Cuộc cải cách hành chính dưới triều đại Lê Sơ do Vua Lê Thánh Tông thực hiện để lại nhiều giá trị trong lịch sử phát triển nhà nước phong kiến Việt Nam, đồng thời để lại những gợi mở cho Đảng, Nhà nước ta trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Vua Lê Thánh Tông với chủ trương xây dựng, cải cách hành chính nhà nước
Trong thời gian 38 năm trị vì (1460-1497), vua Lê Thánh Tông đã tiến hành công cuộc cải hành chính với quy mô lớn và hoạt động có hiệu quả, quá trình cải cách hành chính nhà nước của Lê Thánh Tông đã để lại những giá trị cơ bản sau:
Một là, chú trọng xây dựng bộ máy hành chính nhà nước.
Vua Lê Thánh Tông đã tiến hành công cuộc cải cách bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương, từ dân sự đến quân sự, cả quan chế lẫn thể chế; đã thiết lập một thể chế chính trị quân chủ chuyên chế phong kiến điển hình với quy mô lớn và hoạt động có hiệu quả. Vua Lê chủ trương lấy Nho giáo làm nền tảng để xây dựng một nhà nước quan liêu không đẳng cấp; xây dựng thể chế pháp luật; xây dựng đường lối và phương thức cai trị “Nho quan - Nội pháp”; tiến hành cải cách tổ chức bộ máy nhà nước để khắc phục những hạn chế, yếu kém; nâng cao quyền lực của nhà vua và chính quyền Trung ương; xây dựng bộ máy nhà nước có hiệu lực, hạn chế đến mức nhất sự phân quyền và sự lộng hành của các công thần[1]. Đặc biệt, trong cải cách bộ máy Trung ương, Lê Thánh Tông đã từng bước thực hiện các công việc:
Lê Thánh Tông mạnh tay bãi bỏ một số chức quan và cơ quan trung gian, Năm 1471, Lê Thánh Tông đã tiến hành một đợt cải cách hành chính lớn nhằm tăng cường sự kiểm soát chỉ đạo của Hoàng đế đối với các triều thần, tăng cường sự ràng buộc, kiểm soát lẫn nhau trong giới quan liêu, tăng cường tính hiệu lực và hiệu quả của bộ máy quan lại. Lê Thánh Tông đã bãi bỏ một số chức quan đại thần vốn có công nhưng không có học thức, thay vào đó bằng các văn quan được tuyển chọn qua thi cử nhằm hạn chế chia bè, kéo cánh trong triều đình, hạn chế sự thao túng quyền lực của các công thần. Ông trực tiếp quản lý các bộ nhằm hạn chế sự cồng kềnh, quan liêu của bộ máy hành chính.
Về mặt hành chính, Lê Thánh Tông đã cải tổ, chia lại thành 13 đạo (sau đổi là 13 thừa tuyên), đó là: Lạng Sơn, An Bang, Thái Nguyên, Hưng Hoá, Tuyên Quang, Bắc Giang, Nam Sách, Quốc Oai, Thiên Trường, Thanh Hoá, Nghệ An, Thuận Hóa và Quảng Nam. Dưới đạo thừa tuyên có 52 phủ, 178 huyện, 50 châu, cùng các đơn vị cơ sở như hương, xã, thôn, trang, sách, động, nguồn, trường. Riêng kinh thành Thăng Long được chia thành 36 phường đứng đầu các đạo thừa tuyên là các tuyên phủ sứ. Ở mỗi thừa tuyên có 3 ty: Đô (phụ trách quân đội), Thừa ty (phụ trách dân sự hành chính) và Hiến ty (phụ trách thanh tra giám sát). Các xã được chia thành 3 loại: xã lớn (500 hộ), xã vừa (trên 300 hộ) và xã nhỏ (trên 100 hộ). Chức xã quan do dân bầu, Nhà nước chỉ đạo và xét duyệt, tiêu chuẩn là các giám sinh, sinh đồ, từ 30 tuổi trở lên và có hạnh kiểm tốt.
Một chủ trương tiến bộ của Vua Lê Thánh Tông
Ông nhanh chóng hoàn thiện và thành lập một số cơ quan như: hoàn thiện Lục bộ, thành lập Lục tự, hoàn thiện Lục khoa bên cạnh Ngự sử đài để thực hiện các công việc giúp Vua trên các mặt hoạt động, các lĩnh vực, và kiểm tra kiểm soát quyền lực. Các cơ quan nhà nước kiểm tra, giám sát lẫn nhau để hạn chế sự lạm quyền và nâng cao trách nhiệm; trong triều đình, dưới quyền điều khiển trực tiếp của nhà Vua là 6 bộ: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công, đứng đầu là Thượng thư, giúp việc có 2 Thị lang. Bên cạnh đó, còn có Lục khoa với chức năng theo dõi, giám sát và Lục tự với chức năng điều hành. Những cơ quan chuyên môn trong triều gồm có các đài, các viện, giám, sảnh như Ngự sử đài, Hàn lâm viện Quốc tử giám... Tuy giữa các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ khác nhau nhưng các cơ quan đã nêu trên vẫn có sự tác động qua lại, hỗ trợ và kiểm sát, giám sát lẫn nhau để đạt hiệu quả cao trong công việc, “không một cơ quan nhà nước nào, không một quan lại nào lại không bị thanh tra, kiểm tra từ các phía, ngay từ bên trong tổ chức và bên ngoài tổ chức”[2].
Không để quyền lực tập trung quá nhiều vào một cơ quan, mà được tản ra để ngăn chặn sự tiếm quyền. Lê Thánh Tông đã thấy được sự bất cập khi một cơ quan nắm quá nhiều quyền lực, chính điều này sẽ làm nảy sinh sự lạm dụng quyền hạn của một số quan lại, từ đó nảy sinh nạn tham ô, tham nhũng, cửa quyền, hách dịch...gây ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý hành chính. Lê Thánh Tông đã hình thành hệ thống cơ quan hành chính ngành dọc đó là 6 ty ngự sử, 6 ty chịu trách nhiệm báo cáo trước ngự sử. Điều này đảm bảo sự công bằng, tăng cường sự có mặt của triều đình tại các cơ quan địa phương, đưa các cơ quan địa phương vào khuôn khổ, quy định rõ ràng, cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan văn phòng, chuyên môn khác trong bộ máy nhà nước như: các cơ quan chức năng văn phòng, phụ giúp và các cơ quan chuyên môn. quyền hành được tập trung vào tay nhà vua, hạn chế sự tham chính của quý tộc, loại bỏ khẳ năng lộng quyền của các triều thần; những lĩnh vực quan trọng được quy định cho từng cơ quan chuyên môn phụ trách, đồng thời bãi bỏ một số cơ quan trùng lặp về chức năng nhiệm vụ.
Hai là, xây dựng đội ngũ quan lại trong cải cách hành chính của triều Lê Sơ.
Vua Lê Thánh Tông chủ trương xây dựng đội ngũ quan lại hiền - tài, nhận thức về vai trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ quan lại và chỉ đạo mọi nỗ lực xây dựng đội ngũ quan lại trong suốt thời gian làm Vua của mình; ông hiểu rằng: “Trăm quan là nguồn gốc của trị, loạn”, “Một nước trị hay hay dở là do ở vua và quan giỏi hay dở...”[3]. điều đó được thể hiện ở những cố gắng không mệt mỏi của ông để xây dựng một triều đại phong kiến phát triển rực rỡ và điều hành đội ngũ quan lại thực sự trung thành và chuyên nghiệp.
Tiền đề cho các chính sách cụ thể về xây dựng đội ngũ quan lại dưới triều Lê Thánh Tông là tiêu chuẩn của quan lại, trong đó bao hàm cả quan niệm về trách nhiệm của người làm quan. Tháng 12/1463, nhân dụ các quan ở bộ Lại, vua Lê Thánh Tông nhắc lại ý đó: “Ta nghe Tư Mã Quang nói người quân tử là cội gốc để tiến lên trị bình, kẻ tiểu nhân là thềm bậc để đi đến hoạ loạn. Ta cùng các ngươi đã thề với trời đất dùng người quân tử, bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chắm không lơi, các ngươi chớ có quên điều ấy”[4].
Trong quan niệm của Vua Lê Thánh Tông, quan lại phải đáp ứng được hai tiêu chuẩn: “hiền” và “tài” (đồng nghĩa với tư cách của người quân tử theo quan niệm của Nho giáo). Hai tiêu chuẩn này được vua Lê Thánh Tông cụ thể hóa thành những yêu cầu bắt buộc đối với người làm quan.
Hiền là tiêu chuẩn về đạo đức của người làm quan được thể hiện trên ba phương diện: trung với vua (trách nhiệm trước Vua); thương yêu và chăm lo đến quyền lợi của dân (trách nhiệm trước dân); có đạo đức công vụ trong sáng (trách nhiệm trong thực thi công vụ).
Quan niệm về tài, Vua Lê Thánh Tông nhấn mạnh: “Sự nghiệp trị nước lớn lao của đế vương không gì cần kíp hơn nhân tài, điển chương chế độ đầy đủ của Nhà nước tất phải chờ ở bậc hậu thánh. Bởi vì trị nước mà không lấy nhân tài làm gốc, chế tác mà không dựa vào hậu thánh thì đều chỉ là cẩu thả tạm bợ mà thôi, sao có thể đạt tới chính trị phong hóa phồn vinh, văn vật điển chương đầy đủ”[5]. Tài của người làm quan phải được biểu hiện ở khả năng giúp vua cai trị đất nước, nói cách khác là biểu hiện ở năng lực của người làm quan. Hai tiêu chuẩn này được vua Lê Thánh Tông cụ thể hóa thành những yêu cầu bắt buộc đối với người làm quan, thể hiện được sự thông suốt nhất quán trong công cuộc cải cách hành chính thời Lê Sơ và trở thành những bài học kinh nghiệm của lịch sử cần được tiếp thu và học tập.
Những điều kiện, tiêu chuẩn để tuyển dụng, bổ nhiệm quan lại thời Lê Sơ, đây là những tiêu chuẩn vô cùng chặt chẽ đảm bảo tính dân chủ, công khai trong hoạt động quản lý. Vua Lê cho rằng quan lại phải trung thành với nhà vua, quan lại là bề tôi của vua, là đội ngũ giúp vua cai trị đất nước, vì vậy trách nhiệm của quan lại là phải tôn thờ vua, trung thành với Vua, tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh của Vua.
Vua Lê Thánh Tông từng nói: “Một nước trị hay hay dở là do ở vua và quan giỏi hay dở. Bởi vậy, về đường chính trị nho giáo lấy cái nghĩa làm quân thần làm trọng. Ở trong nhà thì con phải hiếu với cha mẹ, ở trong nước thì thần dân phải trung với vua”[6].
Khi xây dựng Bộ luật Hồng Đức, Vua Lê Thánh Tông dành nhiều điều trừng trị những hành vi vi phạm lòng trung quân: quan chức nào không đến dự ngày hội Minh thề (hội thề tận trung với vua) bị xử tội đồ hay tội lưu (Điều 170 Luật Hồng Đức); quan lại ở kinh đô hay địa phương mà mưu kết bè đảng thì bị tội lưu, mưu phản nghịch bị tội chém (Điều 103); viên quan nào nếu tỏ ra bất kính trong lời nói, tâu việc gì lầm phạm đến tên Vua hay tên húy của Vua thì bị phạt xuy, viết phạm vào tên húy thì bị phạt trượng; đặt tên chính hay tên tự phạm vào chữ húy thì bị tội lưu, tội tử (Điều 125); quan lại không tuân lệnh vua mà lệnh đó không quan trọng thì xử biếm hay đồ, nếu là việc quân khẩn cấp thì xử tội lưu hay tội chết (Điều 222).
Đinh Thanh (còn tiếp)
[1]. Nguyễn Thị Thu Hoà: Chế độ quan lại triều Lê Sơ và những giá trị tham khảo cho cải cách chế đô công vụ, công chức ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2020, tr.28.
[2]. Bùi Huy Khiêm: “Từ ngự sử đài dưới triều vua Lê Thánh Tông – suy nghĩ về mô hình tổ chức cơ quan thanh tra hiện nay”, Tạp chí Tổ chức Nhà nước, số 3/2013, tr. 16
[3]. Trần Trọng Kim: Nho giáo (quyển thượng), Nxb. Bộ Giáo dục, Sài Gòn, 1971, tr. 40-60.
[4]. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, t.2, tr. 426.
[5]. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.2, tr.492
[6]. Trần Trọng Kim, Nho giáo (quyển thượng), Nxb Bộ Giáo dục, Sài Gòn, 1971, tr.40