Tính đến cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng đạt mức cao 7,75%. Con số này thể hiện ngành ngân hàng đã cung cấp ra nền kinh tế 11 triệu tỷ đồng. Dòng vốn ngân hàng thời gian tới sẽ được hướng chủ yếu vào sản xuất kinh doanh. Các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán sẽ được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ, nhưng không có nghĩa là siết tín dụng, cấm cho vay trong lĩnh vực này.
Tại nhiều ngân hàng, các lĩnh vực như: xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao... vẫn được ưu tiên vay vốn. Số liệu cũng cho thấy, tốc độ tăng trưởng ở những lĩnh vực này cao hơn nhiều lần so với bình quân.
Dòng tín dụng được điều hướng tích cực đã bù đắp đáng kể sự thiếu hụt vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán gặp nhiều khó khăn, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi kinh tế.
Dòng vốn ngân hàng thời gian tới sẽ được hướng chủ yếu vào sản xuất kinh doanh. Ảnh minh họa.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay: "Điều đáng mừng là tất cả tín dụng hầu như đều tăng dàn trải trên tất cả các lĩnh vực cần thiết, đặc biệt những lĩnh vực cần được ưu tiên thì tăng rất nhanh ví dụ như nông nghiệp nông thôn tăng gấp 3,2 lần cùng kỳ năm 2021. Lĩnh vực công nghiệp, vận tải, giao thông, du lịch, nhà hàng tăng 8,24%, gần gấp đôi 2021".
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, không có chủ trương siết tín dụng bất động sản, mà chỉ kiểm soát chặt "rủi ro" cho vay trong lĩnh vực này. Các dự án bất động sản nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, đều là những sản phẩm cần thiết và vẫn được khuyến khích cho vay.
Nguồn VTV