Biến nhà tù thành trường học cách mạng, nơi rèn luyện ý chí của người cộng sản và yêu nước là truyền thống của chiến sĩ cách mạng trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Truyền thống đó tiếp tục được phát huy cao độ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Chính sách tù đày tàn bạo của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn
Sau khi “hất cẳng” Pháp độc chiếm Đông Dương, Mỹ đã dựng nên chính quyền Ngô Đình Diệm. Cùng với việc thiết lập bộ máy chính quyền tay sai và tăng cường tiềm lực quân sự, Mỹ - ngụy đã thi hành chính sách “tố cộng, diệt cộng” và biến hệ thống nhà tù trên khắp miền Nam thành công cụ đắc lực để giam cầm và giết dần, giết mòn các lực lượng yêu nước, cách mạng.
Chúng bắt bớ hàng loạt người vô tội, bắt người không lý do, giam giữ, tra tấn bằng đủ nhục hình, làm cho tù nhân chết dần chết mòn trong các xà lim, chuồng cọp, nếu còn sống cũng thành phế nhân. Tra tấn về thể xác bằng những nhục hình cực kỳ man rợ như: Tra tấn bằng đánh đập, tra tấn bằng nước, tra tấn bằng lửa, tra tấn bằng điện... Đó là những cực hình vô cùng tàn bạo mà chúng gọi với danh xưng ghê rợn như: “đi hội chợ”, “đi tàu lặn”, “đi tàu bay”, “đi tàu điện”, “châm cứu rút móng”, “đánh trống thùng phuy”... Kết hợp với tra tấn thể xác, chúng còn thực hiện việc truy bức về tư tưởng, vừa khống chế, vừa dụ dỗ, mua chuộc làm cho tù nhân phải từ bỏ lý tưởng, khí tiết cách mạng, đầu hàng phản bội cách mạng.
Nhằm mục tiêu phá thế kìm kẹp của địch, bảo vệ khí tiết cách mạng, bảo vệ quyền sống, những người tù yêu nước đã liên tiếp nổi dậy đấu tranh trong các nhà tù, lúc dịu, lúc căng, tùy từng tình hình thực tế ở từng nơi. Đó có thể là đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ, đòi những quyền lợi cơ bản nhất của tù nhân, đấu tranh chống đánh đập, phạt vạ, chống lao động nặng nhọc, đấu tranh bảo vệ khí tiết, giữ tròn phẩm chất cách mạng cho bản thân và cho tổ chức.
Nhà tù Chí Hòa- một nhà tù lớn tại miền Nam Việt Nam (Ảnh tư liệu)
Đấu tranh chống học tố cộng, chống ly khai Đảng
Trong các nhà tù dưới thời Ngô Đình Diệm, chính quyền miền Nam tăng cường áp bức tù chính trị thực hiện: suy tôn Ngô Đình Diệm, chào cờ Việt Nam Cộng hòa, mở lớp chính trị học tố cộng, thời gian học mỗi ngày 2 giờ, với kỷ luật sắt ngồi nghiêm không được nhúc nhích, không được nói chuyện hoặc làm việc gì khác. Ai vi phạm, bị trừng phạt tại chỗ và đưa đi thẩm vấn, tống giam kỷ luật. Hầu hết những buổi học đều có tù nhân bị đàn áp do các hành động phản kháng.
Ngoài ra, trong các nhà lao, thủ đoạn chính trị nham hiểm mà Mỹ và chính quyền Sài Gòn áp dụng là thường xuyên tổ chức cải huấn “tẩy não” tư tưởng cho người tù chính trị. Do vậy, nhà tù nào cũng có trung tâm cải huấn, chúng dùng những phần tử chống cộng dày dặn kinh nghiệm trong việc dụ dỗ, mua chuộc, bày trò chống cộng với âm mưu cô lập, vô hiệu hóa vai trò, vị trí của người tù chính trị. Hằng ngày, những tên cán bộ “cải huấn” bắt tù nhân tập trung học tố cộng, tuyên truyền nói xấu cộng sản, nói xấu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đề cao sức mạnh của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa; gây tâm lý cầu an, dao động, chờ ngày ra tù, hoặc chịu khuất phục sớm trở về gia đình.
Trước thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, tù chính trị trong nhà lao đoàn kết, tập hợp lực lượng, xây dựng tổ chức để lãnh đạo các cuộc đấu tranh bảo vệ phẩm chất chính trị, lý tưởng cách mạng và quyền dân sinh, dân chủ. Các cuộc đấu tranh diễn ra bằng nhiều hình thức phong phú và tù nhân chính trị giành được những thắng lợi oanh liệt, kẻ thù phải kiêng nể, khâm phục ý chí người cộng sản.
Phong trào học tố cộng, chống ly khai Đảng diễn ra quyết liệt, dai dẳng khắp các nhà lao lớn nhỏ của Mỹ và chính quyền Sài Gòn ở miền Nam, với nội dung không thi hành nội quy của địch, không chấp nhận hình thức tổ chức khống chế, ràng buộc về thể xác và tinh thần của tù chính trị. Phong trào được sự đồng tình nhất trí của nhiều người, cả một tập thể cùng đấu tranh bất chấp đòn roi của kẻ thù. Phản ánh bầu không khí nêu trên, công văn số 3823-BNV/NA/MP3 ngày 30/7/1958 và 7690-BNV/CT/MP19 của Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa nhận đinh: “việt cộng đang nỗ lực hoạt động để biến trung tâm huấn chính của ta thành trường huấn luyện của chúng”[1]. Tại các nhà giam cấp huyện, tỉnh, tính chất của phong trào quyết liệt không kém ở các nhà lao Trung ương, tuy nhiên, trên diện rộng, mức độ của phong trào rõ ràng sôi nổi hơn nhiều tại các nhà lao Trung ương.
Đối với thanh niên, quần chúng, số đông bản chất tốt, nhưng ngại bị chúng để ý, gây khó khăn nên khi bị chúng bắt học các lớp tố cộng, bắt viết báo tường thì cũng làm đại cho qua. Nhưng viết thì viết thế nào đây ? vì nếu viết tố giác những người cộng sản thì sẽ gây hại cho tổ chức ở trong tù. Do vậy, tổ chức đảng và những người đảng viên phải nhạy cảm và nắm được tâm lý của quần chúng, trao đổi với những người bạn tù tiến bộ, đồng cảm, bày cho anh em viết chuyện xã hội, chuyện vui, chuyện tiếu lâm... để vừa đối phó với hình thức viết báo tường, học tố cộng của địch, vừa không gây ảnh hưởng đến tổ chức và vẫn giữ được tình đoàn kết chặt chẽ giữa tổ chức và người chiến sĩ cộng sản trong nhà tù. Vừa qua đó lợi dụng hình thức báo tường để đấu tranh với địch..
Chống học tố cộng tại nhà lao Thông Đăng
Năm 1955, để đối phó lại âm mưu của địch trong việc bắt tù nhân học nội dung chống cộng, tham gia “Trưng cầu dân ý” nhằm suy tôn Ngô Đình Diệm, phế truất Bảo Đại, chi bộ quán triệt tinh thần đấu tranh, chủ trương tạo lý do hợp pháp để không đi dự, còn nếu đi dự thì không phát biểu, nếu gặp địch chỉ định thì tố cáo Ngô Đình Diệm không có công gì và ca ngợi thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tại buổi “Trưng cầu dân ý”, phế truất Bảo Đại, sau khi nắm được tinh thần, chủ trương, nhân cơ hội được bọn hướng dẫn chỉ định phát biểu, đồng chí Phan Thanh Thừa đã khẳng khái vạch mặt: “Ông Diệm không có công lao gì với nhân dân miền Nam và ông Diệm phải biết ơn ông Hồ, được ông Hồ khoan hồng mới có ngày nay”. Trước những lời lẽ sắc bén, những tên cán bộ phụ trách học tập không nói thêm được lời nào, chỉ biết nhìn nhau rồi rút lui. Đây là thắng lợi đầu tiên của chi bộ trong việc vận động anh em đấu tranh chống trò hề lừa bịp của địch.
Đầu năm 1957, sau khi thiết lập xong bộ máy cai trị từ tỉnh xuống tận xã, thôn, địch liên tục mở các chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” với quy mô, triệt để và tàn bạo hơn bao giờ hết. Bọn chúng lấy Quảng Nam làm trọng điểm của chiến dịch tố cộng, trong đó nhà lao Thông Đăng là nơi chúng chọn tổ chức các lớp “huấn chính tố cộng điển hình” để rút kinh nghiệm mở ra các địa phương khác, đồng thời để truy tìm cơ sở và buộc ly khai Đảng, xuất thú đầu hàng.
Nội dung thực chất của “huấn chính tố cộng” là tra tấn, dùng tù nhân đánh đập tù nhân, thậm chí chúng bắt con tố cha, vợ tố chồng, gây nghi ngờ giữa những người cùng hoàn cảnh để khoét sâu mâu thuẫn. Trong lớp huấn chính, ban ngày chúng bắt tù nhân nằm dưới nền đất như súc vật; bắt gia đình đem cơm từng bữa; ban đêm, chúng bắt tù nhân thức thâu đêm để “sám hối”…
Chúng đặt cho các lớp tố cộng với tên gọi thật phản động “cải huấn đặc biệt”, “tống tà ma cộng sản”. Đây là thủ đoạn nhằm hai mục đích, vừa bức hại tù cộng sản mà chúng cho là nguy hiểm, ngoan cố vừa để rút kinh nghiệm, bổ sung cho cái gọi là “quốc sách tố cộng”.
Ban Huấn chính tố cộng ở nhà lao được thành lập do Lê Vui – Chủ sự hành chính tỉnh Quảng Nam làm trưởng ban[2]. Mai Thuận – Trưởng an ninh nhà lao, làm Phó ban. Nguyễn Đạt Đích, Phạm Quyên – cán bộ cải huấn, làm giáo vụ. Ngoài ra, địch bắt một số tên như Phan Đình Ba (ở Đại Lộc), Nguyễn Mậu Kỉnh (ở Quế Sơn) – đảng viên Quốc dân đảng, Nguyễn Danh (Thăng Bình), lính phòng Nhì…phạm các tội tham ô, hiếp dâm để làm cộng tác viên để theo dõi, đấu tố và tra tấn, đánh đập tù nhân yêu nước.
Chúng lập một danh sách khoảng 120 học viện gọi là “học viên huấn chính”, phần lớn là đảng viên mà chúng cho là “ngoan cố” để bắt tham gia lớp huấn chính tố cộng thí điểm này, trong đó đối tượng chính mà chúng chọn là đồng chí Mai Đăng Chơn - Bí thư Huyện ủy Hòa Vang.
Ngày 01-3-1957, địch bắt đầu khai mạc lớp “huấn chính tố cộng”. Chúng trang trí hội trường lớp huấn chính theo cách phô trương và đe dọa ngầm bao gồm: “Bàn thờ Tổ quốc” có cờ ba que, ảnh Ngô Đình Diệm và một cây súng tiểu liên. Đây là hình thức kiểu “chủ nghĩa duy linh nhân vị” của Ngô Đình Diệm.
Về nội quy lớp học, chúng bắt mỗi học viên phải đeo phù hiệu “huấn chính” ở trước ngực để phân biệt với tù nhân khác và cấm học viên không được giao tiếp với tù nhân ở các phòng. Cùng với âm mưu cách ly, địch cho lực lượng “cộng tác viên” theo dõi cả lúc ăn, ngủ, nghỉ, đi lại, theo dõi đến từng hành động nhỏ nhất của tù nhân. Nếu phát hiện có người tù liếc nhìn chung quanh, đi chậm, ngồi nói chuyện …thì lập tức chúng ập vào đánh đập những tù nhân đó.
Trong khi đó, anh em tù nhân vẫn một lòng kiên trung. Đặc biệt biết đối tượng địch tập trung khai thác là đồng chí Mai Đăng Chơn và Phạm Công Ẩn, được chỉ thị từ bên ngoài, đêm ngày 07-3-1957, anh em tổ chức cho hai đồng chí này vượt ngục thành công, góp phần làm thất bại kế hoạch của địch trong việc tổ chức lớp “huấn chính tố cộng”.
Nhà lao Hội An đội lốt Trung tâm cải huấn (Ảnh tư liệu)
Sau khi ta tổ chức đưa các đồng chí mà địch cho là đối tượng đặc biệt quan trọng vượt ngục thành công, kẻ thù ở nhà lao như “hổ đói mất mồi”. Ngay lập tức, chúng bỏ chương trình “huấn chính”, chuyển sang đấu tố bằng nhiều hình thức tra khảo dã man hơn hòng khám phá tổ chức cơ sở của Đảng ta trong nhà lao và đường dây liên lạc ra ngoài. Chúng nghi ngờ tất cả tù nhân và thường xuyên, vô cớ đánh đập tù nhân. Những phần tử côn đồ khét tiếng như Phan Đình Ba, Nguyễn Danh…mặc sức “trổ tài” đao phủ. Ban ngày, chúng khai thác anh em tại miếu Ngũ Hành. Ban đêm, chúng đưa những tù nhân mà chúng nghi là cầm đầu sang Ty công an tra khảo, hỏi cung để tìm ra đầu mối. Sau những đòn tra tấn dã man của địch, một số đồng chí đã hy sinh, những đồng chí còn lại thì trên người mang đầy thương tích bởi những trận đòn làm chết đi, sống lại nhiều lần.
Khai thác từng người không đạt kết quả, chúng bắt tất cả tù nhân đứng nhìn đèn “sám hối”. Cứ đến giờ “sám hối”, chúng bắt người tù đứng thành từng hàng, đứng nghiêm, có khi phải quỳ, hai tay nâng hai viên gạch lên ngang vai, mắt nhìn thẳng vào ngọn đèn cầy và ảnh Ngô Đình Diệm, trong khi đó, chúng bố trí bọn “hướng dẫn tố cộng” gồm những tên công an gian ác, những người phản bội cách mạng đi xen kẽ từng hàng để kiểm tra, theo dõi. Cứ như vậy, mỗi đêm chúng bắt tù nhân phải thực hiện trong thời gian từ 19 giờ đến 24 giờ, có khi đến 5-6 giờ sáng hôm sau.
Đây là kiểu tra tấn tàn nhẫn, làm cho tù nhân căng thẳng về thần kinh, đầu óc choáng váng, gây suy kiệt về sức khỏe một cách nhanh chóng. Trước thủ đoạn thâm độc đó, nhiều đồng chí đã bất tỉnh và ngã trên những bàn chông sắt nhọn hoắt do chúng bày sẵn và có một số đồng chí đã hy sinh. Nhiều đồng chí bị bất tỉnh ngã xuống nhưng địch cũng không buông tha, chúng quy cho tội “chống học tập” và sai bọn lính bảo an trật tự đến đàn áp, khủng bố, rồi bắt những người bị bất tỉnh quay lại nơi “sám hối” như cũ.
[1] Bộ Nội vụ (1958), Công văn số 3823-BNV/NA/MP3 ngày 30-7-1958 gửi Đô trưởng, Tỉnh trưởng và Thị trưởng "Việt cộng nỗ lực biến trung tâm huấn chỉnh thành trường huấn luyện cộng sản". Nguồn kho lưu trữ Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, số ký hiệu Tđca 5/17.
[2] Lê Vui nguyên là Bang tá dưới thời Pháp, tay sai đắc lực cho thực dân, chống phá cách mạng.
Kim Dung