Khẳng định vai trò của kinh tế tập thể
Trước vai trò của mô hình kinh tế tập thể (KTTT), HTX trong nền kinh tế thị trường, các cấp ngành cũng như các HTX đang có những bước nhìn nhận, đánh giá sau 10 năm Luật HTX năm 2012 đi vào cuộc sống, từ đó tháo gỡ những khó khăn cho các HTX. Và khi KTTT, HTX càng có khung khổ pháp lý rõ ràng phát triển thì sẽ góp phần không nhỏ vào việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
Từ khi Luật HTX năm 2012 ra đời, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng đến nay, toàn quốc đã có 27.342 HTX (18.327 HTX nông nghiệp, và 9.015 HTX phi nông nghiệp). Hầu hết các HTX đã sắp xếp lại hoạt động, đăng ký theo Luật HTX năm 2012 hoặc chuyển đổi sang mô hình khác phù hợp hơn.
Theo quy định của Luật HTX năm 2012, thành viên HTX là các cá nhân, tổ chức tham gia góp vốn vào HTX. Và thực tiễn trong thời gian qua đã có sự tham gia liên kết của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị, sự tham gia của giới trí thức trong quản trị HTX hay có cán bộ, công chức, viên chức tham gia với HTX nhằm nâng cao nhận thức của người dân về mô hình HTX, giúp HTX tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa, xuất khẩu ra thị trường thế giới. Những đối tượng này được gọi là thành viên liên kết và có quan hệ chặt chẽ với các HTX.
Đặc biệt, số lượng thành viên liên kết (là khách hàng thân thiết, đối tác liên kết, hợp tác…) của các HTX ngày càng tăng. Các HTX nông nghiệp có thành viên liên kết thậm chí còn lớn hơn thành viên chính thức góp vốn nhằm giúp HTX phát triển chuỗi hàng hóa quy mô lớn, bảo đảm nguồn nguyên liệu cung ứng cho thị trường.
Tiêu biểu như HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Văn Đức (Hà Nội) có 167 thành viên nhưng có tới hơn 1.000 thành viên liên kết. HTX dịch vụ nông nghiệp Nhung Lũy (Bắc Kạn) có 20 thành viên chính thức nhưng có 200 thành viên liên kết là các hộ gia đình…
Có thể thấy, hoạt động theo Luật HTX năm 2012, khu vực HTX là hạt nhân quan trọng trong xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa, từ đó không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn có vai trò rất quan trọng về chính trị, an sinh, xã hội tại cộng đồng.
TS. Nguyễn Quang Hợp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế & Phát triển nguồn nhân lực, cho biết các HTX thường có các mục tiêu xã hội chứ không phải chỉ có mục tiêu lợi nhuận, mục tiêu này được thực hiện bằng cách đầu tư một phần lợi nhuận kinh doanh trở lại vào cộng đồng của họ. Các HTX cũng luôn đề cao lợi ích của thành viên nên có xu hướng tồn tại lâu hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác, và do đó có mức độ bền vững lớn hơn.
Khả năng tồn tại bền bỉ của HTX được cho là do cách chia sẻ rủi ro và chia sẻ thành quả giữa các thành viên HTX, cách khai thác ý tưởng của nhiều người và cách các thành viên có cổ phần sở hữu hữu hình trong HTX. Vì vậy, HTX chính là một kênh quan trọng trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Phát triển HTX sẽ phát huy lan tỏa các giá trị tốt đẹp của HTX ra toàn xã hội, như: tính trung thực, công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch, tinh thần giúp đỡ lẫn nhau, ý thức tự chủ, tự chịu trách nhiệm, ý thức chăm lo cộng đồng…, có ý nghĩa rất lớn trong sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Đây cũng chính là mục tiêu mà các HTX trên thế giới đang hướng đến.
Phát triển HTX đồng nghĩa với phát triển thành viên
Trước vai trò quan trọng của mô hình HTX, Nhà nước và các cơ quan quản lý, trong đó có Liên minh HTX Việt Nam đã không ngừng tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho khu vực KTTT, HTX phát triển.
Cụ thể, dù được đánh giá là phát triển nhanh về số lượng HTX nhưng số lượng thành viên HTX lại đang có xu hướng giảm. Báo cáo của Bộ KHĐT cho thấy nếu như năm 2016, khu vực HTX thu hút 6,57 triệu thành viên, thì năm 2018 chỉ còn 6,08 triệu thành viên và đến năm 2021 còn 5,6 triệu thành viên.
Ngày Quốc tế HTX được tổ chức hằng năm vào thứ Bảy đầu tiên của tháng 7. Năm nay, Ngày Quốc tế HTX rơi vào 2/7 và cũng là bước ngoặt quan trọng khi các HTX trên toàn thế giới sẽ kỷ niệm 100 năm Ngày Quốc tế HTX với chủ đề "HTX xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn".
Trong khi đó, theo phong trào HTX thế giới, HTX phát triển luôn đi liền với phát triển số lượng thành viên. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng thành viên HTX ở nước ta (tỷ lệ thành viên trên dân số là 57%) còn rất thấp so với các nước như Nhật Bản có 65 triệu thành viên HTX trên tổng số 126 triệu dân (51%), vùng Quebec (Canada) có 8 triệu dân nhưng 8,6 triệu thành viên HTX...
Nguyên nhân của tình trạng này là do Luật HTX 2012 có những quy định chưa rõ ràng. Chẳng hạn như điều 13 về điều kiện trở thành thành viên “có nhu cầu hợp tác với thành viên và nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX”, hay quy định về nghĩa vụ thành viên tại Điều 15 “sử dụng dịch vụ, sản phẩm của HTX, liên hiệp HTX theo hợp đồng dịch vụ”… Theo các chuyên gia và các HTX, những quy định này là quá cứng nhắc và mang tính chất kinh tế nên không thu hút được nhiều người tham gia HTX.
Thực tế cho thấy, trong nguyên tắc thứ Nhất về sự tham gia tự nguyện và mở của ICA, HTX thành lập để đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội của thành viên và thành viên có thể sử dụng dịch vụ của HTX. Điều này bảo đảm tính cởi mở hơn, thông thoáng hơn cho mọi người dân tham gia HTX “miễn là có cùng một mục đích cụ thể”.
Chính vì vậy, Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) đang được lấy ý kiến nếu tiếp thu được kinh nghiệm thu hút thành viên của các HTX trên thế giới sẽ giúp các HTX ở Việt Nam thoát khỏi "chiếc áo chật" về khung khổ pháp luật trong những năm qua.
TS. Nguyễn Quang Hợp cũng cho rằng, ngoài sửa đổi, bổ sung Luật HTX năm 2012, Nhà nước cần có những chính sách vĩ mô để đảm bảo các HTX tồn tại đúng nghĩa là HTX.
Đặc biệt là các chính sách từ trung ương đến địa phương phải thật thông thoáng giúp các HTX có thể tận dụng những chính sách mới để tăng tốc phát triển, tạo điều kiện có thêm nhiều HTX hoạt động đúng bản chất ra đời, góp phần giải quyết các vấn đề của thế giới./.