Câu hỏi: Xin cho biết những định hướng chủ yếu để phát triển kinh tế biển xanh bền vững được nêu trong Tuyên bố đồng Chủ tịch “Hội nghị quốc tế về Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu: Giải pháp cho nền kinh tế biển xanh có khả năng chống chịu” do Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Na Uy và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tổ chức trong hai ngày 12 và 13/5/2022.
Trả lời
Ngày 12-13 tháng 5/2022, “Hội nghị quốc tế về Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu: Giải pháp cho nền kknh tế biển xanh có khả năng chống chịu” do Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Na Uy và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tổ chức trong hai ngày 12 và 13/5/2022 theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến đã thành công tốt đẹp.
Tham dự và phát biểu khai mạc có Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Lê Văn Thành và Bà Anniken Huitfeldt, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Na Uy. Hội nghị do ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và bà Bjørg Sandkjær, Quốc vụ khanh, Bộ Ngoại giao Na Uy, đồng chủ trì và với sự tham gia của các Bộ trưởng hoặc Đặc phái viên cấp cao thuộc các ngành Ngoại giao, Môi trường, Tài nguyên thiên nhiên, Biến đổi khí hậu, Đại dương và Tài nguyên biển, Nông nghiệp và Thủy sản, Phát triển bền vững, Kế hoạch, Du lịch và các lĩnh vực liên quan từ 44 quốc gia, cũng như đại diện từ các tổ chức quốc tế và thể chế tài chính, các viện nghiên cứu quốc gia và quốc tế, các viện chính sách và trung tâm toàn cầu lớn, các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ, và các cơ quan thông tấn và báo chí.
Hội nghị tập trung vào năm chủ đề chính: Một là, phục hồi kinh tế biển xanh hậu covid-19 và hướng tới nền kinh tế đại dương xanh và bền vững; Hai là, quy hoạch không gian biển và xây dựng các thành phố ven biển và hạ tầng có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; Ba là, chống ô nhiễm biển và rác thải nhựa đại dương: thách thức chính của thế kỷ XXI; Bốn là, an ninh khí hậu, giới và khả năng chống chịu của các cộng đồng dễ bị tổn thương; Năm là, tài chính cho khí hậu và các đại dương. Hội nghị cũng đã tổ chức Phiên toàn thể đặc biệt về các rủi ro an ninh liên quan đến khí hậu.
Hội nghị đã đưa ra nhiều giải pháp, định hướng về một nền kinh tế biển xanh có khả năng chống chịu; nhấn mạnh, nền kinh tế biển xanh bền vững phụ thuộc vào việc phát huy toàn bộ tiềm năng kinh tế của các đại dương theo phương pháp quản lý tổng hợp, đồng thời bảo vệ và bảo tồn tài nguyên đại dương cho các thế hệ tương lai. Thích ứng với biến đổi khí hậu đòi hỏi sự lãnh đạo hiệu quả và các nỗ lực tổng hợp và phối hợp ở tất cả các cấp, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là đảm bảo sự tham gia đầy đủ, có ý nghĩa và bình đẳng của phụ nữ, thanh niên, khu vực tư nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng khoa học và giới học thuật.
Các Bộ trưởng xác định sự cần thiết đối với việc tất cả các bên liên quan tham gia giải quyết các vấn đề ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu, trên cơ sở Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) với các định hướng ưu tiên sau.
Một là, phục hồi và xây dựng lại tốt hơn sau đại dịch covid-19 vì một nền kinh tế biển bền vững và có khả năng chống chịu với khí hậu.
Thứ nhất, tạo ra môi trường chính sách và pháp lý cho một nền kinh tế biển bền vững và thích ứng với khí hậu; và đưa kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu trở thành ưu tiên hàng đầu trong các kế hoạch phục hồi cấp quốc gia;
Thứ hai, tăng cường khả năng phục hồi và thích ứng của các quốc gia, cộng đồng và các bên liên quan dễ bị tổn thương, bao gồm các hộ nông dân sản xuất nhỏ và ngư dân, để xây dựng và phát triển các ngành kinh tế biển quan trọng;
Thứ ba, thúc đẩy đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác và nuôi trồng thủy sản;
Thứ tư, tăng cường và thực thi các quy định nhằm giải quyết tình trạng đánh bắt quá mức và phát triển các mô hình và thực tiễn nuôi trồng thủy sản bền vững nhằm cải thiện an ninh lương thực và khả năng phục hồi của các nước đang phát triển và các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương;
Thứ năm, duy trì và khôi phục các chuỗi giá trị vận tải biển thiết yếu trong thời kỳ covid-19 và phát triển hệ thống giao thông hàng hải các bon thấp và bền vững, các cảng thông minh và thích ứng với khí hậu cũng như các cơ sở hạ tầng biển và ven biển khác, quy hoạch sử dụng đất đô thị, công nghiệp, vùng bờ và biển để phát triển kinh tế bền vững;
Thứ sáu, thúc đẩy phục hồi bền vững du lịch khỏi tác động của covid-19 và xây dựng tương lai tốt hơn để phát triển du lịch biển và ven biển có khả năng thích ứng; ngăn ngừa thiệt hại do du lịch đại chúng không được kiểm soát; phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên và các hoạt động du lịch dựa vào bảo vệ và bảo tồn hệ sinh thái biển và ven biển; đồng thời thiết lập các tiêu chuẩn sinh thái và hạ tầng để thúc đẩy du lịch biển và ven biển có trách nhiệm, bền vững và có khả năng thích ứng;
Thứ bảy, thúc đẩy phát triển một cách phù hợp các nguồn năng lượng tái tạo chi phí thấp dựa vào biển và đại dương;
Thứ tám, khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu, phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực, và các dự án thí điểm để tiếp cận tất cả các nguồn năng lượng tái tạo biển - bao gồm năng lượng gió, sóng, thủy triều, dòng chảy, nhiệt và năng lượng mặt trời, bao gồm xây dựng các khuôn khổ, phối hợp với ngành công nghiệp và các bên liên quan khác, xem xét các tác động môi trường của năng lượng tái tạo biển và tính tới khả năng, cùng tồn tại và hòa nhập với các mục đích sử dụng khác của đại dương;
Thứ chín, tăng cường nghiên cứu và giám sát quản lý các nguồn tài nguyên biển, nhằm nâng cao kiến thức và thực hành tốt nhất về kinh tế biển bền vững và tạo điều kiện đưa ra quyết định và chính sách, bao gồm các tác động đa chiều của nước biển dâng.
Hai là, giải quyết các rủi ro an ninh liên quan đến khí hậu.
Thứ nhất, giải quyết vấn đề an ninh liên quan đến khí hậu trong các cơ chế hợp tác an ninh toàn cầu và khu vực, bao gồm di cư quốc tế và di dời trong nước do khí hậu gây ra, các vấn đề an ninh nguồn nước và an ninh lương thực xuyên biên giới liên quan đến khí hậu, có tính đến các yếu tố về kinh tế, xã hội, tâm lý, giới và các khía cạnh khác;
Thứ hai, tăng cường báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về tác động an ninh của biến đổi khí hậu đối với các quốc gia và khu vực liên quan và các bối cảnh cụ thể về chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc;
Thứ ba, tính tới các rủi ro an ninh về khí hậu trong ngăn ngừa xung đột, kiến tạo và gìn giữ hòa bình, tái thiết hậu xung đột và các nỗ lực nhân đạo;
Thứ tư, xây dựng một hệ thống phản ứng thống nhất với các tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm các khía cạnh liên quan đến an ninh, vốn có tính quyết định để đảm bảo hòa bình bền vững trong các tình huống trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc;
Thứ năm, xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm liên quan đến khí hậu và các cơ chế điều phối, phối hợp và chia sẻ thông tin thường xuyên và kịp thời để giải quyết các rủi ro an ninh liên quan đến khí hậu, và tăng cường ngăn ngừa xung đột, hòa giải và gìn giữ hòa bình;
Thứ sáu, tính tới các rủi ro khí hậu trong các nỗ lực ngoại giao để hòa giải và ngăn ngừa xung đột. Kinh nghiệm chung về biến đổi khí hậu có thể là khởi đầu cho việc xây dựng lòng tin và đối thoại giữa các cộng đồng.
Ba là, quy hoạch không gian biển, các đô thị và hạn tầng chống chịu với khí hậu.
Thứ nhất, thiết lập và củng cố các cơ chế quy hoạch không gian biển cấp vùng và quốc gia nhằm tạo khuôn khổ cho việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các dịch vụ hệ sinh thái có nguồn gốc từ các vùng biển, đồng thời duy trì cấu trúc, chức năng, năng suất và tính đa dạng của các hệ sinh thái biển, đảm bảo phát triển bền vững, và tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Điều này đòi hỏi sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả giữa các lĩnh vực như thủy sản, du lịch, giao thông hàng hải và phát triển năng lượng biển để thích ứng và giải quyết xung đột giữa lợi ích và ưu tiên;
Thứ hai, hoan nghênh và ủng hộ các kết luận chính của Hội đồng cấp cao về Kinh tế đại dương bền vững về xây dựng các kế hoạch quản lý đại dương bền vững từ nay đến năm 2030;
Thứ ba, trong bối cảnh phục hồi sau covid-19 và thời gian tiếp theo, thúc đẩy sự phát triển của các thành phố ven biển, du lịch, công nghiệp, năng lượng và cơ sở hạ tầng giao thông có khả năng chống chịu với khí hậu và thiên tai, bao gồm các giải pháp dựa vào thiên nhiên cho các thành phố ven biển có khả năng chống chịu, thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân và các cộng đồng dễ bị tổn thương;
Thứ tư, thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác nhằm hiệp lực giữa các sáng kiến về thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng trưởng bền vững trong các lĩnh vực khác nhau của kinh tế biển xanh.
Bốn là, bảo vệ đại dương, chống ô nhiễm biển bao gồm ô nhiễm nhựa.
Thứ nhất, tăng cường hành động toàn cầu để giải quyết ô nhiễm nhựa, thúc đẩy tiến độ hướng tới việc thiết lập một thỏa thuận quốc tế có tính ràng buộc pháp lý về ô nhiễm nhựa và giảm thiểu tác động môi trường của ô nhiễm nhựa, phù hợp với Nghị quyết của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc về chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa;
Thứ hai, tăng cường hợp tác về quản lý, giám sát và giải quyết ô nhiễm môi trường trên các vùng biển quốc tế;
Thứ ba, đạt được sự sản xuất và tiêu dùng bền vững, phù hợp với Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) 12;
Thứ tư, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn toàn cầu, hợp tác với khu vực tư nhân, giải quyết vòng đời đầy đủ của nhựa, khuyến khích phát triển, sản xuất và sử dụng các giải pháp thay thế khả thi và bền vững cho nhựa;
Thứ năm, giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển từ các hoạt động trên đất liền cũng như ô nhiễm từ tàu và ngư cụ thải bỏ;
Thứ sáu, tăng cường năng lực cốt lõi về khảo sát tài nguyên và môi trường đại dương, và về bảo vệ đa dạng sinh học, các hệ sinh thái và rạn san hô biển;
Thứ bảy, khẳng định rằng, việc bảo vệ đại dương và chống ô nhiễm biển cần được thực hiện trên cơ sở các nguyên tắc của Tuyên bố Rio về Môi trường và Phát triển;
Thứ tám, hoan nghênh Tuyên bố Bangkok về chống rác thải biển trong khu vực ASEAN.
Thứ chín, kêu gọi tất cả các thành viên của Liên hợp quốc ủng hộ và thực thi Nghị quyết của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc về chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa
Năm là, đảm bảo công bằng giới và tăng cường khả năng phục hồi của các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Thứ nhất, thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế biển xanh, quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm cơ hội cho phụ nữ trong các hoạt động liên quan đến biển để hiện thực hóa tiềm năng kinh tế và xã hội và cho phép họ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên đồng thời tăng cơ hội được tiếp cận giáo dục chất lượng cao và có được việc làm tốt;
Thứ hai, đảm bảo sự tôn trọng và bảo vệ quyền con người, bình đẳng giới, sự tham gia của cộng đồng và người dân bản địa thông qua sự đồng thuận tự nguyện và được thông báo trước;
Thứ ba, tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức về kinh tế biển và thích ứng với biến đổi khí hậu;
Thứ tư, thúc đẩy việc đưa nền kinh tế biển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu vào các diễn đàn, cơ chế quản trị và hợp tác toàn cầu và khu vực.
Sáu là, tiếp cận nguồn tài chính hiệu quả, công bằng, đầy đủ để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm hỗ trợ nền kinh tế xanh bền vững và phục hồi:
Thứ nhất, thúc đẩy các cơ chế tài chính bền vững và sáng tạo sẽ cung cấp nguồn vốn dài hạn, đáng tin cậy và có tính xúc tác để mở rộng dòng tài chính cho một nền kinh tế biển xanh phát thải thấp, bền vững và có khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu;
Thứ hai, đưa vấn đề tài chính cho giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu và kinh tế đại dương vào các chính sách và kế hoạch kích thích và phục hồi nền kinh tế sau covid-19;
Thứ ba, tăng cường vai trò và sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững 13 & 14.
MTT
(Theo Tuyên bố Đồng Chủ tịch ngày 13/5/2022 “Hướng tới nền kinh tế biển xanh bền vững và có khả năng chống chịu”, Hội nghị quốc tế về Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu: Giải pháp cho nền kinh tế biển xanh có khả năng chống chịu, ngày 12-13 tháng 5 năm 2022, Hà Nội, Việt Nam).