Sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam và cải cách ở Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng, đã có nhiều công trình nghiên cứu so sánh về vấn đề này. Cho đến nay, công cuộc đổi mới ở Việt Nam đã diễn ra gần 40 năm với nhiều bước đi, đạt nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực và mang màu sắc riêng của dân tộc Việt Nam. Mặc dù vậy, có nhiều ý kiến vẫn cho rằng đổi mới ở Việt Nam là mô hình sao chép toàn diện và thành công nhất của Trung Quốc. Vậy đổi mới ở Việt Nam có phải là “sao chép” từ Trung Quốc hay không?
Những điểm tương đồng và lý do của nó
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa và chế độ chính trị cả trong lịch sử cho đến hiện tại. Trong khi đó, thực tiễn cả Việt Nam và Trung Quốc những năm cuối thập niên 70, 80 thế kỷ XX đều rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội hết sức trầm trọng.
Nguyên nhân sâu xa của sự khủng hoảng trầm trọng đều xuất phát từ không “hiểu đúng”, “đầy đủ” chủ nghĩa Mác-Lênin và vận dụng “dập khuôn”, “máy móc” vào thực tiễn từng nước. Biểu hiện của nguyên nhân này là thực hiện mô hình tập trung, Nhà nước bao cấp, thiết lập chế độ sở hữu toàn dân và tập thể về tư liệu sản xuất, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách bất hợp lý không phù hợp với nội tại nền kinh tế, “xóa bỏ” hoặc “thu hẹp” thị trường tự do… Vì vậy, dù “trước”, dù “sau”, cả hai nước đều sẽ phải tiến hành cải cách hoặc đổi mới nếu muốn phát triển đất nước và giữ vững được sự cầm quyền của đảng mình.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ Vi của Đảng năm 1986- Đại hội khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước (Ảnh tư liệu)
Do “mắc những căn bệnh giống nhau”, nên những biện pháp để cải cách, đổi mới cả hai nước cũng đều sẽ phải “bốc” một số “thuốc trị bệnh” giống nhau: Chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó ngày càng đẩy mạnh vai trò của nền kinh tế tư nhân; Đẩy mạnh sản xuất hướng về xuất khẩu; Mở cửa thu hút đầu tư các nguồn vốn nước ngoài trong giai đoạn đầu tiên; Thực hiện cải cách tài chính và cải cách hành chính trong quá trình cải cách;Xây dựng đường lối đối ngoại rộng mở hơn; Chỉnh đốn công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác phòng chống tham nhũng.
Những điểm khác biệt
Bên cạnh một số điểm tương đồng, đổi mới ở Việt Nam có nhiều điểm khác biệt nhau rất lớn với cải cách của Trung Quốc, khẳng định đổi mới ở Việt Nam không phải là sự “sao chép” từ Trung Quốc.
Lý do đầu tiên có thể khẳng định đổi mới ở Việt Nam không phải là sự sao chép từ cải cách ở Trung Quốc xuất phát từ yếu tố thời điểm. Khoảng thời gian từ năm 1978 (sâu sắc nhất là từ năm 1979) đến tận năm 1991 mới bình thường hóa quan hệ, hai nước đang xảy ra chiến tranh biên giới, có những thời điểm rất căng thẳng, vì vậy trong “nhận thức chính trị” của Việt Nam lúc bấy giờ hoàn toàn không thể coi Trung Quốc là “kiểu mẫu” để học tập;
Thứ hai, đổi mới ở Việt Nam xuất phát từ chính yêu cầu thực tiễn khủng hoảng kinh tế - xã hội đất nước “buộc” các nhà lãnh đạo phải dứt khoát tiến hành đổi mới. Đầu năm 1986 cũng rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng trên tất cả các lĩnh vực, mặt trận nóng bỏng nhất là phân phối – lưu thông, lạm phát trở thành “con ngựa bất kham” chưa từng có: chỉ số giá bán lẻ của thị trường xã hội năm 1986 tăng 587,2% so với năm 1985, đẩy tình hình khủng hoảng ở Việt Nam rơi vào mức độ không thể “dùng dằng” giữa cơ chế một giá hay hai giá, bao cấp, kế hoạch hay hạch toán kinh doanh nữa mà phải dứt khoát đổi mới.
Thứ ba, mục tiêu cải cách, đổi mới của Việt Nam và Trung Quốc cũng có sự khác nhau. Đối với Trung Quốc đó là “sự trỗi dậy của Trung Hoa”, “giấc mộng Trung Hoa” là cường quốc trên thế giới với 11 loại cường quốc: cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa; cường quốc khoa học kỹ thuật; cường quốc chế tạo; cường quốc chất lượng; cường quốc mạng; cường quốc hàng không vũ trụ; cường quốc thương mại; cường quốc giáo duc; cường quốc giao thông; cường quốc thể dục; cường quốc cường quân[1].
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng năm 2021 với mục tiêu đưa đất nước ta trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 (Ảnh tư liệu)
Trong khi đó, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ: “nhiệm vụ bao trùm, mục tiêu tổng quát của những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội”, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm.
Đến Đại hội XIII (2021), Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hướng tới trở thành một nước phát triển thu nhập cao với những giai đoạn cụ thể [2].
Đặc biệt, trong đổi mới đường lối đối ngoại, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành từng bước để “bắt nhịp” và phát huy được “sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại” ở mỗi một thời kỳ khác nhau, nhưng “thái độ” của Việt Nam với thế giới là: thắt chặt quan hệ với các nước làng giềng, thích ứng với bối cảnh khách quan của thế giới đang biến đổi sâu sắc; xác định “hợp tác bình đẳng và cùng có lợi với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội khác nhau trên cơ sở các nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình”[3].
Hiện nay, đất nước đang hướng tới một đột phá mới với ngoại giao toàn diện, sâu rộng và xây dựng trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”[4] nhằm kết hợp mạnh mẽ, sâu rộng sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp thực hiện những mục tiêu đề ra.
Tóm lại, khi xem xét đổi mới ở Việt Nam và cải cách ở Trung Quốc, chúng ta cần đứng trên quan điểm thừa nhận có sự tương đồng do cùng yếu tố truyền thống, văn hóa, lịch sử, có sự học tập kinh nghiệm (ở giai đoạn sau khi bình thường hóa quan hệ) theo góc độ Trung Quốc là nước lớn, sớm cải cách và tương đồng về lịch sử - văn hóa có thể cho chúng ta những bài học giá trị của chặng đường đổi mới con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà hiện nay ít quốc gia thực hiện.
Đồng thời chúng ta hoàn toàn có thể nhận diện rõ những điểm khác nhau trong quá trình đổi mới, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo công cuộc đổi mới đạt nhiều thành tựu to lớn dựa trên những nguyên tắc, đảm bảo cho sự kiên định, thành công cũng như màu sắc dân tộc riêng của đổi mới ở Việt Nam.
[1] Nguyễn Quang Thuấn (chủ biên): Chiến lược toàn cầu của Trung Quốc trong bối cảnh mới, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr.46.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 88.
[4] Nguyễn Phú Trọng: “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc”, Tạp chí Cộng sản, số 980, tháng 12-2021, tr. 18.
Mộc Miên