các phân viện có ngân sách độc lập”.
Ngày 01/02/1994, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) ra Thông tri số 06 TT/TW hướng dẫn thi hành Quyết định số 61-QĐ/TW của Bộ Chính trị Về việc sắp xếp lại các Trường Đảng Trung ương chuyển thành Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Tại Thông tri này, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quy định một số điểm cơ bản về cơ cấu, tổ chức của các phân viện thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Để tăng cường tiềm lực cho công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong giai đoạn mới, từng bước nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, gắn công tác nghiên cứu khoa học với công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lên một tầm cao mới, ngày 30-10-1996, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 07-QĐ/TW về việc hợp nhất Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, lấy tên là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Trước đó, Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin được thành lập theo Nghị quyết 32-NQ /TW về công tác tổ chức, ngày 20/11/1980 của Bộ Chính trị và ngày 05/5/1992, Ban Bí thư ban hành Quyết định số 29-QĐ/TW đổi tên Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin thành Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Lớp học của Trường Nguyễn Ái Quốc được phục dựng tại di tích Làng Luông
Sau hợp nhất, ngày 20/10/1999, Bộ Chính trị ra Quyết định số 67/QĐ-TW Về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Quyết định nêu rõ: “Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý chủ chốt trung cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội, là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận Mác -Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chính sách của Đảng Nhà nước, nghiên cứu về khoa học chính trị, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, đồng thời góp phần vào phát triển lý luận, tổng kết thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước”[1].
Tháng 7/2001, đồng chí Trần Đình Hoan, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương được phân công làm Giám đốc Học viện. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã làm việc với Ban Giám đốc Học viện.
Ngày 22/01/2002, Ban Bí thư ban hành Quyết định số 24-QĐ/TW thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương khóa mới. Một số cán bộ khoa học tiêu biểu của Học viện là thành viên Hội đồng lý luận Trung ương. Đó là sự tín nhiệm của Trung ương Đảng đối với Học viện, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề của Học viện và của cá nhân mỗi thành viên trong Hội đồng đối với công tác lý luận của Đảng trong thời kỳ phát triển mới. Tháng 5/2002, đồng chí Lê Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng được phân công làm Phó Giám đốc Thường trực Học viện. Các đồng chí Vũ Đình Hòe, Nguyễn Đăng Thành được bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Học viện. Tháng 5/2003, đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng được Bộ Chính trị quyết định điều động trở lại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, giữ chức Phó Giám đốc Thường trực Học viện thay đồng chí Lê Hữu Nghĩa nhận nhiệm vụ mới.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, ngày 07/5/2007, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 60-QĐ/TW Về việc hợp nhất Học viện Hành chính quốc gia[3], Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thành Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Theo đó, Học viện là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ. Ngày 22/10/2007, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 100-QĐ/TW Về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Trong đó nêu rõ: "Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ”; “Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý trung, cao cấp, công chức hành chính, viên chức quản lý các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp, cán bộ khoa học chính trị và hành chính của hệ thống chính trị, trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các khoa học chính trị và khoa học hành chính”.
Ngày 11/11/2009, Ban Bí thư ban hành Quyết định số 272-QĐ/TW về Quy chế quan hệ phối hợp giữa Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh với các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, tạo cơ sở để Học viện triển khai các mặt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, công tác trường chính trị, công tác tổ chức - cán bộ, công tác tài chính, xây dựng cơ sở vật chất. Theo Quyết định số 60-QĐ/TW, ngày 07/5/2007, GS, TS Lê Hữu Nghĩa, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm Giám đốc Học viện. Các đồng chí Phó Giám đốc gồm: PGS, TS Vũ Đình Hòe; PGS, TS Nguyễn Đăng Thành; PGS,TS Nguyễn Trọng Điều. Thực hiện Kết luận số 64-KL/TW, ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương, ngày 10/12/2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 121/NQ-CP chuyển Học viện Hành chính từ Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh về Bộ Nội vụ theo Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Văn bản số 176-CV/TW ngày 23-10-2013 của Ban Bí thư và gọi tên là Học viện Hành chính Quốc gia.
Thực hiện Quyết định số 224-QĐ/TW ngày 06/01/2014 của Bộ Chính trị Về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Nghị định số 48/2014/NĐ-CP ngày 19/5/2014 của Chính phủ Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, việc kiện toàn bộ máy tổ chức, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị trong Học viện được Đảng ủy, Ban Giám đốc coi trọng. Sau gần 5 năm thực hiện Quyết định số 224-QĐ/TW của Bộ Chính trị khoá XI và triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương, khoá XII Về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương, khoá XII Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, xuất phát từ tình hình cụ thể của Học viện, ngày 08/8/2018, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 145-QĐ/TW Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Bộ Chính trị quyết định: Học viện là cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị-xã hội; là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý phục vụ giảng dạy, học tập, góp phần cung cấp luận cứ khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Hội trường lớn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hôm nay
Quan tâm đến vị thế, vai trò của Học viện, trong những năm qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng luôn chú trọng bổ nhiệm cán bộ có đức, có tài, có lý luận sâu sắc lãnh đạo, quản lý Học viện: Tháng 4/2016, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được Bộ Chính trị phân công nhiệm vụ mới, thôi giữ chức vụ Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, giữ chức Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thay đồng chí Tạ Ngọc Tấn nghỉ công tác quản lý theo quy định, chuyển sang cương vị mới làm Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Ngày 06/10/2017, tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), đồng chí Nguyễn Xuân Thắng được bầu bổ sung vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tiếp theo, ngày 05/3/2018, Bộ Chính trị quyết định cử đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đảm nhiệm thêm nhiệm vụ, chức vụ mới là Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Để bổ sung, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Học viện, tháng 3/2018, theo quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ, đồng chí Nguyễn Duy Bắc, sau khi hoàn thành nhiệm vụ luân chuyển làm Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, được điều động về lại Học viện, giữ chức vụ Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Tiếp đó, tháng 5/2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành quyết định bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, giữ chức vụ Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Tháng 02/2020, đồng chí Nguyễn Ngọc Hà, thôi giữ chức vụ Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chuyển công tác mới, giữ chức vụ Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Tháng 02/2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành quyết định bổ nhiệm đồng chí Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và đồng chí Lê Văn Lợi, Vụ Trưởng Vụ Quản lý Khoa học, giữ chức vụ Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Cũng trong tháng 02/ 2020, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm chức danh Trợ lý đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đối với đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng. Tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo Học viện, tháng 9/2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành quyết định bổ nhiệm đồng chí Dương Trung Ý, Vụ Trưởng Vụ Quản lý Khoa học, giữ chức vụ Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bầu đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vào Bộ Chính trị. Đây là vinh dự to lớn, nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề đối với Học viện và đồng chí Giám đốc Học viện, góp phần nâng cao vị thế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển hơn nữa.
75 năm xây dựng và phát triển, với niềm tự hào được mang tên lãnh tụ Hồ Chí Minh, Học viện luôn được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng dành sự quan tâm đặc biệt, có nhiều chỉ đạo sâu sát, nhất là công tác đào tạo nguồn nhân lực. Trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ vai trò, sứ mệnh quan trọng, vẻ vang của Học viện: “Là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng và Nhà nước; trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý; là động lực và hình mẫu cho hệ thống các trường chính trị trong cả nước, góp phần quan trọng cho công tác tư tưởng, lý luận, giáo dục chính trị, lịch sử Đảng, xây dựng Đảng và đạo đức cách mạng trong Đảng và xã hội”[4].
Minh Dương (Tiếp theo và hết)
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 58, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2015
[2]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 64, 2005, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016.
[3] Học viện Hành chính quốc gia nguyên là Trường Hành chính, trực thuộc Bộ Nội vụ, được thành lập theo Nghị định số 214-NV ngày 29/5/1959 của Chính phủ. Trường được giao nhiệm vụ huấn luyện cán bộ chính quyền cấp huyện. Trụ sở của Trường đặt tại xã Xuân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đến ngày 29-9-1961, Trường Hành chính đổi tên thành Trường Hành chính Trung ương theo Nghị định số 130-CP của Chính phủ. Trụ sở của Trường Hành chính Trung ương được xây dựng mới tại Láng Hạ - Đống Đa - Hà Nội.
Tại miền Nam, tháng 5/1974, Trường Cán bộ chính quyền miền Nam được thành lập tại chiến khu miền Đông. Sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, ngày 30-10-1976, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 213-CP thành lập Phân hiệu Trường Hành chính Trung ương tại miền Nam.
Ngày 30/3/1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 81/CP chuyển Trường Hành chính Trung ương từ trực thuộc Bộ Nội vụ sang trực thuộc Ban Tổ chức của Chính phủ. Đến ngày 30/8/1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 231-CP chuyển Trường Hành chính Trung ương từ Ban Tổ chức của Chính phủ sang trực thuộc Phủ Thủ tướng. Trường có nhiệm vụ huấn luyện, bồi dưỡng các cán bộ quản lý nhà nước cao cấp ở các cơ quan trung ương; các chủ tịch, phó chủ tịch, uỷ viên ủy ban nhân dân tỉnh, huyện và tương đương; cán bộ phụ trách các sở, ty của tỉnh, thành phố; cán bộ làm công tác tổ chức ở cấp tỉnh, thành phố; cán bộ làm công tác giảng dạy ở các Trường Hành chính (nay là Trường Chính trị) các tỉnh và thành phố. Theo Quyết định trên, Trường Hành chính Trung ương có các phân hiệu phụ trách các khu vực: Phân hiệu Trường Hành chính Trung ương tại Hà Nội chịu trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho các tỉnh phía Bắc; Phân hiệu Trường Hành chính Trung ương đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho các tỉnh phía Nam (B2 cũ); Phân hiệu Trường Hành chính Trung ương đóng tại Đã Nẵng chịu trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho các tỉnh miền Trung (khu 5 cũ).
Ngày 12/5/1980, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 142-CP sáp nhập Trường Hành chính Trung ương và Trường Kinh tế Trung ương thành Trường Hành chính và Kinh tế Trung ương. Ngày 01/11/1990, Trường Hành chính Trung ương được đổi tên thành Trường Hành chính Quốc gia theo Quyết định số 381-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Ngày 06/7/1992, Trường Hành chính Trung ương được đổi tên thành Học viện Hành chính Quốc gia theo Nghị định số 253-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng. Học viện thực hiện chức năng trung tâm đào tạo công chức và nghiên cứu khoa học về hành chính của cả nước.
Ngày 19/9/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 123/2002/QĐ-TTg chuyển Học viện từ cơ quan thuộc Chính phủ về trực thuộc Bộ Nội vụ. Ngày 13/11/2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 234/2003/ QĐ-TTg về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia. Theo đó: Học viện Hành chính Quốc gia là tổ chức sự nghiệp của Bộ Nội vụ và chịu sự quản lý nhà nước của Bộ trưởng Bộ Nội vụ;
[4] Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ngày 21/7/2024.