"Miền Nam đi trước về sau". Ngày 23/9/1945, nhân dân Nam Bộ "Tầm vông trong tay ta tiến, nguyện cứu nước non" mở đầu cuộc kháng chiến lần thứ hai chống thực dân Pháp xâm lược. Lịch sử đã thử thách Nam Bộ một lần nữa và Nam Bộ đã đối mặt với thử thách đó để làm nên một Nam Bộ xứng đáng với danh hiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng: "Thành đồng Tổ quốc"
"Mùa thu rồi ngày hăm ba
Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến.
Rền khắp trời lời hoan hô
Dân phương Nam nhịp chân tiến ra trận tiền
Đó là những lời ca hào hùng trong bài hát Nam Bộ kháng chiến của nhạc sĩ nghiệp dư Tạ Thanh Sơn. Cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược lần thứ hai chính thức bắt đầu từ ngày 23/9/1945. Có nghĩa nhân dân Nam Bộ được hưởng những ngày hòa bình, độc lập vô cùng ngắn ngủi, chỉ đúng 21 ngày sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Đúng như sau này, năm 1960, khi miền Nam tiếp tục tạm thời bị chi cắt, nhà thơ Tố Hữu viết trong bài thơ Ba mươi năm đời ta có Đảng: “Miền Nam đi trước về sau. Bước đường cách mạng dài lâu đã từng”.
Sau gần 80 năm đô hộ nước ta, thực dân Pháp, mặc dù trước đó đã thất bại và thúc thủ trước phát xít Nhật, nhưng vẫn không từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa.
Đêm 22/8/1945, Ủy viện Cộng hòa Pháp tại Nam Kỳ (thuộc chính phủ De Gaulle) là Jean Cédile nhảy dù xuống gần Biên Hòa và bị nông dân bắt giữ giao cho quân đội Nhật và sau đó được thả ra.
Ngày 27/8/1945, Cédile gặp Trần Văn Giàu đề nghị tương lai chính trị của Việt Nam. Trong cuộc họp này, Trần Văn Giàu yêu cầu điều kiện tiên quyết là Pháp trước hết phải công nhận nền độc lập của Việt Nam rồi mới bàn tới quan hệ giữa Việt Nam và Pháp.
Nhân dân Nam Bộ xuống đường phản đối cuộc tái xâm lược của thực dân Pháp (Ảnh tư liệu)
Chỉ đúng 3 tuần sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thực dân Pháp, dưới sự hậu thuẫn của quân Anh, đã quay trở lại xâm lược đất nước ta. Hơn sáu nghìn quân Pháp còn lại ở Sài Gòn dưới sự hà hơi, tiếp sức của 10 nghìn quân Anh đã gây hấn ở Sài Gòn.
Ngày 23/9/1945 đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc. Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Nam Bộ họp khẩn cấp và kêu gọi toàn dân kiên quyết kháng chiến.
Ngay chiều 23/9/1945, thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến, cả Sài Gòn đình công, bất hợp tác với Pháp. Các công sở, hãng buôn đóng cửa, chợ không họp, các ụ chiến đấu hình thành khắp nơi trong thành phố. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam Bộ nhất tề đứng dậy, tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn rung động cả nước.
Nhà báo Nguyễn Kỳ Nam, Đổng lý ngự tiền Bộ Tư pháp Chính phủ Trần Trọng Kim có mặt tại Sài Gòn những ngày ấy đã viết trong hồi ký: “Lửa đỏ rực trời…Không đèn, không nước. Sài Gòn bị bao vây”.
Ủy ban Kháng chiến ra lời kêu gọi nhân dân đứng lên chống quân xâm lược. Ngày 24/9/1945, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời hiệu triệu nhân dân cả nước dốc sức ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ.
Ngày 26/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ khẳng định quyết tâm kháng chiến của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta; đồng thời chỉ rõ mục tiêu chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc. Cả Sài Gòn tản cư dù người Pháp kêu gọi mọi người bình tĩnh và ở lại. Thanh niên khắp nơi ở Nam Bộ nô nức tòng quân. Từ miền Bắc và miền Trung, các đoàn quân Nam tiến ùn ùn vào Nam với quyết tâm cùng đồng bào Nam Bộ giữ nền độc lập non trẻ.
Thanh niên nhiều địa phương trên cả nước sôi sục phong trào Nam tiến (Ảnh tư liệu)
Chỉ bằng mã tấu, gậy tầm vông và tấm lòng quả cảm, những người dân Nam Bộ thành đồng đã nhất tề đứng lên dũng cảm chiến đấu với kẻ thù. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp những ngày đầu ở Nam Bộ đã giáng đòn đầu tiên và mạnh mẽ vào âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, tiêu hao sinh lực địch, kìm chân địch trong thành phố và các thị xã trong một thời gian, góp phần giữ vững chính quyền non trẻ của nhân dân.
Tháng 2/1946, thay mặt Chính phủ và đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Nam Bộ danh hiệu vẻ vang: Thành đồng Tổ quốc.
Nam Bộ kháng chiến là bản hùng ca bất hủ. Đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ xứng danh Thành đồng Tổ quốc mà Bác Hồ trao tặng. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đồng bào miền Nam đã cùng nhân dân cả nước lập nên những chiến công chói lọi. Và, Nam Bộ kháng chiến là bản hùng ca mở đầu cho những chiến công ấy.
Trung Kiên