Nhiều HTX thiếu lao động có năng lực, thành viên HTX chưa được đào tạo còn nhiều. Ảnh: TTXVN
Tại Hội thảo nâng cao hiệu quả công tác đào tạo bồi dưỡng cho thành viên, người lao động hợp tác xã (HTX) và các tổ chức kinh tế tập thể, tổ chức ngày 5/4, bà Cao Xuân Thu Vân cho biết: Để phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, HTX có vai trò rất quan trọng. Việc quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cho các HTX sẽ nâng cao hiệu quả của mô hình này, từ đó thúc đẩy kiềng 3 chân “nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Việc đào tạo nguồn nhân lực cho HTX là điều vô cùng quan trọng, nhằm giúp HTX khắc phục những khó khăn, vươn lên phát triển hiệu quả. Muốn làm được điều đó, theo các chuyên gia, cần phải có những thay đổi cả về chính sách và nội lực các HTX.
Tuy nhiên, theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), trong hơn 72.300 cán bộ quản lý HTX nông nghiệp cả nước, có tới 44% chưa đào tạo; 40% có trình độ trung cấp, sơ cấp và chỉ có 16% tốt nghiệp cao đẳng, đại học và trên đại học. Nếu xét riêng chức danh giám đốc HTX nông nghiệp thì có tới 32% chưa qua đào tạo. Con số này ở Đồng bằng sông Cửu Long lên đến 57,3%, khu vực Tây Nguyên là 44,6%.
Thực chất, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với thành lập tổ hợp tác, HTX là một trong những nội dung quan trọng, cụ thể là đã được quy định trong Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhân lực HTX được Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam đánh giá là có vai trò quan trọng để HTX phát triển hiệu quả.
“Trong 11 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, có hơn 61.200 người sau học nghề thành lập tổ, nhóm sản xuất, HTX, doanh nghiệp nhỏ. Bình quân hàng năm có hơn 5.560 người sau học nghề thành lập Tổ nhóm hợp tác sản xuất, HTX, doanh nghiệp tạo việc làm cho bản thân và lao động khác tại địa phương”, Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động thương binh và xã hội - LĐTB&XH) thống kê.
Tuy nhiên, việc chỉ có hơn 61.200 người sau học nghề thành lập tổ, nhóm sản xuất, HTX, doanh nghiệp nhỏ và chỉ chiếm 2% số người làm việc sau học nghề là quá khiêm tốn.
Th.s Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ đào tạo thường xuyên, Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) trăn trở: “Nhiều địa phương hiện không huy động được đội ngũ nghệ nhân tham gia vào quá trình đào tạo, truyền nghề cho HTX. Điều này, có thể là do nghệ nhân giấu nghề, chỉ muốn truyền nghề trong nội bộ gia đình nhưng cũng có nguyên nhân đến từ việc chính sách hỗ trợ trước đó chưa phù hợp, yêu cầu quá khắt khe”.
Trong khi thực tiễn các nghệ nhân truyền đạt về kiến thức thực tiễn nhiều, giáo trình lý thuyết có thể hạn chế vì không phải là người đào tạo chuyên nghiệp. Chính vì vậy, việc chính sách hỗ trợ đào tạo nghề thông qua nghệ nhân của Bộ LĐTB&XH đã phải chuyển sang hỗ trợ theo kiểu “tùy thuộc vào tình hình thực tiễn”, ông Đào Trọng Độ cho biết.
Đào tạo nguồn nhân lực bài bản để phát triển bền vững
Ba Chương trình mục tiêu Quốc gia hiện nay là: Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo; phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều có dự án, tiểu dự án về đào tạo nguồn lao động nông thôn, trong đó có HTX.
Tuy nhiên, theo Th.s Đào Trọng Độ, nhiều địa phương chưa dùng hết nguồn lực hỗ trợ về đào tạo lao động nông thôn, HTX. Nhưng về phía các HTX lại luôn thiếu lao động có năng lực, thành viên HTX chưa được đào tạo còn nhiều.
“Thực trạng này cho thấy vấn đề đào tạo lao động nông thôn, HTX chưa được các địa phương quan tâm, hay việc bố trí thời gian, địa điểm, hay hỗ trợ các lớp đào tạo chưa phù hợp”, Vụ trưởng Vụ đào tạo thường xuyên, Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp cho biết.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cũng chỉ ra, các Bộ, ngành cũng đã có chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho HTX nhưng mỗi Bộ, ngành lại đào tạo một cách nên không mang lại hiệu quả, từ đó dẫn đến đào tạo nhưng theo kiểu “trăm hoa đua nở”. Đặc biệt vị trí quản trị HTX chưa được chú trọng đào tạo, thành viên HTX cụ thể là đội ngũ kế toán HTX cũng chưa được quan tâm đào tạo.
Chia sẻ tại Hội thảo nâng cao hiệu quả công tác đào tạo bồi dưỡng cho thành viên, người lao động HTX và các tổ chức kinh tế tập thể, tổ chức ngày 5/4, ông Kim Jin Chenol, Văn phòng đại diện Nonghyup tại Việt Nam (Liên đoàn HTX nông nghiệp Hàn Quốc-NACF) cho biết, ở Hàn Quốc, các HTX ở đây phát triển mạnh, hoạt động hiệu quả và ít bị động trước sự thay đổi của thị trường. Điều này nhờ Chính phủ nước này rất quan tâm, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho HTX.
“Chỉ trong năm 2022, đã có 880.000 nhân viên, 170.000 thành viên HTX trong Liên đoàn HTX được đào tạo. Trong đó, Liên đoàn chú trọng đào tạo về bản chất của Liên đoàn, đào tạo quản lý, chuyên gia, đào tạo kỹ thuật số”, ông Kim Jin Chenol cho biết.
Ông Kim Jin Chenol cũng dẫn chứng, trước đó, thành viên, người lao động trong các HTX khá thụ động, nhưng sau khi được đào tạo, thành viên HTX rất chủ động trong sản xuất, liên kết, chủ động giao tiếp, hoạt động của HTX cũng mang tính nhảy vọt, nâng cao được thành tích kinh doanh.
Theo ông Kim Jin Chenoh, để nâng cao năng lực nhân lực cho các HTX, cần tập trung vào 3 yếu tố: Sức mạnh học hỏi (biến tri thức thành của mình); Sức mạnh rút gọn (nắm bắt được thứ tự ưu tiên, sự quan trọng). Sức mạnh thực thành (áp dụng kiến thức trong thực tiễn trong thời gian ngắn). Và khi làm được 3 điều này, năng lực của thành viên, HTX sẽ được nâng lên.
Chủ tịch Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh, HTX rất cần bộ tài liệu giáo trình chuẩn để khi chủ tịch, giám đốc HTX làm việc trong thực tiễn phải có những kiến thức cơ bản, phổ thông để phát triển HTX, đó chính là nền tảng để đưa HTX phát triển hiệu quả. Và việc đào tạo HTX phải dựa trên chuẩn đó để giúp HTX chủ động hơn.
TS Võ Thị Kim Sa, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp 2 tại TP Hồ Chí Minh thì cho rằng, việc xây dựng một chương trình đào tạo có hệ thống có vai trò rất quan trọng. Hiện các chương trình hỗ trợ nguồn nhân lực cho HTX chỉ tập trung vào bồi dưỡng nên không phát huy được hiệu quả, lại tạo ra sự khập khiễng, chắp vá nếu HTX tham gia nhiều lớp, chương trình đào tạo.
Hiện, các nước rất chú trọng đào tạo chuyên nghiệp và theo hệ thống. Ngay như ở Canada, ở trường mẫu giáo đã có chương trình biên soạn, đào tạo về HTX về liên kết hợp tác nhằm nuôi dưỡng tinh thần hợp tác từ ngay lúc nhỏ. Trong Liên đoàn HTX nông nghiệp Hàn Quốc cũng có trường đại học trong Liên hiệp HTX này. Điều này cho thấy, việc đào tạo về HTX đã được chuyên nghiệp hóa, có hệ thống. Và mỗi năm, những sinh viên ra trường sẽ có không ít người vào chính HTX, Liên hiệp HTX làm việc.
Nguồn TTXVN