Một là, quan điểm chủ đạo, xuyên suốt, bất biến là hội nhập kinh tế quốc tế luôn luôn dựa trên tiền đề,điều kiện: giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng và giữ vững nền kinh tế độc lập, tự chủ;hội nhập vì lợi ích đất nước, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chỉ rõ: “Kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế vì lợi ích quốc gia - dân tộc là định hướng chiến lược lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vận dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn, nhất là mối quan hệ giữa tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng”.
Hai là, sự tiến triển nhận thức từ chú trọng hội nhập kinh tế, đến hội nhập toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, nhưng hội nhập kinh tế vẫn là trọng tâm, hội nhập trên các lĩnh vực khác là điều kiện và hỗ trợ cho hội nhập kinh tế quốc tế. Nghị quyết số 22/NQ-TW về hội nhập quốc tế khẳng định: “Hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội; hội nhập trong các lĩnh vực phải được thực hiện đồng bộ trong một chiến lược hội nhập quốc tế tổng thể với lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực của đất nước”.
Ba là, sự tiến triển quan điểm từ hội nhập đơn tuyến sang đa tuyến, trên tất cả các cấp độ:song phương, khu vực và đa phương. Kết luận số 58-KL/TW ngày 2/4/2013 của Bộ Chính trị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới đã khẳng định quan điểm: ” chủ động xây dựng các quan hệ đối tác mới, tham gia vào các vòng đàm phán mới, thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế song phương, khu vực và đa phương”.
Bốn là, tiến triển từ mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại thông qua mở cửa thị trường và thu hút đầu tư nước ngoài sang hội nhập kinh tế toàn diện dựa trên ký kết các hiệp định quốc tế.Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã nâng chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác” lên thành “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII nhấn mạnh: “Nước ta sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết trong cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước.”
Năm là, tiến triển từ việc coi mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế như một sự bổ sung cho phát triển kinh tế trong nước đến việc xem hội nhập kinh tế quốc tế và cải cách trong nước là hai tiến trình phụ thuộc lẫn nhau, tạo tiền đề cho nhau. Kết luận số 58-KL/TW ngày 2/4/2013 của Bộ Chính trị chỉ rõ:“Trên cơ sở thực hiện các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, đẩy nhanh nhịp độ cải cách thể chế, cơ chế, chính sách kinh tế phù hợp với chủ trương, định hướng của Ðảng và Nhà nước. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chỉ rõ: “ Bảo đảm đồng bộ giữa đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh việc đổi mới, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách; chủ động xử lý các vấn đề nảy sinh; giám sát chặt chẽ và quản lý hiệu quả quá trình thực hiện cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhất là trong những lĩnh vực, vấn đề liên quan đến ổn định chính trị - xã hội”.
Sáu là, coi Hội nhập kinh tế quốc tế là công việc của toàn dân. Kết luận số 58-KL/TW ngày 2/4/2013 của Bộ Chính trị chỉ rõ;”Nhân dân là chủ thể của hội nhập và được hưởng thành quả từ hội nhập. Mọi cơ chế, chính sách phải nhằm phát huy tính chủ động, tích cực, khả năng sáng tạo và phát huy mọi nguồn lực của nhân dân, tạo ra sự đồng thuận cao trong toàn xã hội; phát huy vai trò của đồng bào ta đang sinh sống ở nước ngoài vào công cuộc phát triển đất nước và tăng thêm sự gắn bó của đồng bào với Tổ quốc”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tiếp tục khẳng định: “Hội nhập kinh tế quốc tế là sự nghiệp của toàn dân; doanh nhân, doanh nghiệp, đội ngũ trí thức là lực lượng đi đầu” (còn tiếp)./.
LBL