Khái lược về quá trình hình thành và phát triển của Hợp tác xã (HTX) Nguyễn Gia, ông Nguyễn Hữu Tuệ, Giám đốc HTX cho biết: HTX mới thành lập năm 2018, gồm 7 cổ đông sáng lập, diện tích đưa vào sử dụng 3ha, tổng đàn gà nuôi đẻ hơn 7 vạn con, giá trị tài sản cố định và lưu động gần 12 tỷ đồng. Từ khi HTX đi vào sản xuất, kinh doanh đến gần đây, cơ bản vẫn lỗ vốn, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nhưng từ trung tuần tháng 7 vừa qua, giá trứng đã nhích lên, mỗi ngày HTX có lãi 20 triệu đồng. Nếu giá trứng cứ ổn định mức này và chăn nuôi không gặp rủi ro dịch bệnh lớn, thì sau 2 năm, HTX có thể thu hồi đủ vốn đầu tư, được lãi tài sản cố định và toàn bộ cơ sở hạ tầng trên đất.
Công nhân đang thu hoạch trứng
Nói về bí quyết chăn nuôi gà siêu trứng, ông Tuệ bật mí: Quan trọng nhất là chủ đầu tư phải dám nghĩ, dám làm. Thiếu vốn có thể vay ngân hàng. Kỹ thuật có doanh nghiệp (cung ứng con giống, cám công nghiệp hoặc thuốc thú y) đến tận trại cầm tay chỉ việc.
Nếu chăn nuôi lớn, công ty sẽ cử hẳn một kỹ sư cùng ăn, cùng ở, cùng giám sát dịch bệnh trong trại gà với gia đình. Tuy nhiên nhà đầu tư cũng phải biết quản lý kinh tế và điều hành nhân sự. Đặc biệt là phải biết lựa chọn đối tượng đầu tư đúng hướng, dự báo được khả năng cung, cầu của thị trường, kết nối được các đầu mối bao tiêu sản phẩm… Mới có thể giảm thiểu rủi ro các loại và sinh lời bền vững.
Để cạnh tranh với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, HTX tiến hành tiết kiệm chi phí phát sinh để giảm giá thành sản phầm. Đây cũng chính là lý do từ ngày 15/7/2020, một số tập đoàn chăn nuôi niêm yết giá trứng gà 1.800 đồng/quả, riêng HTX Nguyễn Gia xuất bán tại trại 1.600 đồng/quả vẫn có lãi khá, được thương lái tấp nập tìm đến mua, mỗi ngày đã sản xuất hơn 60 quả nghìn trứng lụa (trứng không tinh), mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.
Gà siêu trứng được nuôi xếp tầng trong nhà lạnh.
Đối tượng ông Tuệ đưa vào chăn nuôi là giống gà siêu trứng Isa Brown. Giống có ưu điểm dễ nuôi, mắn đẻ, ít dịch bệnh, năng suất trứng đạt cao (270-300 quả/năm), trứng to, vỏ màu nâu đỏ, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng trong nước. Các loại gà đều được nuôi trong nhà lạnh, cho ăn công nghiệp, chăm sóc theo hướng an toàn sinh học. Sản phẩm được cấp chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhớ lại quãng thời gian dài long đong lập nghiệp, ông Tuệ tâm tình: Từng có hơn 10 năm hành nghề giết mổ lợn, ngày nào phải cũng thức dậy từ 2-3 giờ sáng, làm thịt xong con lợn rồi, lại hối hả đưa ra chợ ngồi phơi mặt bán cả buổi, chiều về tiếp tục đi tìm mua lợn cho giết mổ ngày hôm sau, gần như có thời gian nghỉ ngơi.
Quá vất vả và hao tổn nhiều sức lực, nên tôi quyết định chuyển sang làm trang trại VAC, chủ lực vẫn là con lợn, nhưng nuôi lợn cần 5-6 tháng mới có thu nhập, giá lợn lại lên xuống theo ngày, sự chênh giá giữa các ngày cũng khá lớn, nên nhiều khi tính bán lợn sẽ được lãi cao, sau lại thành ra lãi thấp, vì không thể chủ động xuất chuồng được đúng thời điểm giá lợn cao.
"Suy tính thấy không ổn, tôi lại chuyển sang nuôi gà siêu trứng, ban đầu cũng chỉ nuôi thử trên dưới 1.000 con, ngày nào cũng có thu nhập, có tích lũy.
Sau khi có được nguồn vốn kha khá, kết hợp với vay ngân hàng, tôi vận động thêm một số hộ cùng chí hướng, góp vốn nhượng lại quyền sử dụng đất của nhà nông, thành lập HTX và đầu tư được qui mô chăn nuôi như đã nêu. Vốn đã quen vất vả, nên một số công việc như, xây dựng chuồng trại, phun thuốc khử trùng chăn nuôi… chúng tôi đều trực tiếp tham gia, nhằm đỡ công thuê mướn.
Nhờ vậy, trong hơn một năm nuôi gà siêu trứng thua lỗ, HTX vẫn bám trụ được tới khi có lãi tốt. Chắc chắn giá trứng gà sẽ duy trì được ở mức cao. Vì lợn thịt đang rất đắt. Các doanh nghiệp cũng bắt đầu hoạt động trở lại. Người lao động có thu nhập sẽ tăng mua trứng các loại”, ông Tuệ nhận định./.
Theo Nông nghiệp