Đội ngũ, quan lại phải thương yêu và chăm lo đến quyền lợi của dân, quan lại là người giúp vua cai trị đất nước, điều đó có nghĩa là quan lại phải giúp vua cai trị dân, để dân được no đủ, không kêu ca oán thán, không tụ bè kết đảng quấy nhiễu làm hại đến đức sáng của vua và ảnh hưởng đến sự bền vững của vương triều. Vua Lê Thánh Tông coi việc quan lại có được lòng dân hay không là một tiêu chuẩn đạo đức quan trọng. Lệ khảo khóa do ông định ra với các tiêu chí xét thưởng phạt đối với quan lại là một ví dụ rất điển hình. Cụ thể, Vua yêu cầu quan lại của mình phải quan tâm đến dân, phải có trách nhiệm với dân, biểu hiện trên hai mặt: tôn trọng lễ nghĩa để sửa tốt lòng dân; khuyến khích nông trang để đủ cơm áo cho dân.
Đặc biệt, Vua Lê Thánh Tông nhấn mạnh đạo đức của quan lại trong hoạt động công vụ, nhà vua coi đạo đức của người làm quan là phải chuyên cần, tận tụy với công việc và phải trong sạch. Tham nhũng, hối lộ, móc ngoặc được Vua Lê Thánh Tông xem là tệ nạn, cần được tích cực ngăn chặn. Trong các cuộc thi Đình, đề thi do chính nhà vua ra, thường tập trung vào yêu cầu vạch ra tình trạng, nguyên nhân và biện pháp chống tham nhũng, hối lộ, móc ngoặc. Trên thực tế, ngay từ khi mới lên ngôi và trong suốt cuộc đời làm vua, Lê Thánh Tông đã cho thi hành nhiều biện pháp để làm trong sạch đội ngũ quan lại. Ông là người đầu tiên tiếp thu và vận dụng luật Hồi tỵ, đưa vào các quy định của Bộ luật Hồng Đức và áp dụng nghiêm ngặt trong các kỳ thi hương, thi hội, thậm chí áp dụng cho cả đội ngũ chức viên ở cấp xã, nhằm tránh tình trạng móc ngoặc để tham ô, nhũng nhiễu, nể nang, né tránh... làm ảnh hưởng đến công việc triều đình.
Lê Thánh Tông với tư tưởng lấy dân làm gốc
Bên cạnh đó, nhà vua định rõ lệ luân chuyển quan lại và giám sát chặt chẽ công việc với ý thức: “người làm quan có đầy đủ thì mới bắt làm điều thiện được”, nhà vua quy định cụ thể về bổng lộc và thưởng phạt đối với quan lại và đưa lương bổng trở thành một chế độ nhà nước từ đời Lê Sơ. Đặc biệt, để chống tham nhũng, hối lộ, móc ngoặc trong quan trường, Vua Lê Thánh Tông rất chú trọng sử dụng pháp luật. Ngoài những quy định của Bộ luật Hồng Đức, nhà vua cho ban hành nhiều sắc chỉ để trừng trị tệ nạn này.
Không chỉ vậy, quan lại phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chuyên nghiệp. Vua Lê Thánh Tông rất coi trọng học vấn của người làm quan, học vị được Vua Lê Thánh Tông xác định là cơ sở để bổ nhiệm chức vụ. Tuy nhiên, học vị phải phản ánh đúng trình độ học vấn, do đó cần thiết phải tổ chức lại việc học hành thi cử. Để củng cố quan điểm đó, trong 37 năm trị vì, Vua Lê Thánh Tông đề ra quy chế rõ ràng trong các kỳ thi hương, thi hội, thi đình, cùng với các biện pháp khuyến khích học hành và tăng cường chất lượng giáo dục. Theo đó, từ đời Vua Lê Thánh Tông trở đi, kỳ thi hương được tổ chức hằng năm và mọi người (trừ những người phạm tội, hoặc làm nghề hát xướng) đều được tham gia; những người đỗ thi hương đều có quyền thi hội theo lệ do nhà vua đặt ra, được tổ chức 03 năm một lần ở triều đình; những người đỗ thi hội có quyền tham gia thi đình do nhà vua trực tiếp ra đề thi và làm chủ khảo. Vì vậy, nếu như trước đó chỉ có 07 kỳ thi các loại, chọn ra được 89 tiến sĩ, thì vào đời vua Lê Thánh Tông, qua 12 kỳ thi hội đã chọn được 501 tiến sĩ, trong đó có 10 trạng nguyên[1].
Mặt khác, Vua Lê Thánh Tông hết sức coi trọng năng lực thực tế của quan lại, ngoài hai hình thức tuyển dụng quan lại được sử dụng phổ biến từ trước (tiến cử và tập ấm) và hình thức khoa cử đã được mở rộng, dưới triều Vua Lê Thánh Tông còn đặt ra lệ bảo cử bằng một đạo sắc vào năm Giáp Thìn (1484), trong đó quy định, các nha môn trong ngoài, nếu có chức nào khuyết thì có thể tìm người tài cán, học thức, thanh liêm, học giỏi để đề nghị Bộ Lại xét bổ vào chức đó, đồng thời xác định trách nhiệm của người bảo cử: “Người nào tiến cử người khác phải ghi rõ tài năng, kiến thức và sự thanh liêm, sau này nếu người đó mắc tội bỉ ổi, tham lam không làm được việc thì tâu lên để xét xử viên quan tiến cử đó”. Vua Lê Thánh Tông cũng nói rõ trong khi khuyên dụ các quan: “Nếu có khuyết chức Hiến sát thì dùng các quan ở khoa, đài, Quốc tử giám và 6 tự, liên minh từng trải, làm việc đủ 4 lần khảo khóa, được nhiều người khen để bổ...”[2]. Song biểu hiện cụ thể nhất của việc coi trọng năng lực thực tế của quan lại chính là việc Vua Lê Thánh Tông định rõ chế độ khảo công quan lại (hay khảo khóa) để căn cứ vào đó tiến hành khảo xét năng lực thực tế cũng như tính liêm khiết, mẫn cán của quan lại làm cơ sở để thưởng - phạt, thuyên chuyển, thăng giáng hay thải loại.
Tượng Vua Lê Thánh Tông tại Bảo tàng Văn học Việt Nam 275 Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội
Kế thừa và vận dụng những giá trị tư tưởng của Lê Thánh Tông về cải cách hành chính trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Có thể nói, trong lịch sử phong kiến tập quyền ở Việt Nam, Vua Lê Thánh Tông đã để lại một di sản kinh nghiệm quý báu cho việc sử dụng quan chức lấy tài và đức làm cơ sở, chúng ta có thể tiếp thu các giá trị tư tưởng đó để xây dựng đội ngũ cán bộ công chức viên chức trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện nay. Những giá trị tư tưởng của Vua Lê Thánh Tông về cải cách hành chính vẫn mang tính thời sự để chúng ta nghiên cứu và vận dụng những hạt nhân hợp lý trong việc cải cách nền hành chính quốc gia gọn nhẹ và hiệu quả.
Trong những năm qua, chương trình cải cách nền hành chính quốc gia đã có những chuyển biến tích cực, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, về cơ bản nền hành chính nhà nước vẫn còn mang nặng dấu ấn của cơ chế quản lý tập trung, quan liêu bao cấp, chưa đáp ứng được những yêu cầu của cơ chế quản lý mới cũng như yêu cầu phục vụ nhân dân trong điều kiện mới, hiệu lực, hiệu. Việc phát huy, kế thừa tư tưởng về cải cách hành chính nhà nước của Vua Lê Thánh Tông góp phần giúp chúng ta xác định được nội dung xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phải dựa trên truyền thống, đặc điểm dân tộc, hoàn cảnh cụ thể hiện nay và điều đó phải thể hiện và chứa đựng những giá trị phổ biến của lịch sử và thời đại.
Để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chúng ta cần phải thực hiện các công việc cụ thể như sau:
Một là, đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính nhà nước theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Vua Lê Thánh Tông đã thực hiện việc cải cách hành chính bằng cách thanh lọc, rà soát những chức quan, cơ quan “thừa”, trung gian nhằm xây dựng một bộ máy chính quyền gọn nhẹ; kế thừa giá trị này chúng ta cải cách bộ máy nhà nước, xây dựng bộ máy nhà nước gọn nhẹ, có hiệu lực, hiệu quả trong quản lý xã hội; thực hiện phân công, phân nhiệm vụ rõ ràng giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp, nhưng đảm bảo quyền lực nhà nước là thống nhất là nội dung trọng tâm của xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tiếp tục xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước; cơ cấu lại tổ chức bộ máy chính phủ, các bộ, cơ quan hành chính địa phương các cấp theo hướng tinh gọn, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; thực hiện mô hình “Nhà nước nhỏ nhưng mạnh và xã hội lớn”, phù hợp với thông lệ cải cách của các nước. Tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, phân biệt rõ những khác biệt giữa chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị. Bên cạnh đó, cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của bộ máy nhà nước pháp quyền tương xứng sứ mệnh lịch sử của nó.
Hai là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Vua Lê Thánh Tông đã chú trọng đến việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là Bộ luật Hồng Đức đây là công cụ giúp Vua Lê Thánh Tông quản lý, răn đe và trừng phạt đối với những cơ quan, chức quan, dân chúng làm trái pháp luật, vi phạm những quy định trong quản lý hành chính nhà nước. Chính vì vậy, pháp luật là phương tiện, là công cụ để quản lý nhà nước, quản lý xã hội cho nên nhà nước pháp quyền phải bảo đảm sự thượng tôn pháp luật. Điều cốt yếu trong xây dựng nhà nước pháp quyền là đảm bảo cho pháp luật của nhà nước pháp quyền không thể là sản phẩm tùy tiện, tự do theo ý chí của các nhà làm luật, mà Hiến pháp và pháp luật phải phù hợp với bản chất khách quan của các quan hệ xã hội, ý chí của toàn dân và thể hiện rõ bản chất của nhà nước.
Bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần tăng cường giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức pháp luật, năng lực thực hiện pháp luật cho cán bộ công chức nhà nước, đồng thời “tích cực tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cho nhân dân”. Do đó, giáo dục và nâng cao ý thức pháp luật xã hội chủ nghĩa trong nhân dân đang được Đảng, Nhà nước ta quan tâm và xác định là nhiệm vụ chung của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể quần chúng từ Trung ương đến địa phương và đổi mới và hoàn thiện quy trình xây dựng luật, ban hành và thực thi pháp luật, trong đó chú trọng việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật và tổ chức thi hành luật một cách nghiêm minh.
Ba là, đẩy mạnh chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy nhà nước trên cơ sở kế thừa những giá trị của Vua Lê Thánh Tông về phòng, chống tham nhũng sẽ giúp chúng ta đẩy lùi tệ nạn tham nhũng. Bởi vậy, tiến hành đấu tranh kiên quyết, thường xuyên có hiệu quả chống tệ tham nhũng trong bộ máy nhà nước là nội dung quan trọng của xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Kế thừa và phát huy tư tưởng cải cách hành chính nhà nước của Vua Lê Thánh Tông đối với nước ta hiện nay còn mang ý nghĩa thời sự, việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là quá trình lâu dài và gian khổ. Vì vậy, cần có sự chung tay góp sức của các cơ quan nhà nước và nhân dân để xây dựng nền hành chính nhà nước trong sạch, hiệu quả và thông suốt góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đinh Thanh